Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

'Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận'.| Dạy Nhạc Họa tại Hải Phòng - MuzikArt

'Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận'.| Dạy Nhạc Họa tại Hải Phòng - MuzikArt

'Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận'.| Dạy Nhạc Họa tại Hải Phòng - MuzikArt
Tính cách con người đã được định hình ngay từ khi 3-5 tuổi. Nghĩa là nhìn một đứa trẻ ở vào lứa tuổi này, ta có thể đoán được tính cách sau này của nó: Có phải là đứa trẻ ích kỷ hay không? Có biết giúp đỡ cha mẹ không? Có hung hăng không? Có thiên hướng nghệ thuật không?...

 Tính cách không phải là bẩm sinh hay di truyền, mà nó được hình thành từ khi đứa trẻ được sinh ra và chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động bên ngoài, sự giáo dục của cha mẹ... Có một câu nói rất hay về vấn đề này: "Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận".
Người ta thường nói "Nhân chi sơ tính bổn thiện" (con người sinh ra vốn là tốt). Nhưng với một đứa trẻ, nếu không được dạy dỗ đúng cách thì điều đó không hẳn đúng. Tư duy của nó chưa đủ mạnh để phân biệt chính xác thế nào là đúng, thế nào là sai. Nhưng bản năng sinh tồn của bất kỳ sinh vật nào cũng luôn có khuynh hướng chọn lấy những gì có lợi cho mình nhất. Chỉ có con người, do được giáo dục và do những quy tắc xã hội, mới biết tự điều chỉnh hành vi để không phải lúc nào cũng chỉ biết giành phần lợi về mình. Một đứa trẻ nếu không được dạy dỗ, sẽ dễ dàng trở nên ích kỷ, tham lam... vì điều này trước hết có lợi cho bản thân nó.



Sự khác biệt giữa cách nuôi dạy con của VN và Phương Tây:

- Tính tự lực: Người VN luôn có khuynh hướng bảo bọc con thật kỹ. Khi con bị té, cha mẹ suýt xoa chạy lại nâng con dậy. Có người còn đánh xuống đất và mắng "tại mày làm con tao đau nè" để an ủi đứa con đang khóc rống lên. Người Phương Tây thì thường không làm vậy, họ cũng lo lắng dõi theo đứa con có bị tổn thương gì hay không, nhưng nếu nó có thể tự đứng được thì họ vẫn để cho nó tự đứng lên. Rõ ràng việc đứa trẻ bị té là có lỗi của nó không cẩn thận, và nó cần phải tự khắc phục. Không thể nào đổ lỗi tại mặt đất đã làm con mình té, điều nó chỉ khiến đứa con có khuynh hướng đổ thừa mỗi khi gây ra chuyện gì.

- Tính cục bộ: Nền văn minh nhân loại bắt đầu hưng thịnh ở châu Á, châu Phi từ hàng ngàn năm trước. Nhưng tại sao xã hội Phương Tây chỉ trong vòng vài trăm năm gần đây đã phát triển tột bậc và qua mặt tất cả? Một trong những lời giải thích là do khác biệt về bản tính cục bộ. Phương Đông thường có khuynh hướng co cụm lại trong khuôn khổ cá nhân, gia đình mình. Khi có một phát kiến nào đó, họ thường giữ kín như một bí quyết gia truyền. Thậm chí không truyền nghề cho chính con gái mình vì sợ "nữ sinh ngoại tộc". Ngược lại trong xã hội Phương Tây, khi có phát kiến mới thì họ sẽ đi đăng ký bản quyền và nhanh chóng đưa ra áp dụng ngoài thực tế. Điều này khiến cho các thành tựu mới luôn được áp dụng một cách nhanh chóng và rộng rãi để phục vụ lợi ích cho cả cộng đồng. Tính cách trái ngược nhau này không chỉ khiến diện mạo xã hội Phương Đông khác hẳn Phương Tây mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cách nuôi dạy con cái.

Bài học 1: luôn dạy con từ sớm nhất có thể

Đây là bài học quan trọng số 1, tương tự như câu nói "dạy con từ thuở còn thơ" của cha ông ta. Đứa trẻ hiểu và có nhận thức sớm hơn ta tưởng rất nhiều. Nếu như có thể dạy con một điều gì đó ngay từ hôm nay thì hãy thực hiện điều đó ngay. Đừng đưa ra cái hẹn khất lần kiểu như: thôi chờ con vào lớp 1 rồi sẽ dạy, thôi chờ con lớn thêm vài ba tuổi nữa rồi hẵng hay... Một khi đã quyết định đưa ra thời điểm như vậy thì sống chết gì cũng phải thực hiện. Sự quyết đoán này tốt cho cả con cái lẫn cha mẹ!

Bài học 2: thả lỏng cho con, nhưng phải luôn xác định giới hạn

Đứa trẻ được tự do phát triển ý tưởng và vui chơi, nhưng nó phải biết có giới hạn. Chơi với ông bà, nhưng không được đập vào mặt ông bà rồi tất cả cùng cười khanh khách. Tô vẽ tùy thích trên giấy tập mà ba mẹ mua cho, nhưng không được phép tô vẽ lên tường phòng khách. Được khuyến khích bắt chước và nói ra những câu nói mới lạ, nhưng không được phép nói bậy...

Một sai lầm lớn và khá phổ biến là cha mẹ đáp ứng nhu cầu của con hầu như vô điều kiện. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân trước đây cha mẹ đã trải qua cuộc sống khó khăn, nên bây giờ quyết tâm không để cho con thiếu thốn cái gì. Một đứa trẻ "muốn gì được nấy" sau này sẽ trở thành người có sức chịu đựng rất kém với những tình huống khó khăn. Hãy luôn dạy để con hiểu rằng "không phải con muốn cái gì là cũng phải được cái đó" mỗi khi nó đưa ra đòi hỏi sớm hơn với nhu cầu của lứa tuổi.

Bài học 3: dạy cho con biết chia sẻ

Có những đứa trẻ sẵn sàng cho bạn cùng chơi đồ chơi của mình, nhưng có những đứa thì dứt khoát không chịu. Không thể đổ thừa "tại tính con tôi nói vậy". Thật ra, ngay từ khi đứa trẻ bắt đầu có khái niệm "sở hữu", dù chỉ là sở hữu đồ chơi. Do đó ta phải dạy dỗ con biết cho các bạn cùng chơi. Hãy dạy cho con hiểu được khái niệm "ích kỷ", "tham lam" nghĩa là gì bằng cách so sánh với những nhân vật hoạt hình mà chúng thường xem.

- Khi con đang chơi đồ hàng. Tôi hỏi: "Con có sẵn sàng cho các bạn học cùng lớp chơi cùng không?". "Dạ có". "Nếu không cho các bạn chơi cùng thì sao?". "Thì đó là ích kỷ, xấu lắm!".

- Khi con đang ăn một món khoái khẩu. Tôi hỏi: "Con có muốn mời ông bà ăn cùng không?". "Dạ có chứ". "Giỏi lắm, nếu không mời thì sao". "Là tham lam đó. Giống như con chuột mập trong phim hoạt hình cô bé Lọ Lem đó".

Bài học 4: dạy con tự chăm sóc bản thân

Ngay từ khi con có thể tự đi được đôi giày, có thể ôm được đồ chơi đi cất... thì hãy áp dụng điều đó ngay lập tức, kể cả khi điều đó khiến cha mẹ phải tốn thêm ít thời gian chờ đợi. Kèm theo là lời khen ngợi để bé phấn khởi tinh thần. Nhiều bậc cha mẹ sốt ruột chờ đợi đã giành lấy phần việc mà lẽ ra có thể giao cho con tự làm.

Trong phần lớn trường hợp, kết quả do con cái tự làm là tệ hơn do cha mẹ làm giúp. Chẳng hạn giao cho bé tự đánh răng thì nước sẽ tung tóe đầy ngực áo. Nhưng phải biết mạnh dạn chấp nhận điều này, trừ phi bạn muốn biến con mình trở thành kẻ ỷ lại. Dần dần, con sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình.

Bài học 5: dạy con biết giúp đỡ cha mẹ

Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là khi thấy con làm gì cũng cảm thấy "thương nó quá" hoặc "có vẻ quá sức với nó", cho nên đã tước đoạt mất của trẻ những cơ hội được góp sức vào công việc gia đình. Đến khi trưởng thành, nó vẫn quen được chăm bẵm. Một người không thể làm tốt cho chính gia đình mình, thì cũng chẳng thể nào làm tốt công việc cho công ty được.

Có những đứa trẻ rất phấn khởi, hào hứng khi được giúp cha mẹ, khởi đầu từ những việc xách hộ một cái túi đồ nhỏ nhất khi đi siêu thị. Có những đứa trẻ thì ngược lại, dứt khoát không thèm nhúng tay vào việc này. Lý do "tại tính con tôi nó thế" chỉ là lời ngụy biện cho cách dạy con sai lầm trước đó.

Bài học 6: dạy con biết đương đầu với thực tế

Có một lời hát thiếu nhi "Nhát như con thỏ đế..." và điều này hoàn toàn chính xác với cô con gái bé bỏng của tôi. Có con nhút nhát mà muốn dạy cho nó can đảm lên thật không phải việc dễ dàng. Có 2 nguyên nhân chính khiến cho đứa trẻ sợ một điều gì đó: hoặc nó cảm thấy bị nguy hiểm/đe dọa, hoặc đó là một điều kỳ bí mà nó không thể hiểu nổi.

- Bé rất sợ bơi, mỗi lần Trường cho đi bơi là bé co rúm người lại. Tôi phải tập cho bé ở trong bồn tắm ở nhà để bé quen với cảm giác lềnh bềnh, sau đó tập cho bé ở trạng thái nổi "mất chân chống". Dần dần, bé không còn thấy đó là mối nguy hiểm nữa. Bây giờ bé rất thích thú với giờ bơi ở Trường.

- Một lần bé vào toilet và hoảng hốt chạy ra. Tôi dẫn bé vào để xem có gì xảy ra trong đó. Thì ra bé sợ một vệt sáng lóe trên tường. Vì bé còn rất nhỏ nên tôi hết sức khó khăn để giải thích cho bé hiểu khái niệm về sự phản chiếu. Nhưng khi bé hiểu rồi thì cũng bõ công: bé tỏ ra khoái chí khi lấy tay che cái tay nắm bằng inox (vật gây ra phản chiếu ánh đèn lên tường) và bi bô "con đã che được vệt sáng lóe rồi nè".

- Bé sợ mọi thứ côn trùng. Một lần một con bọ cánh cứng bay vào nhà. Tôi đã cùng bé tập trò chơi: lấy một tờ giấy trùm lên con bọ và nhanh chóng gói kín lại bỏ vào thùng rác. Dù có hơi hoảng, nhưng cuối cùng "nhiệm vụ đã hoàn tất" và bé rất phấn khởi khoe thành tích với mọi người. Khi con sợ một điều gì đó, hãy tìm cách cho con đương đầu với nó (dĩ nhiên với một cách tiếp cận an toàn và có sự theo dõi của người lớn). Cũng với phương pháp này, tôi đã tập cho con mình có thể xoa đầu được con chó nhà hàng xóm, mà trước đó con bé sợ chết khiếp.

Một sai lầm (mà tôi cho là rất nghiêm trọng) của các bậc cha mẹ là hay đem những thứ ghê gớm như con ma, con ngáo ộp... ra dọa trẻ. Như trên đã nói, đứng trước những gì kỳ bí không thể hiểu nổi thì đứa trẻ luôn cảm thấy sợ sệt. Thay vì phải giúp con xóa đi những "thần bí" mà nó gặp phải trong đời, thì có người lại đem thêm những điều "thần bí" mới cho con mình!

Có nhiều trường hợp cha mẹ phải la mắng con. Nhưng trong trường hợp con cái nhút nhát, sợ sệt một cái gì đó thì tuyệt đối cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn. Nếu nóng nảy la mắng sẽ càng khiến bé nhút nhát thêm.

Bài học 7: dạy con ý thức tiết kiệm

Con tôi rất thích dán sticker. Mà món đồ này thì phong phú, nhiều màu sắc và... rẻ đến kinh người. Thế là con bé được mua rất nhiều sticker. Đến khi tôi nhận ra bé bắt đầu lạm dụng, dán tràn lan lên cả những mảnh giấy rác sẽ bỏ đi, thì tôi thấy rằng cần phải dạy bé về sự tiết kiệm. Mở đầu là bài học về sự giới hạn: "hiện nay con chỉ còn từng này sticker, nếu con dán hết thì sẽ chẳng còn gì để dán nữa".

Một đứa trẻ không thể hiểu nổi "1 triệu đồng" có giá trị như thế nào, nhưng hoàn toàn có thể quy đổi một món đồ chơi này của con bằng công sức làm việc của cha mẹ trong X ngày để nó có ý thức giữ gìn hơn.

Trong bài học 9 dưới đây có đề cập đến việc người lớn không so sánh với quá khứ của thế hệ trước để làm "tiêu chuẩn" áp dụng cho con. Nhưng hoàn toàn có thể nhắc nhở cho con những tháng ngày nghèo khó với mục đích giáo dục con. Khi con tôi muốn mở máy lạnh trong khi trời không thật nóng, chỉ cần nhắc rằng "máy lạnh rất tốn điện, chỉ nên dùng khi cần thiết" là bé con vui vẻ đồng ý liền. Lý do là trước đó, bé đã được kể nhiều về câu chuyện "ngày xưa ba mẹ rất nghèo...". Ôn lại quá khứ không có gì là sai trái. Chỉ có điều, mục đích kể để cho bé thương cha mẹ hơn và để biết tiết kiệm hơn, chứ không phải để "kể khổ".

Bài học 8: dạy con biết ăn nói lễ phép

Hầu như các bậc cha mẹ đều biết dạy con làm việc này. Thật ra không quá khó để con trở nên lễ phép. Thậm chí đây còn là điều dạy con dễ nhất: chỉ cần biết khoanh tay, biết dạ thưa... là đã có biểu hiện của sự lễ phép! Nhưng lễ phép không đơn giản chỉ có vậy. Ngay từ khi đứa trẻ còn "chưa biết gì", khi nó tỏ ra vô lễ thì cha mẹ phải nhắc nhở nó, còn khi nó lễ phép thì khen ngợi nó. Chờ đến khi nó "đã biết gì" mới dạy những bài học cơ bản này thì hầu như là đã quá muộn.

Một đứa trẻ lễ phép luôn khiến mọi người yêu quý nó, từ đó có tác động ngược lại đến việc việc hình thành nhân cách của trẻ. Nó sẽ thấy yêu mến mọi người xung quanh hơn, yêu cuộc sống này hơn. Nó sẽ có nhu cầu được giao lưu, trao đổi và qua đó khắc phục một số nhược điểm khác (nếu có) như: nhút nhát, ăn nói ngọng nghịu...

Thế nhưng, thật đáng tiếc vẫn có nhiều đứa trẻ tỏ ra lấc xấc và thiếu lễ độ trước người lớn. Như trên đã nói, lỗi này hoàn toàn do cha mẹ chứ không phải đổ tại "trời sinh tính".

Nhiều người cho rằng bài học lễ phép phải được dạy con trước hết. Tôi đưa xuống đây với ngụ ý: bài học dạy con lễ phép phải được xem là một phần phối hợp với những bài học trước. Nếu chỉ dạy con lễ phép không thôi, mà không dạy nó biết giúp đỡ người khác, biết chia sẻ với bạn bè, - thì rất nhanh thôi - đứa trẻ sẽ hiểu ra đó chỉ là những lời "chót lưỡi đầu môi" và sẽ mất "hứng thú" để tiếp tục "làm người lễ phép".

Bài học 9: người lớn cần phải làm gì để dạy con?

Để dạy con đạt kết quả tốt nhất, bản thân người lớn cũng phải làm lắm chuyện:

- Luôn giữ lời hứa với con: Đừng tưởng con còn bé thì nó sẽ mau quên. Thật ra, khi cha mẹ hứa thưởng cho con cái gì, nó sẽ luôn phấn chấn và trong đầu nó cứ thôi thúc hình ảnh của phần thưởng đó. Nghĩa là nó sẽ không quên đâu!

- Đừng so sánh với quá khứ của thế hệ trước: Tôi luôn ghi nhớ về một sai lầm của ba tôi, mặc dù đó là câu chuyện từ khi tôi còn thơ ấu. Sau khi đánh tôi xong, ông thường nói "ba đánh vậy là còn nhẹ lắm, ngày xưa ông nội đánh ba còn gấp 10 lần thế này" với hàm ý rằng ba tôi thương tôi gấp 10 lần ông nội ngày xưa! Tôi chẳng bao giờ lặp lại sai lầm này. Cần phải hiểu rằng: nhắc nhở con về quá khứ gian khổ là để con hiểu hơn những ngày gian khó của mình, chứ không phải để "so bì" với những gì mà con đang được hưởng.

- Dạy học cho con: Học hành không phải là hoạt động duy nhất của đứa trẻ, nhưng chắc chắn đó là hoạt động quan trọng bậc nhất. Cho nên cha mẹ cũng phải đầu tư nhiều công sức cho việc học của con, nhưng phải theo cách đúng đắn. Có nhiều quan điểm, tôi đã giới thiệu trong phần "Kinh nghiệm học hành" ở đây không nhắc lại vì trùng lắp. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng: dạy con phương pháp học đúng đắn không chỉ đơn thuần là giúp con học giỏi, mà còn là giúp con có những kỹ năng phân tích, kỹ năng nhận thức... sẽ giúp ích rất nhiều cho tương lai khi bước vào đời.

- Cha mẹ phải là một bản song tấu: Dạy con theo kiểu trống đánh xuôi, kèm thổi ngược thì con sẽ chỉ nghe theo "bên nào" có lợi cho nó nhất. Cha mẹ phải có sự nhịp nhàng trong việc phân công trách nhiệm. Thật may rằng thiên nhiên đã ưu tiên sẵn vai trò của mỗi giới: phái nam thì nên đảm trách "âm trầm" để chấn chỉnh con mỗi khi nó đi ngoài khuôn phép; phái nữ thì nên đảm trách "âm bổng" để thúc đẩy con hoạt động. Dĩ nhiên chẳng có gì ngăn cấm nếu thỉnh thoảng cha mẹ đổi vai cho nhau. Và đối với những gia đình thiếu đi một người cha hoặc mẹ, thì người còn lại phải đảm nhiệm cả 2 vai. Điều này hoàn toàn làm được.

Cha mẹ luôn hãnh diện khi thấy con cái tài giỏi, ngoan ngoãn. Nhưng thành quả ấy không tự dưng đến, mà phải bắt nguồn từ sự nỗ lực của cha mẹ trong việc giáo dục con cái.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]