Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

NÀNG TÔ THỊ



Sau khi NÀNG TÔ THỊ một thắng cảnh của Lạng Sơn bị đổ vỡ nhiều tin đồn cho rằng có kẻ vô văn hóa đã đập Nàng để lấy đá nung vôi. Tin đồn khắp nước thậm chí còn đồn ra cả nước ngoài.Một làn sóng công phẫn trên các thông tin đại chúng. Nhiều báo chí lên án mạnh mẽ.Một lần lên Lạng Sơn tôi leo lên tận chân tượng Nàng Tô Thị ( được đắp bằng xi măng) để chụp ảnh mà cảm thấy xót xa.Nàng hóa đá đã đành vì chờ chồng mòn mỏi .Nhưng đứa con có tội tình gì đâu mà cũng phải hóa đá. Trong tâm trạng bức xúc vừa giận kẻ đã đập phá Nàng Tô Thị vừa thương đứa bé con Nàng Tô Thị tôi viết như sau:

MUỐN ĐÓN CON NÀNG TÔ THỊ


Muốn lên đây đón con Nàng

Nghe đồn Nàng bị chúng phang mất rồi

Đập ra lấy đá nung vôi

Thân Nàng vỡ vụn , rụng rơi tan tành

Để đền cái tội tầy đình

Chúng đem xây lại khối hình xi măng

Trông xa nhang nhác giống nàng

Lại gần trông thật phũ phàng, đớn đau

Thôi đành vậy biết làm sao

Từ xa tưởng tượng trên cao bóng Nàng

Thành nhà Mạc gió mang mang

Bỗng nghe văng vẳng mơ màng thơ xưa

" Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh "

Thân Tô Thị đã tan tành

Hồn Nàng còn mãi quẩn quanh nơi này

Cho dù có đứng mãi đây

Chờ chồng chàng cũng chẳng quay về nào

Con Nàng, nàng tính làm sao

Bên Nàng nó chịu biết bao ưu phiền

Muốn con mình được bình yên

Thả con ra để tôi lên đón về .

DIZIKIMI

Kỳ 1: Vụ án tày đình
Tượng nàng Tô Thị ở quần thể di tích – thắng cảnh Tam Thanh, thành phố biên ải Lạng Sơn là một trong những chủ đề cho nhiều ca khúc, bài thơ, cảm xúc sáng tác của người Việt Nam qua bao thế hệ, trong đó có trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ.

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”


Núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.

Ông Quyết ngày ngày ngồi dưới chân nàng Tô Thị để tự minh oan cho mình. Ảnh: Đoàn Đạt
Kẻ tội đồ
17g chiều ngày cuối tuần 27.7.1991, trong khi mọi người dân sống dưới chân núi đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì một cơn mưa tầm tả, một cơn mưa mà ông Đồng Văn Hàm, một cư dân ở ngay phía dưới chân núi Tô Thị, bảo là mưa như “trút hết cả nước từ trời xuống” rồi một tiếng nổ rất lớn chấn động quanh vùng. Và chuyện “động trời” đã xảy ra: nàng Tô Thị đã đổ sụp hoàn toàn!
Tin lan nhanh khắp cả nước, chính quyền địa phương, công an nhanh chóng vào cuộc, dư luận báo chí lập tức lên tiếng phẫn nộ đòi tìm ra bằng được thủ phạm phá đổ tượng nàng Tô Thị.
Ba ngày sau, công an đã nhanh chóng tìm ra “thủ phạm”. Đó là ông Đoàn Văn Quyết, một người hành nghề bán quán trước cổng trường Việt Thắng. Công an vào tận nhà đọc lệnh bắt, lúc đó ông Quyết đang nấu cơm chiều, vợ ông đang ốm rất nặng. Đứa con gái đầu lòng mới gần ba tuổi của ông thấy người lạ vào khám xét nhà rất đông nên khóc thét… Ông Quyết khi ấy rất bất ngờ vì lệnh bắt này, nhưng cũng cố bình tĩnh xin các anh công an cho thu xếp đưa vợ đi viện, đưa con đi gởi và sẽ ra trình diện sau. Nhưng do cho đây là “vụ án” lớn nên công an đã kiên quyết bắt khẩn cấp và đưa ông Quyết ra công an thị xã Lạng Sơn, lập tức tống ông vào nhà tạm giam. Sau đó người ta còng tay ông dẫn giải về núi Tô Thị cho nhiều phóng viên, nhà báo quay phim, chụp ảnh. Và rất nhanh chóng tên tuổi của “kẻ tội đồ” được tung lên hầu hết các báo, đài trung ương và địa phương với những lời kết tội hùng hồn. Bỗng chốc, ông như là một kẻ “sát nhân” đã “giết chết” nàng Tô Thị khi báo chí đưa tin bằng những cái tít “Đã bắt được kẻ nung vôi nàng Tô Thị”, “Phá đá, nung vôi nàng Tô Thị…”. Dư luận bùng lên cả một làn sóng phẫn nộ đòi kết tội thật nặng kẻ đã cả gan đặt mìn giật cho đổ nàng Tô Thị đưa vào lò nung vôi…
Tượng nàng Tô Thị nguyên bản (ảnh chụp năm 1990, một năm trước khi tượng bị sụp đổ). Ảnh: Trương Hoàng Phương
Tượng nàng Tô Thị sau khi được phục chế. Ảnh: Trương Hoàng Phương
Nỗi đau người lính
Bà Phương, vợ ông Quyết khi ấy đã vào nhập viện sau khi nhờ người gởi đứa con gái về tận Bắc Ninh. Sau đó bà Phương trốn viện lên công an thị xã nằm vật ra đòi thả chồng bà khỏi chốn địa ngục giam cầm…
Dư luận báo chí ngày ấy cực kỳ phẫn nộ, nhưng ít ai biết nhân thân “kẻ tội đồ” Đoàn Văn Quyết là ai? Ông Quyết tên thật là Đoàn Văn Thường, sinh năm 1956 tại Thị Cầu, Bắc Ninh, tình nguyện nhập ngũ tháng 1.1975 và có mặt trong lực lượng bộ binh chiến đấu tiền phương của sư đoàn 320 quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, có mặt trong cánh quân tiền phương tiến chiếm bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngày 30.4.1975.
Năm 1977 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và tháng 1.1979 tham gia quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch giải phóng thủ đô Phnôm Pênh của nước bạn Campuchia và bị thương rất nặng trong cuộc chiến này. Tháng 7.1979 đơn vị ông Quyết lại được điều động ra chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc biên giới phía Bắc. Do bị thương rất nặng nên năm 1981, thượng sĩ Đoàn Văn Quyết được phục viên với tấm giấy chứng nhận thương binh nặng, loại 4/4. Năm 1985 lấy vợ là một cô công nhân nhà máy sợi Hà Nội, năm 1989 hai vợ chồng xin nghỉ chế độ, về quê vợ ở phường Tam Thanh, dưới chân núi Tô Thị để mưu sinh…
Tháng 10.2009, mười tám năm sau “vụ án tày đình”, chúng tôi tìm đến Lạng Sơn, nàng Tô Thị vẫn đứng đó, nhưng là tượng phục dựng ngay sau khi xảy ra “vụ án nung vôi” năm xưa, người nàng giờ trông như một cái xác cắt rời từng mảng chỉ được chắp vá lại một cách vụng về, loang lỗ. Dưới chân núi Tô Thị có một cái quán bán nước nhỏ do một người đàn ông tóc điểm bạc với vẻ mặt đầy nhẫn nhịn, cam chịu, đứng trông hàng. Khi được hỏi về câu chuyện “vụ án nung vôi nàng Tô Thị” năm xưa, người đàn ông không ngần ngại giới thiệu với chúng tôi: “Vâng, tôi chính là Quyết, kẻ tội đồ của vụ án nàng Tô Thị năm xưa đây…”.
Ông Quyết kể, sau cái ngày vợ ông trốn viện chạy lên công an thị xã kêu cứu chồng, hai ngày sau ông được đưa ra khỏi phòng giam và công an cho ông làm tạp dịch trong khuôn viên công an thị xã. Có lần một công an viên cho ông biết: “Tội ông rất nặng, có tờ báo còn đề nghị kết án tử hình ông vì tội dám nổ mìn nung vôi một trong những di tích hàng đầu đất nước kìa!”. Thế nhưng trong thực tế thì không hề có cuộc lấy cung nào cho dù ông một mực kêu oan. Sau hơn một tháng bị giam, ông Quyết được trả tự do mà không hề có một tờ giấy tạm tha hay lời buộc tội nào!
Ông Quyết kêu oan khắp nơi, nhưng chẳng ai quan tâm. Sau vụ án oan, ông vất vả lê la đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Và như một định mệnh, ông cũng thôi không bán quán hàng ăn cho học sinh ở trước cổng trường Việt Thắng nữa, mà tìm đến ngay nơi nàng Tô Thị sụp đổ dưới chân núi để mở bán hàng nước.
Mở quán bán nước mưu sinh dưới chân núi Tô Thị, ông Quyết đã nghe không biết bao nhiêu lời lên án, miệt thị, nguyền rủa của những du khách. Có người kể tội ông, có người còn đi xa hơn, chửi quàng cả dân Lạng Sơn. Thậm chí có người thì khẳng định như đinh đóng cột rằng kẻ nung vôi nàng Tô Thị đã bị kết án tử hình, người thì nói bị tù chung thân. Không giận dữ, phẫn nộ, ông chỉ mời những người khách chén trà, rồi ôn tồn bảo: “Cái thằng mà bà con bảo là bị tù chung thân hay tử hình, chính là tôi đây…”. Rồi ông từ tốn giải thích mọi chuyện cho những vị khách phương xa…
Ông Quyết không phải là kẻ nung vôi nàng Tô Thị, vậy thì ai là người đã làm nên chuyện tày đình kia ?...

Kỳ cuối: Câu chuyện của một “thầy địa lý”

SGTT - Năm này qua năm nọ, ông Quyết cứ ngồi dưới chân núi Tô Thị tự minh oan cho mình, nhưng ông đâu có biết có một người ở cách xa ông hàng ngàn cây số cũng âm thầm làm việc đó…

Ông Quyết đang kể câu chuyện nàng Tô Thị với đoàn cán bộ sinh viên khoa địa lý trường đại học Sư phạm TP.HCM do thạc sĩ Trương Hoàng Phương hướng dẫn vào tháng 7.2009. Ảnh: Trương Hoàng Phương
Những ngày này đang là mùa vắng khách vãng cảnh nàng Tô Thị, suốt cả buổi chiều không một bóng người lên núi. Ngồi phe phẩy chiếc quạt mo trong cái quán cóc vắng như chùa Bà Đanh của mình, ông Quyết trầm ngâm: “Tôi ngồi đây như một định mệnh gắn chặt với nàng Tô Thị. Ban đầu tôi cắn răng im lặng. Vụ án này ồn ào cả nước, nên mười người lên thăm nàng Tô Thị thì hết chín người buông lời trách cứ, lên án. Tính cách người lính đã từng vào sinh ra tử như tôi khá nóng nảy, muốn phản ứng mạnh. Nhưng dần dần tôi trở nên trầm tĩnh, cố tìm cách kể câu chuyện oan khuất của mình, và đa phần du khách nghe xong đều chia sẻ với hoàn cảnh của tôi. Nhưng bia miệng có vạn, mà miệng tôi chỉ có một nên có mấy ai hiểu cho mình?”.
Tự minh oan dưới chân nàng Tô Thị

Lý do công an bắt ông để trấn an dư luận, có lẽ “chứng cứ” duy nhất có được vì những năm tháng đó không riêng gì ông, gia đình nào cũng đói kém, cứ rảnh việc là ông cũng cùng cư dân lối xóm đi quanh chân núi đục đá mang bán cho các lò nung vôi.
Ông Quyết kể: “Những năm chiến tranh biên giới xảy ra, tôi đã chứng kiến pháo Trung Quốc từ bên kia biên giới bắn sang núi Tô Thị, nay vẫn còn nhiều vết đạn. Khi ấy tôi đã rất căm giận quân xâm lược vì cố tình bắn phá một di tích tuyệt đẹp của quê hương, không lẽ tôi lại đi làm cái việc phá đá nung vôi nàng Tô Thị?”.
Ở khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, nhiều người dân vẫn còn nhớ vụ án “nàng Tô Thị bị nung vôi” và nỗi oan của ông Quyết. Ông Đồng Văn Hàm, người dân tộc Tày, nguyên cán bộ khu gang thép Thái Nguyên, ngụ tại nhà số 31 ngay dưới chân núi Tô Thị, cho biết: “Thỉnh thoảng đá cũng rơi từ trên núi xuống, có lúc rơi cả tảng lớn sập cả chuồng heo nhà tôi mà. Cả xóm ai cũng bất ngờ khi chú Quyết bị kết tội nổ mìn làm đổ tượng nàng Tô Thị mang đi nung vôi. Bà con ai cũng tin chú ấy vô tội bởi chú ấy là người hiền lành, sống chan hoà với lối xóm và rất có ý thức bảo vệ di tích thắng cảnh nơi này. Đó là một nỗi oan mà chú ấy đã gánh chịu trong 18 năm qua”.
Ông Quyết có ngờ đâu, trong đoàn người viếng nàng Tô Thị sau khi phục chế, có một người từ Sài Gòn xa xôi năm nào cũng tìm đến và âm thầm minh oan cho ông…

Thầy địa lý đi tìm thủ phạm

Hòn Gà Chọi – vịnh Hạ Long có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào do hiện tượng karst gặm nhấm trong tự nhiên như tượng nàng Tô Thị năm xưa. Ảnh: Trương Hoàng Phương
Ngay sau khi tượng nàng Tô Thị sụp đổ, khi ông Quyết còn nằm trong tù, có một thầy giáo trẻ tìm đến khảo sát nguyên nhân sự cố. Đó là Trương Hoàng Phương, giảng viên khoa địa lý trường đại học sư phạm TP.HCM. Khi ấy anh Phương đang học thạc sĩ chuyên ngành địa lý tại Hà Nội, ý định lên Lạng Sơn ban đầu cũng vì bức xúc qua thông tin của báo chí “người ta đã nổ mìn phá đá nung vôi nàng Tô Thị”.
Ban đầu, cùng với dư luận chung, Trương Hoàng Phương cũng đã viết báo lên án ông Quyết, nhưng qua khảo sát, anh Phương thấy rằng, tượng nằm chơi vơi ngoài mép núi, vết trượt của tượng là một vết cắt 45 độ, không thấy có dấu vết của sự phá hoại. Và từ ngày đó bắt đầu hành trình âm thầm minh oan cho một con người mà ông “thầy địa lý” này còn chưa hề biết mặt.
Năm 1998, lần đầu tiên ông “thầy địa lý” Trương Hoàng Phương gặp được ông Đoàn Văn Quyết dưới chân núi Tô Thị. Biết được tấm lòng của thầy giáo Phương, ông Quyết rất xúc động. Và cũng kể từ đó, quán nước nhỏ xíu của ông Quyết đã trở thành nơi thầy Phương tổ chức các buổi thuyết trình địa lý cho sinh viên và cả du khách, đặc biệt là nguyên nhân làm sụp đổ bức tượng, và đây cũng là cơ hội để ông Quyết giãi bày nỗi oan của mình.
Theo thạc sĩ Trương Hoàng Phương, đá vôi tại Lạng Sơn hình thành cách nay từ 245 – 362,5 triệu năm, là một loại đá vôi rất tinh khiết với thành phần CaCO3 thuần nhất. Đá bị hoà tan mạnh do tác dụng của dòng nước tạo ra các dạng của địa hình karst từ đá tai mèo đến giếng, máng, thung, cánh đồng karst và hệ thống hang động theo phương nằm ngang. Khối đá vôi tại Lạng Sơn bị quá trình karst phá huỷ mãnh liệt tạo địa hình cánh đồng karst. Chúng ta dễ dàng thấy được điều này qua hình ảnh các khối đá vôi đơn độc nằm ngay trên lớp đá phi karst (như khối núi Vọng Phu) và hệ thống sông suối khá phát triển tại đây (như sông Kỳ Cùng, suối Ngọc Tuyền trong hang Nhị Thanh).
Tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nàng Tô Thị trượt từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27.7.1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp.
Hiện tượng karst chính là nguyên nhân đẩy tượng nàng Tô Thị trượt xuống vách núi, mà theo ghi nhận của thạc sĩ Trương Hoàng Phương đó cũng chính là nguyên nhân xô ngã bức tượng người cha trong hòn Phụ Tử tại Kiên Giang rạng sáng ngày 9.8.2006 xuống biển. Hiện tượng karst đang gặm dần chân của các núi vôi trong nhiều di tích thắng cảnh ở Việt Nam, trong đó có hòn Gà Chọi trên vịnh Hạ Long. Có thể trong một ngày không xa, chỉ sau một cơn mưa chiều, biểu tượng không chính thức của du lịch Việt Nam chỉ còn một chú gà trơ trọi trên vịnh Hạ Long nếu chúng ta không có giải pháp bảo vệ, gia cố, trùng tu một cách khoa học.
Cám cảnh ông Quyết, thạc sĩ Phương bộc bạch: “Ngày xưa tôi cũng bức xúc, cũng viết báo lên án kẻ nổ mìn phá đá, nung vôi nàng Tô Thị, nhưng cuối cùng không phải vậy, tôi rất ân hận và quyết phải làm điều gì đó để minh oan cho ông. Cho đến bây giờ ngay trên mạng internet vẫn còn những thông tin đó, chưa hề có một lời minh oan cho ông Quyết. Báo chí cũng nên tạo ra sự công bằng với con người trước dư luận, cho dù đó chỉ là một phận người nhỏ bé nào đó trên cuộc đời này…”.
Binh Nguyên – Đoàn Đạt
NGƯỜI LÍNH GIÀ CHỊU VÌ “NỖI OAN TÔ THỊ”

(Cảm tác văn vần của NĐTHS - TNT có sự tham gia, chỉnh sửa của nhà giáo-nhà thơ Đinh Duy Đang)

Người lính già đã bị oan vì Nàng Tô Thị,

Nhiều năm nay chưa lấp được miệng đời.

Tô Thị chơi vơi trên sườn núi giữa trời

Bỗng đổ nhào sau một cơn mưa lũ!

Mẹ bồng con nâng niu ấp ủ

Chờ chồng đi dằng dặc viễn chinh.

Đã bao đời in đậm bóng hình,

Trong chuyện kể hay như cổ tích.

Trong thơ ca mọi người đều yêu thích

Đều ngợi ca lòng chung thủy nặng sâu.

Du khách mọi miền đều kể cho nhau,

Sau những chuyến thăm danh lam xứ Lạng.

Bỗng một hôm giật mình nghe mang máng:

Vì Nàng , có kẻ bị “tử hình”

Nghi phạm bị bắt ngay và thật khó thanh minh

Vì mắc tội đập nát Nàng Tô Thị

Rồi kẻ đó như là người mất trí

Nung thành những cục vôi bạc bẽo vô tình !

Mười tám năm đằng đẵng lặng thinh.

Thật đáng thương người lính già vô tội,

Nhưng không thể nào tự mình cãi nổi.

Dư luận xôn xao lên án “kẻ tội đồ”.

Pháp luật vô tình đã từng bắt bỏ tù

Một nghi phạm bị cho là: “giết nàng Tô Thị”.

Không đủ căn nguyên, người lính già bình dị,

Được tạm tha chờ truy xét hiện trường.

Lại trở về chân núi đá tang thương

Tiếp tục sống nghèo, với nỗi lo oan trái.

Rồi thật may hồn thiêng Nàng hiện lại

Vào tận trong Nam đưa ra được một người:

“Thày Địa lý” hiền tài đến khảo sát tận nơi.

Bằng khoa học đã chứng minh sáng tỏ:

Những trận mưa rừng đá nhào, đất lở,

Là chuyện xưa nay nào có lạ gì.

Nếu kịp thời phát hiện những khả nghi

Lên phương án dự phòng, gia cố

Thì “mẹ con nàng” cùng nhiều di tích cổ

Không phải “chết oan”vì mưa lũ gây ra

Người lính kia đâu phải chịu oan gia

Oằn mình trong nghi ngờ liên lụy...?

Chuyện đã qua lâu, xin bàn thêm một tí:

Chiến tranh liên miên bao người lính không về

Mỏm đá dáng chờ chồng thường gọi “Vọng Phu”.

Giờ sạch bóng quân thù”vọng phu” đâu cần nữa?

Nên vừa rồi vụ “Trời long đất lở”

Lật đổ nhào tượng Tô Thị bao đời.

Linh hồn thiêng Nàng chắc đã về nơi

Miền cực lạc đã có chồng đón đợi

Chấm dứt cảnh bồng con chới với

Đứng giữa trời trong sương gió mênh mông

Tô Thị ơi ! Nàng có biết không

Con của Nàng đã có người đến đón

Sự đợi chờ của Nàng đến bây giờ đã trọn

Người muốn đón con Nàng mong Nàng sẽ về thăm.

NGÔ TOÀN THẮNG

.............................................................................................
ĐÔI LỜI GỬI LẠI NÀNG TÔ THỊ

Có người muốn đón con Nàng

Nhưng chưa đón được nên càng buồn thay

Vừa qua đọc báo mới hay

Tin đồn dữ bấy lâu nay sai rồi!

Thì ra Nàng đã về Trời

Mà người lính chịu bao lời thị phi

Chiến tranh giờ đã qua đi

Không còn chờ, đợi cần gì “vọng phu”

Để hình Nàng đẹp thiên thu

Trong lòng lữ khách lãng du nơi này

Để ôn một thưở đắng cay

Nên xây pho tượng nơi đây để thờ

Tượng Nàng phải đậm chất thơ

Phải thanh cao, phải mộng mơ tuyệt vời

Dáng thon thả, tóc buông lơi

Dắt con như thể dạo chơi bên hồ

Như đang đứng giữa Thủ đô

Thăng Long ngàn tuổi rợp cờ tung bay

Để Nàng sẽ thấy tương lai

Không ai hóa đá, không ai phải buồn

Tượng Nàng khách tới thăm luôn

Đặt hoa tươi chốn gió vờn, mây bay

Dù cho sự thế đổi thay

Thơ về Nàng vẫn ngất ngây tình đời

Chiến tranh,trận mạc qua rồi

"Vọng phu" đã hết "vọng người lên thăm"

ĐINH DUY ĐANG

*
 NÀNG TÔ THỊ THIÊN TẠO

NÀNG TÔI THỊ NHÂN TẠO
(làm bằng đá và xi măng cốt thép

Ông Đoàn Văn Quyết người bi nghi oan đập phá Nàng Tô Thị.



.Cám cảnh ông Quyết, thạc sĩ Phương bộc bạch: “Ngày xưa tôi cũng bức xúc, cũng viết báo lên án kẻ nổ mìn phá đá, nung vôi nàng Tô Thị, nhưng cuối cùng không phải vậy, tôi rất ân hận và quyết phải làm điều gì đó để minh oan cho ông. Cho đến bây giờ ngay trên mạng internet vẫn còn những thông tin đó, chưa hề có một lời minh oan cho ông Quyết. Báo chí cũng nên tạo ra sự công bằng với con người trước dư luận, cho dù đó chỉ là một phận người nhỏ bé nào đó trên cuộc đời này…”

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

KHỔNG TỬ

KHỔNG TỬ DẠY 7 ĐIỂM ĐỂ DỄ DÀNG NHẬN RA QUÂN TỬ HAY TIỂU NHÂN

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử viết rằng “đức hạnh” là sự khác biệt lớn nhất giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân.
Từ xưa đến nay, trong giáo dục làm người thường dùng “quân tử” làm hình mẫu nhân vật để hướng đến. Vậy như thế nào để dễ dàng nhận ra quân tử và tiểu nhân? Khổng Tử dạy chúng ta nhìn vào 7 điểm dưới đây: 1. Trí tuệ. Người quân tử trước sau đều giữ vững mình, không lay động. Kẻ tiểu nhân luôn luôn ở trong suy tư lo nghĩ. Người quân tử lòng dạ luôn quang minh chính đại, sáng sủa, rộng rãi, thần định, khí an. Kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng tính toán so đo, suy tính thiệt hơn cho nên thường xuyên “mặt mày ủ rũ”.

Người quân tử luôn khoan dung, không thù hận người khác, lạc quan tươi vui cho nên họ “ngẩng lên không xấu hổ với trời, cúi xuống không thẹn với đất”. Kẻ tiểu nhân trong lòng luôn có sự tình nào đó chất chứa, ấp ủ, luôn cảm thấy người khác không đúng, xã hội không đúng với mình, cảm thấy người khác hơn mình là không thể chịu được nên luôn toan tính.


2. Khí chất: Người quân tử rộng rãi mà không kiêu, kẻ tiểu nhân kiêu căng nhưng lại nhỏ hẹp. Người quân tử ung dung bình thản mà không kiêu ngạo, kẻ tiểu nhân kiêu ngạo nhưng trong lòng không yên. Hơn hai ngàn năm trước, Không Tử dạy rằng “chủ yếu nhìn khí chất” để phân biệt người. Người quân tử trang trọng, tâm thái bình thản, “khí định thần nhàn”, không có cảm giác kiêu căng ngạo mạn. Kẻ tiểu nhân ngạo mạn, tự cao tự đại, luôn công kích người khác.

3. Kết giao bạn bè:
Người quân tử giúp người mà không so đo tính toán, kẻ tiểu nhân so đo tính toán mà không giúp đỡ người. Người quân tử hòa mình chứ không cùng người khác câu kết, móc ngoặc nhưng kẻ tiểu nhân lại câu kết với người khác mà không hòa mình cho dù bề ngoài thì tưởng như hòa mình với mọi người. Làm như vậy là bởi vì, người quân tử khi kết giao với ai cũng dùng tấm lòng ngay thẳng chính trực, đối xử công bằng với tất cả mọi người. Kẻ tiểu nhân lại muốn kết bè phái với những người có cùng tư tưởng mục đích với mình, gạt bỏ người đối lập, để làm những điều sai trái, hại người lợi mình.


4. Lời nói và hành vi: Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa. Ý nói rằng, người quân tử có thể lấy “đạo nghĩa” mà bao dung hết thảy các ý kiến, xây dựng một bầu không khí hài hòa. Kẻ tiểu nhân thường có thói quen nói theo ý người khác, vào hùa và phụ h ọa theo nhưng trong lòng lại không nghĩ giống như lời nói. Người quân tử có thể bao dung hết thảy những ý kiến bất đồng và cũng không giấu diếm quan điểm bất đồng của mình, chân thành đối xử với người khác. Nhưng kẻ tiểu nhân lại luôn giấu diếm suy nghĩ tử tưởng của mình, bằng mặt không bằng lòng.

5. Phẩm chất: Khổng Tử nói: “Người quân tử yêu cầu chính là bản thân, kẻ tiểu nhân yêu cầu chính là mọi người”. Tức là khi xảy ra vấn đề, xảy ra mâu thuẫn, người quân tử sẽ tự xét lại, nhìn lại bản thân xem có tội lỗi gì không, tìm kiếm sai sót ở bản thân mình từ đó sửa chữa và không ngừng tiến bộ. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại, luôn nhìn vào người khác, đổ lỗi trách cứ người khác mà không nhìn lại mình. Họ yêu cầu người khác rất cao nhưng lại không có yêu cầu gì cho bản thân và dần dần họ sẽ rơi rớt xuống phía dưới, không có tiến bộ.


6. Chí hướng: Người quân tử luôn hướng lên, hướng xa còn kẻ tiểu nhân thì lại mỗi ngày sa xuống dưới. Cũng có giải thích rằng, người quân tử thuận theo Thiên lý, ngày càng cao minh còn kẻ tiểu nhân lại thuận theo dục vọng của bản thân nên ngày càng đi xuống.

Người xưa nói, làm người, chí phải đặt ở cao xa. Một người đặt chí hướng ở nơi cao xa thì được gọi là “thượng đạt”, còn đặt ở nơi thấp thì được gọi là “hạ đạt”. Hướng về phía trước ở đây là hướng thiện, không ngừng sửa sai lầm, theo đuổi đạo nghĩa. Hướng về phía dưới là không biết sửa sai, không biết tu thân dưỡng tính, ngày một sa sút.

7. Truy cầu: Điều mà người quân tử suy nghĩ và lo âu chính là “đức hạnh”, điều mà kẻ tiểu nhân đăm chiêu lo nghĩ chính là bổng lộc, lợi ích. Người quân tử luôn cân nhắc để không phạm pháp, vi phạm đạo đức, kẻ tiểu nhân làm mọi cách để giành được lợi ích cho bản thân.

Chính vì vậy, người quân tử trước sau cũng sẽ có kết cục tốt, còn kẻ tiểu nhân tuy được cái lợi trước mắt nhưng sẽ phải trả giá hơn điều nhận được.

HÒN VỌNG PHU

(PLO) – Nhiều truyền thuyết, sự tích về hòn Vọng Phu (đá trông chồng) đi vào thơ ca, hội họa, âm nhạc… Vậy hòn Vọng Phu ở tỉnh, thành nào trên đất nước Việt Nam.
Anh lấy em
Truyền thuyết có nhiều dị bản kể về hai anh em ruột lấy nhau. Khi người anh Tô Văn phát hiện ra vợ mình chính là người em gái ruột Tô Thị từ một vết sẹo trên đầu. Vết sẹo ấy do ngày trước người anh vì vô tình làm em chảy máu đầu sợ cha mẹ về đánh nên bỏ trốn. Ác nghiệt thay họ lại lấy nhau nên vợ thành chồng và có một người con. Người chồng, người anh day dứt lương tâm nên lấy cớ đi biển đánh cá rồi không trở về. Người vợ mòn mỏi đợi chồng ngày này qua ngày nọ. Nhớ chồng nên ôm con ra hòn đá trước biển ngóng trông. Hai mẹ con chết hóa đá.
Anh ruột lấy em gái - Ảnh tư liệu
Cũng có thuyết khác cho rằng, người chồng đi chiến trận không về. Vợ bồng con ra núi ngóng trông rồi chết hóa đá. Đá ấy được dân gian gọi đá trông chồng hay còn gọi hòn Vọng Phu. Cảm thương tình cảnh ấy, nhạc sĩ Lê Thương đã sáng tác ba bài Hòn Vọng Phu để ca ngợi tính chung thủy của người vợ.
Ngày nay ở Việt Nam có nhiều hòn Vọng Phu, trải dài từ miền Bắc và miền Trung. Theo tác giả Nguyễn Dược - Trung Hải trong Sổ tay địa danh Việt Nam, NXB Giáo dục, 1998, thì:
Hòn Vọng Phu ở Đắk Lắk
Dãy núi hình cung, mặt lối quay về hướng Tây Bắc nằm ở phía Tây huyện Mơ Đrăk, tỉnh Đăk Lăk, độ cao: 2.051 mét, còn có tên là Chư H’mu.
Hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa
Núi Nhồi, ngày xưa gọi là núi Khế, thuộc thôn Nhuệ (Nhuệ Sơn), nay là xã Đông Hưng huyện Đông Sơn, cách thành phố Thanh Hóa khoảng ba cây số về phía Tây Nam, chu vi chừng 4.000 mét. Trên đỉnh núi có hòn đá giống hình người đàn bà và hai con nhỏ đứng trông về phương Nam, nơi có chiến trận thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Núi này được cư dân ở đây gọi là núi Vọng phu.
Ngoài ra cũng còn nhiều tài liệu nói về các hòn vọng phu khác.
Ảnh minh họa
Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Hai câu ca dao này chỉ núi đá vôi nằm bên sông Kỳ Cùng, gần động Tam Thanh ở thị xã Lạng Sơn. Tương truyền vì mong mỏi chồng ra trận lâu về, nàng Tô Thị bồng con lên núi ngóng trông, lâu ngày hóa đá, còn gọi là núi Tô Thị.
Hòn Vọng Phu ở Nghệ An
Cạnh dòng Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An có một khối đá trắng lớn có dáng mẹ bồng con hướng mặt nhìn ra dòng nước. Người Thái ở đây vẫn gọi là hòn Vọng Phu.
Hòn Vọng Phu ở Quảng Nam
Ở Quảng Nam-Đà Nẵng có “Đá Bà Rầu" cũng là hòn Vọng Phu. Câu chuyện lưu truyền về pho tượng đá có hình người đàn bà này có khác với những truyền thuyết Vọng Phu trên cả nước: Người vợ có chồng đi buôn xa, ngày ngày nàng ra bờ sông mòn mỏi trông chồng. Ngày lại ngày qua, nàng vẫn hi vọng… và cuối cùng chàng trở về nhưng hạnh phúc đã không đến mà lại vỡ tan cùng với bao nhiêu nghi ngờ, ghen tuông...; chồng nàng lại bỏ nhà ra đi. Nàng buồn rầu ra cửa biển, đau thương rồi biến thành khối đá sầu muộn. Bên cạnh tượng đá nay còn có một ngọn tháp, gọi là Tháp Bà Rầu.
Hòn Vọng Phu trải dài từ miền Bắc đến miền Trung - Ảnh tư liệu
Hòn Vọng Phu ở Bình Định
"Bình Định có núi Vọng Phu/Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh...".
Phía Nam đầm Đạm Thủy, thuộc địa phận huyện Phù Cát, có núi Bà. Núi choán cả một vùng rộng lớn trên bốn mươi cây số vuông, uy nghi với bao điều kỳ bí. Ngày xưa, núi có tên chữ là Phô Chinh đại sơn (Phô Chinh nghĩa là “bày chiêng”) – núi Bày Chiêng còn gọi là Hòn Chuông (Chung sơn). Nhìn từ xa, Hòn Chuông giống quả chuông úp với nhiều đèo dốc: đèo Nhỏ ở phía bắc, đèo Lớn (còn gọi là đèo Tố Mộ) ở phía nam, đèo Mũi Đá Giăng ở phía đông… Trên đỉnh núi, có hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống hệt một người đàn bà tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa. Dân địa phương gọi đó là Hòn vọng phu.
Vợ trông chồng hóa đá Vọng Phu - Ảnh tư liệu
Hòn Vọng Phu ở Tuy Hòa
Tuy Hòa có núi Đá Chồng (Đá Bia; Thạch Bi Sơn), thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Cư dân trong vùng gọi đây là núi Vọng Phu. Núi cao 706 mét nằm cạnh quốc lộ 1A thuộc dãy Đèo Cả, là một nhánh của dãy Trường Sơn chạy ra sát biển, chân núi phía nam giáp Vũng Rô. Trên đỉnh có tảng đá lớn mọc dựng đứng, trông tựa hình người đàn bà. Dân địa phương cũng truyền tụng sự tích Vọng Phu.
Theo nhà ngôn ngữ học, tiến sĩ Lê Trung Hoa, thì: “Nói chung mỏm núi nào có chỗ cao, chỗ thấp giống hình người mẹ và đứa con, qua trí tưởng tượng của người Việt, đều có thể trở thành hòn Vọng Phu” (SGGP Thứ 7, 30-12-2000).
Vợ ôm chồng hóa đá Vọng Phu - Ảnh tư liệu
Vợ ôm chồng hóa đá Vọng Phu - Ảnh tư liệu
NGUYỄN TÝ



Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

THƯ GỬI CON TRAI

NHỮNG BỨC THƯ GỬI CON TRAI (1)

Kỳ Vũ con !

Cảm ơn con đã đã tỏ ra lo lắng khi biết tin bố ốm.
Không biết ai báo tin bố bị ốm cho con vì bố không báo tin cho ai cả.Những năm bố còn công tác khi bố bị ốm bố cũng không báo cho ai .Bố tự đi bệnh viện theo chế độ của nhà nước và khi khỏi bố lại trở về công tác bình thường.Từ khi bố nghỉ hưu bố rất ít khi ốm. Bố thường xuyên đi chơi chỗ này chỗ nọ thăm bạn bè, người thân, thậm chí đi du lịch hoặc tham gia các hội thảo thơ , câu lạc bộ thơ ….
Những lần về Hà Nội bao giờ bố cũng nghĩ đến con đầu tiên kể cả lúc con chưa có gia đình và bây giờ con đã có gia đình cũng vậy.
Bao giờ bố cũng muốn về chỗ con song thật tình bố cảm thấy không thật thoái mái .Nhiều lần con tỏ ra khó chịu chẳng những vẻ mặt bề ngoài không được  vui vẻ mà ngay cả cách xử sự khi tiếp bố cũng không được tự nhiên.Không ít lần con đã phải xin lỗi bố vì con xúc phạm bố và bố cũng đã phải xin lỗi con vì làm phiền đến con! Thành ra bố cảm thấy bố như "người khách bất đắc dĩ"của con! Mặc dù vậy những ngày gần đây khi bố về Hà Nội bố vẫn đến thăm các con và cháu nội mặc dù con tiếp bố theo cách nào cũng được.Bố nhớ nhất lần chú Bảo và chú Trại (năm nay đã hơn 80 tuổi ,(cũng đã có mặt trong lễ cưới của con) bố mời vào dịp Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng năm 2010) để mong gặp mặt con nhưng con không về .Cùng dịp đó một người bạn cùng lớp Đại học với bố biết bố ở Hà Nội (ở nhà con nên đã đến mời đến nhà để ăn Tết nguyên tiêu khi ấy bất chợt con về nhìn thấy bạn bố con chỉ kịp chào hỏi rồi bỏ đi (không biết vì lý do gì).Lát sau con về bố vẫn phần các thứ bố đã dặn con mua hôm Nguyên tiêu nhưng con không ăn gì và nói rằng :Con đã ăn rồi (không biết con ăn ở đâu ).Khi bố đã đi nằm nghỉ con còn vùng vằng nói rằng :Những người thân anh em bên bố cả đời không đến thăm con thì con sẽ chỉ coi như "người dưng"!Thử hỏi những người này chỉ về thăm ông và bố ở trên quê Vũ Yển trong những dịp giỗ Tết mà những dịp đó con rất ít khi về thậm chí những dịp giỗ Ông, Bà con không về một lần nào thì làm sao con gặp được họ? Bố không hiểu con nói như vậy theo ý nghĩa nào ? Vì sao lại coi họ là người dưng? Vì con có chỗ ở nên họ mới đến thăm con( dù là lần đầu tiên) với điều kiện bố có mặt ở nhà con.
Lần gần đây nhất bố đi dự LỄ HỘI LỤC BÁT (nhân tiện hoàn lại số tiền bố đã mượn của con) Con hỏi ngay rằng bố ở đây mấy ngày chắc con nghĩ bố sẽ gây phiền toái cho con hoặc con có kế hoạch đi đâu đó.Khi ấy chỉ có hai bố con(vì mẹ con và vợ con con đang ở trên quê) Bố hy vọng dịp đó có thể nói chuyện với con nhiều hơn song ngay trong lúc ăn cơm con đã nói ngay rằng :con coi "bố như người ngoài"!(chắc còn nhạt nhẽo hơn cả “người dưng”) hoặc con "cảm giác bố như người ngoài ".Điều này con cũng nên giải thích kỹ để bố hiểu được ý con.Bố đã đọc cuốn LÊ VÂN YÊU VÀ SỐNG( mà con đã cho bố mượn).Chắc cảm giác của con cũng như LÊ VÂN đối với bố mình. Nếu quả là như vậy thì thật là bất hạnh cho cả bố và con vì LÊ VÂN là diễn viên điện ảnh nổi tiếng còn coi khinh bố mình là NGHỆ SĨ NHÂN DÂN Trần Tiến đến như vậy thì một THẠC SĨ như con sẽ coi khinh bố mình là MỘT ÔNG GIÁO QUÈN đến mức nào?!
Bố đã đến chỗ con chắc chưa đến mươi lần và không biết bố sẽ còn đến chỗ con được mấy lần nữa (mặc dù con đón tiếp bố như thế nào ).
Lần này con muốn đến thăm bố trong lúc bố đang đau ốm không biết bố phải tiếp con theo cách nào vì với tâm thế của người mà con coi là “người ngoài”(như lời con thốt ra )con đến thăm bố sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bố .Vì vậy tốt nhất con chờ bố khỏe lại con sẽ đến thăm bố. Lúc khỏe bố con đã không nói chuyện được với nhau ( tạm gọi là khắc khẩu) thì lúc đau ốm này phỏng nói được chuyện gì?
Con hãy dành thời giờ chăm sóc cho mẹ con, vợ con và con con con là đã đủ mệt lắm rồi. Còn đối với bố vì đã không làm được gì cho con nên bố không đòi hỏi gì ở con kể cả tình cảm , tiền bạc và những thứ khác... Bố chỉ để lại cho con cái tên Kỳ Vũ là thứ qúi giá nhất mà bố có được ấy vậy mà trong lễ cưới của con con cũng vứt bỏ , dùng cái tên Đinh Vũ lạ hoắc để trương lên phông ngày cưới.Không hiểu đấy là lỗi dốt nát của kẻ con thuê cắt chữ hay là chủ ý của con?!
Tất cả các tên các con và kể cả tên của cháu đó là những tuyên ngôn của bố, những mong ước ước của bố không những cho gia đình ta mà cho cả cộng đồng.Mỗi cái tên đều được minh họa bằng một bài thơ . Dù con không thích thơ hay không hiểu thơ thì ít ra con cũng nên biết ý nghĩa chính mà bố ký thác vào tên các con. Ví dụ tên con là tên của hai quê hương : Quê Cha Đất tổ nơi ông bà , bố mẹ sinh ra (Vũ Yển hay còn gọi làng Ẻn) và nơi con sinh ra ( Yên Kỳ coi như quê thứ hai vì 2 lần chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ông bà đã ở đó).Tên em Minh Lương (tên của bài thơ của Lê Thánh Tông) với ý nghĩa khái quát là mong sao cho xã hội này có Vua sángTôi hiền v..v...Còn tên cháu nội cũng đã được minh họa bằng 2 bài thơ (không biết con đã đọc chưa ,bố đã đưa cho Ngoan ngay sau khi các con sinh cháu).Thái độ dè bỉu thơ và không đếm xỉa gì đến ý thích của của bố về thơ nói chung và những“bài thơ bố làm lấy” của bố của con con nên xem xét lại
Không gì bất hạnh bằng bố con không hiểu nhau. Đây là bức thư khá dài lần đâu tiên bố bộc bạch với con vài điều. Còn những điều khác bố sẽ  dần dà kể cho con nghe vì sao bố mẹ lấy nhau , vì bố mẹ bỏ nhau để cho các con khỏi phải suy nghĩ mà buồn phiền và oán trách bố mẹ. Bố tin rằng nghe xong câu chuyện bố sẽ viết cho con sau này( có thể in thành một cuốn tiểu thuyết ) và khi ấy con sẽ hiểu được bố.
Người ta nói TAM THẬP NHI LẬP (ba mươi tuổi lập thân) Điều đó con đã làm được. TỨ THẬP NHI BẤT HOẶC (bốn mươi tuổi không còn điều gì nghi hoặc nữa).Bây giờ con đã 38 tuổi (tuổi âm lịch Ât Mão con đã 39 tuổi). Con còn nhiều điều nghi hoặc nhất là về bố . Bố sẽ cố gắng kể thật trung thành để các con nghe bởi bây giờ con chỉ nghe về bố thông qua những người khác nhất là những người đố kỵ với bố hoặc không hiểu gì về bố mình (ví dụ như  Lê Vân hiểu sai về về bố mình một cách thậm tệ.Theo bà Lê Mai mẹ của Lê Vân nói khi cuốn  truyện  LÊ VÂN YÊU VÀ SỐNG xuất bản  được bán đắt như tôm tươi người ta đã phỉ nhổ vào mặt Lê Vân hay cách goi khác là “ném đá” Lê Vân và Lê Vân  đã gặp lại bố mình khóc và quỳ lạy xin lỗi ông vì hiểu sai ông một cách thậm tệ). Chẳng biết đó là cách đánh bóng tên tuổi mình hay không, song Lê Vân xứng đáng được gọi là đứa con MẤT DẠY hay BẤT HIẾU). Những lời nói xúc  phạm bố mẹ nhiều lần  cộng lại và những cử chỉ bất hiếu dẫn đến những hành động bất hiếu. Mà tội BẤT HIẾU là tội lớn nhất trong các tội theo thuyết nhà Phật. Mười bốn điều Phật dạy bố đã treo ngay trước bàn thờ ông bà không biết con có để ý không?
Bố cố gắng làm theo những điều này chắc rằng sẽ có những điều không được hoàn hảo.. Song đối ông bà bố không một lần nào bố xúc phạm ông bà kể cả lời nói và hành động..
Bố cũng mong rằng các con cũng đừng phạm những sai lầm để mang tội bất hiếu.
Thư bố viết đã dài con chịu khó đọc và ngẫm nghĩ. Có điều gì bố nói chưa phải con mạnh dạn trao đổi lại.
Cuối cùng chúc con luôn vui khỏe đừng lo gì cho bố .
Bố xin con đừng gặp bố trong lúc này . Khi nào cần bố sẽ gọi cho con. Trong đời một con người trải qua 4 giai đoạn SINH, LÃO, BỆNH ,TỬ .Bố đang ở giai đoạn thứ 3 . Bố bình tĩnh đón nhận . Bố coi việc đi  chữa bệnh như “một cuộc du lịch đặc biệt” để trải nghiệm mình bằng cả thể xác và tâm hồn qua các bệnh viện. Còn con, bố nhắc lại một nữa chỉ cần lo cho mẹ con, vợ con và con con cho chu đáo là bố mừng rồi.

Chào con

Bố của con
Đinh Duy Đang

THƯ GỬI CON TRAI (2)
Kỳ Vũ con!
Trong thời gian này nằm trong bệnh viện bố tận dụng để viết cho con. Con hãy lần lượt đọc một cách chậm rãi và kiểm chứng qua các văn bản mà bố sẽ gửi kèm theo và qua các người con quen biết trong đó có cả các anh em bên nội bên ngoại của ông bà bên bố và bên mẹ con.
Con hãy đọc bức thư sau của bố viết cho ông bà (đây là bức thư duy nhất bố còn giữ được khi bố tốt nghiệp Đại học năm 1969) để hiểu được vì sao bố trở về quê hương để công tác và quá trình công tác của bố diễn ra thế nào .
THƯ GỬI CHA MẸ (viết năm 1969)
Thầy Mẹ kính mến!
Chiều qua con vào trường để nghe kết qủa tốt nghiệp và phân công tác.
Con được phân công tác ở tỉnh nhà nhưng chưa rõ về trường nào.Khoảng mùng 4 tháng 9 mới nhận công lệnh nên hiện nay con vẫn phải chờ ở Hà Nội.
Hôm qua ở trường về đến  nhà  thì chị Tấn (chị gái bác Đinh Văn Long hiện đang ở Cầu Diễn mà hôm bố và con đi mời cưới con đã biết ) đã ngược rồi nên con không kịp viết thư đưa tay cho chị Tấn.Hôm nay con tranh thủ viết thư báo cho thày mẹ biết là con sẽ được công tác ở gần nhà, gần bố mẹ -một khối tình cảm lớn của đời con.
Thày mẹ ạ!Lẽ ra như ở hoàn cảnh khác con sẽ xin công tác khác và ở xa. Những công tác khác  sẽ phù  hợp với khả năng và mơ ước của con hơn.Nó sẽ mở mang kiến thức và sẽ phát huy khả năng sẵn có của con . Tương lai trước mắt sẽ rạng rỡ biết bao.
Thày mẹ ơi , khi nhận được tin con đỗ và được công tác gần nhà chắc thày mẹ và anh em họ mạc  đều mừng cho con. Nói cũng ai cũng vui vẻ  cả vì con mình cháu mình qua mười mấy trời đến hôm nay đã đạt kết qủa tốt đẹp.
Nhưng thày mẹ ơi , lẽ ra con phải mừng hơn ai hết , con chẳng muốn buồn một cút nào mà sao con vẫn thấy buồn buồn sau khi nhận được sự phân công tác về Vĩnh Phú(tên cũ của tỉnh Phú Tho sáp nhập với tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ) và tất nhiện nhiên sẽ làm nghề dạy học.Trong khi đó bạn con đứa được phân công ở bộ này, bộ nọ, cơ quan này ,cơ quan khác ...
Nhưng nghĩ cho cùng dù làm việc này hay việc khác  đều là phục vụ nhân dân cả. Làm ở gần hay ở xa đều là tốt cả miền là mình có lòng  quyết tâm cho tinh thân vươn lên.
Thày mẹ kính mến!
Con  suy nghĩ rất nhiều trong khi chọn ngành nghề và nơi làm việc.
Điiefu này chắc thầy mẹ đã hiểu quá trình học tập và những lần nói chuyện và qua những bức thư của con.Cho đến bây giờ con vẫn nghĩ nghề thầy giáo
là phù hợp hơn cả.Không lẽ gì con từ chối và hôn tránh trách nhiệm to lớn là trồng “cây tâm hồn” đó được.Còn về phần về địa phương công tác con cũng suy nghĩ rất  nhiều. Ai cũng muốn công tác ở Hà Nội, Hải phòng, cơ quan này, cơ quan khác vì tương lai sau này sẽ rạng rỡ hơn nhất là được tiếp với những gì văn minh nhất ở thủ đô con người ngày sẽ sáng sủa thêm ra.Nhưng nghĩ cho cùng như thế thì hơi “cầu anh hương lạc.”
Con cứ nghĩ đơn giả là: “Ta về ta tắm ao ta .Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.Cho nên con xin về Vĩnh Phú ,nơi quê hương thân thiết của mình, nơi thày mẹ đang sông và làm ăn , nơi con sinh ra và lớn lên.Và đây là lần thứ hai con  gạt bổ cơ hội tốt để sông cầu an lấy một mình.( Lần thứ nhất bố bỏ cơ hội tốt là khi học phổ thông bố và 12 người khác được chọn đi học nước ngoài . Lúc đó tiêu chuẩn chọn đi học nước ngoài và Đai học là những người học giỏi và hạnh kiểm  tốt chứ không phải thi như bây giờ . Sau khóa học của bố và sau một khóa nữa mới  bắt đầu  có chế độ thi Đại học.Bố đã làm xong lý lịch song khi biết Ông Bà bị chính quyền địa phương “đẩy “ đi “quê hương mới” bố đã rút đơn không đi nữa vì sợ rằng nếu đi nước ngoài không biết lúc về có còn ông bà không vì đó là năm 1965 chiến tranh rất ác liệt . Ông bà sinh 5 lần nhưng cuối  chỉ còn mình bố . Bố là con “cầu tự” . Ông bà phải về Đền Kiếp Bạc nơi thờ Đức Thanh Trần (tức Trần Hưng Đạo) để cầu tự. Bố được ông bà kể lại thế nên mới giũa được bố. Những người đẻ trước trước bố chỉ nuôi được một thời gian ngắn khi biết ngồi khoảng 3 tháng là chết. Sau này đẻ thêm cô Địch (1947 bằng tuổi bá Liêm)  đến năm 13 tuổi cũng chết đó là năm 1960.Năm sau để tránh sự buồn bã  ông bà trở về Vũ Yển để rồi năm 1965 ông bà lại phải đi vào Yên Kỳ lần thứ 2 theo cái gọi là đi là“quê hương mới”.Thực chất  là đi sơ tán để tránh bom đạn trong thời kỳ Chiến tranh chống Mỹ. Lần thứ nhất ông bà đã từng tản cư ( cũng như sơ tán nhưng lâu dài hơn .Ông bà đi vào Yên Kỳ lần thư nhất từ năm 1950 vì Pháp ném bom ở Vũ Yển. Lúc đó bố mới 5 tuổi , cô Địch 3 tuổi. . Khi  bố đã học xong lớp 10 và được cử đi học nước ngòai như đã kể ở trên. Lần thứ hai bố từ chối khi được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp Đại học. Cũng chỉ vì nghĩ đến ông bà như nôi dung bức thư gửi cho ông bà ).
 Con muốn về với gia đình được sống gần thầy mẹ nguồn hạnh lớn lao nhất. Con sáp được về gần thầy mẹ rồi. Thầy mẹ hãy giang tay đó đứa con duy nhất , niềm viu và niềm đau khổ của thầy mẹ nhé.Con muốn nói nhiều hơn nữa , nói hết suy nghĩ của mình để thầy mẹ hiểu lòng con song con nghĩ  không bao giờ nói hết được. Con tạm dừng bút chúc thầy mẹ khỏe.
Sau khi nộp đơn ở cơ sở mới con xin phép về nhà và sẽ nói chuyện nhiều.

       Con của Thầy Mẹ.
Đanh Duy Đang

Kỳ Vũ con !
Con hãy đọc kỹ bức thư này. Có thể những suy nghĩ của bố lúc đó không giống như con lúc ra trường cũng như bây giờ . Song đớ là những tình cảm chân thành và nhũng suy nghĩ thực của bố. Con có thể tham khảo hoặc phê phán , nhận xét và rút ra bài học cho mình.
Con cũng có một bức thư duy nhất cho bố năm con 17 tuổi viết trước ngày cưới chi Hương (lúc bố đang học tiếngAnh ở Việt trì).Bức thư đó hiện giờ bố không tìm thấy đâu cả.Không biết bây giờ ở đâu. Chị Hương nói là cũng đã đọc bức thư của con khi bố để chung vào tập thư từ không lẫn lộ hay đã mất.
Bố chỉ nhớ mang máng rằng con muốn tâm sự với bố nhiều điều.
 Đây là dịp con có thể  tâm sự với bố  kể cũng chưa muộn. Nếu con có thời gian con viết ngay lúc này cũng được . nếu con bận rộn quá không viết được thì để lúc khác. Thậm chí con không viết gì cả mà chỉ báo cho bố biết rằng con đã đọc những bức thư của bố..
Chúc con luôn vui vẻ và công tác tốt ,lo cho cuộc sống của ba người gần gũi con nhất đó là mẹ con ,vợ con và con con sao cho thật tốt là bố yên tâm và vui rồi. Con đừng lo gì cho bố cả trong thời gian này.Ở đây đã có các thầy thuốc tốt , điều kiện tốt để điều trị cho bố. Chị Việt Nga là trưởng khoa thần kinh trực tiếp điều trị cho bố . Ngoài ra con còn có anh Hiếu, Cháu Giang(con anh Mạnh (ở Viện Lão khoa),Linh (con chị Hồng (em anh Mạnh là sinh viên năm thư 3 cũng học ở đây. Có gì bố sẽ nhờ các cháu trước hết những việc lặt vặt. Nếu có gì khó khăn hơn bố sẽ gọi cho con. Con không phải đi lại nhiều để mất thời gian. Bố về đây cũng một phần để con khỏi lo theo ý của con.Con cứ yên tâm công tác và bố cũng yên tâm điều trị. Khi nào ra viện bố sẽ thăm các con và cháu.

Bố của con
Đinh Duy Đang