Trang

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

LÝ BẠCH

 LÝ BẠCH  (701-762), - NHÀ THƠ CHẾT VÌ TRĂNG

Nếu muốn chọn một nhà thơ, thật thơ ,yêu thơ ,yêu trăng và rượu.  Ngoài thơ, trăng và rượu ra không còn gì đẹp hơn nữa ta chọn LÝ BẠCH.

Trong văn học sử Trung Hoa, thời thịnh Đường (Lý Long Cơ 618-907), có hai Nhà thơ nổi tiếng và được mọi người nể trọng, đó là Lý Bạch (李白) và Đỗ Phủ (杜甫). Lý Bạch được tôn là Thi Tiên,( hay Trích Tiên) còn Đỗ-Phủ (nhỏ hơn ông 11 tuổi) là Thi Thánh. Thật vậy, ông là một Nhà thơ nổi tiếng không những ở trong nước, mà còn ở nước ngoài nữa.

Lý Bạch đã sáng tác hơn 2 vạn  bài thơ, nhưng ông không bận tâm cất giữ bài nào. Thơ của ông được biết tới là nhờ dân gian truyền tụng. Đến khi ông mất (762), người ta mới gom góp lại được ngót 2 ngàn  bài, nhưng nay chỉ còn trên dưới 1 ngàn  bài, và bài nào cũng hay.

Ông sáng tác về mọi đề tài . Khác Đỗ Phủ, thơ của Lý Bạch nhẹ nhàng, phóng khoáng, tự nhiên, không va chạm đến thế sự, lại có sắc thái chủ nghĩa lãng mạn.

Tục truyền có một đêm, khi Lý Bạch đang say sưa trên bờ sông Thái Thạch, huyện Đang Đồ, tỉnh An Huy, ông nhìn thấy trăng ở dưới đáy nước, đẹp quá, liền nhảy xuống, với ý định vớt trăng lên, nhưng bị chết đuối. Từ nơi đó, về sau người ta xây một cái đài đặt tên là Tróc Nguyệt Đài (Đài Bắt Trăng). Chuyện ông nhảy xuống sông ôm trăng dù có phần nào thêu dệt, nhưng chính vì thế, làm cho thơ ông thơ mộng hơn, nổi tiếng hơn.

Đơn cử một bài để thấy hơi thơ và  khẩu khí của "nhà thơ chết vì trăng" dưới đây : 

Bài thơ  

月下 獨 酌            “NGUYỆT HẠ ĐỘC CHƯỚC"

 李白                                                     Lý Bạch


花間一壺酒,         Hoa gian nhất hồ tửu, 

獨酌無相親。         Độc chước vô tương thân 

舉杯邀明月,         Cử bôi yêu minh nguyệt 

對影成三人。         Đối ảnh thành tam nhân 

月既不解飲,         Nguyệt ký bất giải ẩm 

影徒隨我身。         Ảnh đồ tùy ngã thân 

暫伴月將影,         Tạm bạn nguyệt tương ảnh

行樂須及春。         Hành lạc tu cập xuân.

我歌月徘徊,         Ngã ca nguyệt bồi hồi 

我舞影零亂。         Ngã vũ ảnh linh loạn

醒時同交歡,         Tỉnh thì đồng giao hoan

醉後各分散。         Tuý hậu các phân tán

永結無情遊,         Vĩnh kết vô tình du 

相期邈雲漢。         Tương kỳ mạc Vân Hán.

Dịch nghĩa 

Trong đám hoa với một bình rượu

Uống một mình không có ai làm bạn

Nâng ly mời với trăng sáng

Cùng với bóng nữa là thành ba người

Trăng đã không biết uống rượu

Bóng chỉ biết đi theo mình

Tạm làm bạn với trăng và bóng

Hưởng niềm vui cho kịp với ngày xuân

Ta hát trăng có vẻ bồi hồi không muốn đi

Ta múa bóng có vẻ quay cuồng mê loạn

Lúc tỉnh cùng nhau vui đùa

Sau khi say thì phân tán mỗi một nơi

Vĩnh viễn kết chặt mối giao du vô tình này

Cùng nhau ước hẹn lên trên Thiên hà gặp lại

Nhiều người đã dịch bài này. Tôi cũng mạo muội dịch xem sao :

UỐNG RƯỢU DƯỚI TRĂNG

Lý Bạch 

Trong vườn hoa  rượu một bình

Chẳng ai là bạn một mình bên hoa

Tưởng đâu uống rượu mình ta

Trăng,Ta với bóng chả ba là gì

Trăng không uống rượu hề chi

Bóng còn quất quít liền kề bên ta

Hướng về Trăng sáng từ xa

Cùng vui cho thỏa kẻo mà hết xuân

Khi ta hát tưởng Trăng ngân

Múa thì Bóng luyến theo chân rộn ràng

Tỉnh ra cất tiếng ca vang

Rượu tàn ta lại nhẹ nhàng chia ly

Nguyện cùng nhau mãi nhâm nhi

Sông Ngân điểm hẹn đến thì gặp nhau. 

DIZIKIMI dịch

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

HOA BAN

 Cách đây 35 năm, trong chuyến thực tế Lai Châu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết bài thơ “Gửi Lai Châu” (1981), trong đó có câu: “Hoa Ban nở thành người con gái Thái”. Với bạn đọc Lai Châu - Điện Biên, đó là một trong những câu thơ hay nhất viết về hoa Ban, là sự ví von kiều diễm nhất về người con gái dân tộc Thái.

VPUB - Đằm thắm hoa Ban

Dienbien.gov.vn -Tây Bắc, nơi được biết đến với các công trình quy mô lớn như Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Nhà máy thuỷ điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, các địa danh lịch sử nổi tiếng như Nhà tù Sơn La, di tích chiến trường Điện Biên Phủ, các công trình văn hóa ấn tượng như Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, các tượng đài kéo pháo, tượng đài mừng công... Đây là địa bàn cư trú lâu đời của hơn 30 dân tộc anh em với những phong tục tập quán tốt đẹp, với nhiều sản vật của núi rừng hùng vĩ, trong đó có hoa Ban. Mùa du lịch này mời bạn lên Tây Bắc, nhất định bạn sẽ có cơ hội được chiêmngưỡng sự độc đáo và vẻ đẹp kỳ diệu của hoa Ban...

Theo quốc lộ số 6, xe chạy vào địa phận tỉnh Hoà Bình. Từ đây trở đi lác đác nhìn thấy hoa Ban. Xe tiếp tục chạy, càng lên cao hoa Ban càng nhiều. Bên ô cửa kính, du khách có cảm giác bâng khuâng như gặp muôn nghìn cánh bướm chập chờn bay theo trong suốt cuộc hành trình. Qua huyện Thuận Châu (Sơn La) là tới địa danh bất tử “Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được” - nơi nhà thơ Quang Dũng từng ba lần xúc động thốt lên như vậy, trên đường Tây Tiến năm xưa.

Giữa bao la chồi non lộc biếc đại ngàn, từng chùm hoa Ban trắng như bông và xốp tựa mây, trôi bồng bềnh trong không gian, chảy xuống các lòng thung và vắt lên  tận các đỉnh núi chọc trời. Tây Bắc là xứ sở của hoa Ban và hoa Ban là biểu trưng của Tây Bắc. Điều đó cắt nghĩa cho việc vì sao các giống hồng, lan, huệ, cúc... có thể thấy ở bất kỳ đâu, nhưng riêng hoa Ban thì chỉ duy nhất ở Tây Bắc mới có. Lặng lẽ dâng tặng và dâng tặng hết mình, đã từ lâu hoa Ban đi vào thơ - ca - nhạc - hoạ. Hơn nửa thế kỷ trước, hoa Ban từng nở rộ trong những trang ký lấp lánh của Nguyễn Tuân. Cách đây 35 năm, trong chuyến thực tế Lai Châu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết bài thơ “Gửi Lai Châu” (1981), trong đó có câu: “Hoa Ban nở thành người con gái Thái”. Với bạn đọc Lai Châu - Điện Biên, đó là một trong những câu thơ hay nhất viết về hoa Ban, là sự ví von kiều diễm nhất về người con gái dân tộc Thái.

Cây Ban thân mộc, không mọc thẳng mà khẳng khiu uốn khúc, chia cành phân nhánh như có bàn tay tạo dáng của đấng hoá công. Về mùa đông cây Ban tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc. Lá Ban mọc cách, không xếp thành tán và không rậm rạp như các loài cây khác; lá hình móng bò, rất giống hai trái tim đặt cạnh nhau. Sức sống của cây Ban thật mãnh liệt, dù trên đồi cỏ gianh khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, cứ qua mùa đốt nương là cây Ban trỗi dậy trong sự trường sinh bất tử.

 Ban có hai loài, hoa đỏ và hoa trắng, loài hoa trắng chiếm đa số. Hoa Ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa thường có 5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Nhị hoa Ban mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong và bướm. Tên gọi hoa Ban theo tiếng dân tộc Thái, có nghĩa hoa Ngọt, đó vừa là danh từ vừa là tính từ.

Hàng năm, cuối tháng Giêng hoa Ban lác đác nở, rộ nhất và đẹp nhất là đầu tháng 2 âm lịch, đến cuối tháng 2 âm lịch thì hoa tàn dần. Lúc nở rộ trông cây Ban như chỉ có hoa mà không có lá. Bà con vùng cao coi hoa Ban như thể nông lịch của mình, họ phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt vào lúc hoa tàn. Mùa hoa Ban, các bà các chị lúc đi nương về trong “ếp” thường có một ít hoa Ban, không phải để chơi mà là để ăn. Hoa Ban nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt măng chua... đó là thuộc tính riêng của hoa Ban mà nhiều loài hoa khác không có được. Theo kinh nghiệm thảo dược dân gian: Lấy 15 - 20 gam hoa Ban phơi khô, sắc trong khoảng 500ml nước, còn lại khoảng 100ml. Sau đó chia uống ba lần sáng, trưa, tối trong ngày (có thể pha thêm chút đường), trị chứng ho khan hoặc viêm họng rất tốt. Có người dùng lá và búp non của cây Ban, cũng dưới dạng sao vàng hạ thổ, chữa bệnh kiết lỵ tương đối hiệu quả.

            Hàng nghìn đời nay, hoa Ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hoá - tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân nồng cháy, với những trò chơi thú vị hái hoa Ban và hát giao duyên. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa Ban vào mỗi độ xuân về. Có người bảo hoa Ban nở như giục mầm măng mọc, như báo hiệu cho mùa lễ hội truyền thống “Xên lẩu nó” bắt đầu.

Trên bàn thờ của thầy cúng, cành hoa Ban là vật hiến tế nổi bật nhất và trang trọng nhất, được điểm xuyết bởi những búp măng và những chùm trứng gà cách điệu màu sắc sặc sỡ. “Hoa Ban đỏ”, đó không chỉ là tiêu đề mà còn là cái tứ để Nghệ sĩ ưu tú Bạch Diệp kết lại bộ phim truyện nổi tiếng cùng tên về đề tài Chiến thắng lịch sử Điện Biên. Đặc biệt, trong lăng Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình, đường Bắc Sơn trước Tòa nhà Quốc hội bây giờ - Hà Nội, bên cạnh các giống cây trái từ khắp mọi miền đất nước về đây tụ hội, cây Ban tượng trưng cho tình cảm và lòng biết ơn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với vị Cha già kính yêu suốt đời vì nước vì dân.

 Trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc, hoa Ban kiêu hãnh xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và các câu chuyện kể bên bếp lửa hàng đêm. Về sự tích hoa Ban, đồng bào Thái có câu chuyện cảm động rằng: Để tỏ lòng thương tiếc Chương Han - người anh hùng dân tộc dám chống lại các thế lực đàn áp, độc ác - nhân dân buộc những mảnh khăn tăng lên các cành cây. Về sau, thời gian như có phép nhiệm màu đã hoá những mảnh khăn tang thành những đoá hoa Ban trắng trong, tinh khiết.

Nếu lên Tây Bắc vào dịp cuối mùa xuân, bạn sẽ được dự lễ hội “Kin pang then” của người Thái Trắng và lễ hội “Kin chiêng bók may” của người Thái Đen, bạn sẽ được đắm mình qua những cuộc vui nồng nàn, ý vị và đậm đà bản sắc, để tạm quên đi những âu lo trĩu nặng con người. Trên cột cây “hoa chủ” của các lễ hội, xin bạn hãy ngắm kỹ cành hoa Ban trong không gian kiến trúc của nhà sàn - khau cút. Rồi tự bạn sẽ cảm bằng tim chứ không chỉ thấy bằng mắt, rằng quả thực ở đâu hoa Ban cũng đẹp, đẹp như chính những bàn tay ngọc ngà của các “nàng Kiều” khăn piêu áo cóm, đang thật khẽ khàng vít cong cần rượu mời ta...

Bài, ảnhKiều Trinh


Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

NGHE EM ĐÀN

 NGHE EM ĐÀN

Tặng Nguyệt Hà

Thật ngạc nhiên và thú vị thay

Khi em gảy khúc tì bà ngợi ca đất nước

Đất nước ba mươi năm mới giành lại được 

Hòa bình, thống nhất trọn vẹn hôm nay

Tiếng đàn nghe chưa hẳn thật hay

Nhưng cái tuyệt vời là từ những ngón tay em gảy

Những ngón tay cũng như reo, vui, múa nhảy

Với tâm hồn rộn rã và biểu diễn mê say

Vì thế tiếng đàn dù gảy thế nào nghe cũng rất hay 

DIZIKIMI.

NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ MÁC

 

THỨ NĂM, 4 THÁNG 5, 2017

NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ CHUYỆN TÌNH CÁC MÁC

NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ CHUYỆN TÌNH CÁC MÁC

"KHÔNG CÓ GIEN-NY PHÔN-VET-PHA-LEN THÌ CÁC MÁC KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC NHƯ THẾ". Ê-LÊ-Ô-NÔ-RƠ-MÁC A-RƯ-LINH, NGƯỜI CON GÁI ÚT CỦA VỊ LÃNH TỤ GIAI CẤP VÔ SẢN TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ VIẾT VỀ BỐ MẸ MÌNH NHƯ VẬY. CHƯA BAO GIỜ HAI CUỘC ĐỜI - VÀ CẢ HAI CÙNG TUYỆT DIỆU - LẠI GẮN BÓ CHẶT CHẼ VỚI NHAU, BỔ SUNG CHO NHAU MỘT CÁCH HOÀN HẢO ĐẾN THẾ.

“Nghệ thuật không  sao đẹp bằng Gien-ny”
Là dòng dõi nam tước Phôn-vet-pha-len, Gien-ny thuộc tầng lớp quý tộc thần thế bậc nhất nước Phổ. Ông nội là Tổng tư lệnh của quân đội Phổ. Bà nội thuộc tầng lớp quý tộc cao nhất ở nước Tô-cách-lan. Nhưng ông thân sinh của Gien-ny, Lu-vich Phôn-vet-pha-len khác với số đông những đại biểu của giai cấp mình, là một người có học vấn uyên thâm, lại có tư tưởng phóng khoáng (chính vì vậy, sau này Các Mác đã đề tặng bố vợ tương lai của mình luận án tiến sĩ). Còn bà thân sinh lại là một người đàn bà giản dị, chân thành, dành cả cuộc đời vào việc chăm sóc chồng con.
Ngày 12/2/1814, người con gái yêu quý Gien-ny của dòng họ Phôn-vet-pha-len ra đời ở Dan-xve-đen thuộc tỉnh Rê-na-ni. Lên hai tuổi, gia đình dọn đến Tơ-re-vơ. Thời thơ ấu của bé Gien-ny không hề biết đến thiếu thốn, một tuổi thơ đẹp đẽ vây bọc giữa tình thương của gia đình.
Các Mác và Gien-ny.
Ngôi nhà xinh đẹp có khu vườn rộng sum xuê hoa lá mà cô bé tóc vàng, mắt đen, vừa kháu khỉnh, vừa lanh lợi, thường chơi trò trẻ con đầu tiên, nằm giữa khu phố đông đúc của những kẻ giàu sang, đó chính là tổ ấm của gia đình quan cố vấn chính phủ hoàng gia Phổ. Lút-vich Phôn-vet-pha-len, một người có uy tín lớn trong giới quý tộc Tơ-re-vơ. Ông là bạn thân của quan cố vấn tư pháp Hen-rích-mác, thân sinh cậu bé Mác. Bọn trẻ hai gia đình thường nô đùa với nhau trong khu vườn đó. Sau các trò chơi trẻ con, cậu bé Mác tiếp tục là vị khách thường xuyên của gia đình Vet-pha-len.
Năm lên mười hai tuổi, Mác bắt đầu cắp sách tới trường trung học, thì Gien-ny đã là một thiếu nữ mười sáu tuổi và bắt đầu bước vào giới thượng lưu ở Tơ-re-vơ. Cô có một sắc đẹp lộng lẫy, huy hoàng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các vũ hội”. Sau này, trong một bức thư gửi cho cha, Mác đã phải thốt lên: “Nghệ thuật không sao đẹp bằng Gien-ny”.
Biết bao chàng trai quý tộc vây quanh cô gái diễm kiều ấy. Các cụ thân sinh cũng muốn chọn một chàng rể trong đám thanh niên giàu sang cho con gái yêu của mình. Nhưng cuộc sống hào nhoáng mà trống rỗng của giới thượng lưu không hề rung động lòng cô, Gien-ny thờ ơ trước sự săn đuổi của bọn họ. Cô tìm kiếm một lý tưởng cao cả, một cuộc sống ý nghĩa hơn. Sau này cô đã tìm thấy ở người bạn thời niên thiếu thường lui tới gia đình mình.
Dần dà vượt qua tuổi thiếu niên, Gien-ny và Mác bắt đầu nói với nhau những câu chuyện đứng đắn về những vấn đề của cuộc sống xã hội. Đôi bạn trẻ tỏ ra hâm mộ những nhà tư tưởng lớn đương thời, khao khát những lý tưởng tự do của họ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Mác đã mạnh bạo và dứt khoát tỏ rõ quan điềm chính trị của mình. Gien-ny rất tâm đắc với những quan điểm tiến bộ của Mác. Chẳng bao lâu cô cảm thấy trở nên thân thiết đối với trái tim anh và lòng cô tràn ngập một niềm hạnh phúc mới mẻ.
Lúc này Mác phải xa Tơ-re-vơ để vào trường Đại học Bon, mang theo bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ về người bạn gái thân yêu của mình. Anh viết cho cha: “Khi con rời nhà ra đi, trước mắt con mở ra một thế giới mới, thế giới của tình yêu - một tình yêu say đắm...”. Năm sau về nghỉ hè, Mác và Gien-ny đã bí mật hứa hôn.  
Vượt qua thiên kiến giai cấp
Nhưng con đường dẫn tới hạnh phúc của họ không suôn sẻ. Thiên kiến của dòng họ Phôn-vet-pha-len và nhất là của xã hội thượng lưu vây bọc quanh nàng, không dễ dàng chấp nhận một cô gái quý phái bậc nhất có thể trao cuộc đời cho một chàng sinh viên nghèo, lại mang tư tưởng tự do. Vì vậy khi hứa hôn, hai người phải giấu hết mọi người.
Vượt qua chặng đường bảy năm trời đấu tranh gian khổ với những thiên kiến tàn nhẫn đó, cuối cùng tình yêu son sắt và sự kiên trì đã thắng. Ngày 19/6/1843. Một lễ cưới giản dị khác với tập tục đã được tổ chức, vĩnh viễn gắn cuộc đời hai con người tuyệt diệu với nhau.
Từ nay Gien-ny đã có thể hoàn toàn tham gia vào cuộc sống và hoạt động của Mác. Và như sau này, Phô-ri-đrich Ăng-ghen, người bạn chí thiết của hai người đã viết: “Gien-ny không những đã cùng chia sẻ số phận, công việc và cuộc đấu tranh của chồng, mà còn dự phần vào đấy với một trí minh mẫn phi thường và một trái tim nồng cháy”.
Gia đình Các Mác chụp cùng Ăng-ghen.
Sau ngày cưới, một bước ngoặt quan trọng mở ra trước đường đời của hai vợ chồng trẻ. Từ thời sinh viên, Các Mác đã là một chiến sĩ cách mạng, lãnh tụ của “nhóm Hê-ghen trẻ”. Giờ đây là một tiến sĩ triết học, ông đã nổi tiếng là một trong những đại biểu ưu tú của nền dân chủ Đức mới hình thành. Ông bị liệt vào số những nhà cách mạng nguy hiểm nhất đối với chế độ phản động Đức.
Trước sự đe dọa thường xuyên của chúng, Mác mất khả năng hành động. Ông quyết định dứt khoát dời khỏi nước Đức, để từ nước ngoài có điều kiện đấu tranh mạnh hơn cho cách mạng. Với tình yêu tha thiết, không chút ngại ngùng về cuộc sống có phần phiêu lưu sắp tới, Gien-ny Mác đã dũng cảm cùng chồng sang Pháp. Tháng 10/1843, họ tới Pari, mở đầu cuộc sống lưu vong đầy sóng gió.
Lúc đầu là một cuộc ra đi tự nguyện. Nhưng chỉ ít lâu sau, bị nhà cầm quyền Pháp tiếp tay cho chính phủ Phổ trục xuất; vợ chồng Mác phải chạy sang Bỉ. Khi cuộc cách mạng 1848 bùng nổ ở châu Âu, không chỉ Mác bị bắt mà cảnh sát Bỉ đã vô cớ bỏ tù luôn cả Gien-ny.
Ra tù, trở về Pari, bị chính phủ Pháp can thiệp lần thứ hai, họ lại phải dời sang Luân Đôn (Anh quốc). Từ đó là một cuộc sống lưu vong thật sự, với tất cả cảnh khủng khiếp của nó. Vào những năm này, Gien-ny Mác phải chịu những đòn giáng tới tấp của số phận, tàn nhẫn đến mức tưởng không chịu nổi đối với ngay cả người phụ nữ dũng cảm kiên cường này.
Cảnh thiếu thốn cùng cực đã lần lượt cướp đi của bà ba đứa con nhỏ. “Tôi đã trải qua nhiều cơn bất hạnh, nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu được thế nào là một điều bất hạnh thực sự”. Mác đã viết cho Ăng-ghen như vậy. Còn Gien-ny đã ghi vào nhật ký của mình: “Nỗi đau xót của tôi thật vô cùng to lớn!”.
Chuyện tình thời đại
Tuy nhiên nỗi đau khổ khủng khiếp đó không cản được bước đường đấu tranh cách mạng của Gien-ny Mác. Cùng với chồng, bà làm việc suốt ngày đêm không mệt mỏi. Dẫu hết sức bận rộn, lo lắng vì cuộc sống khó khăn của một gia đình đông con, bà vẫn đảm đương xuất sắc nhiệm vụ thư ký cho chồng. Bà chép các bản thảo của Mác, hoặc ông đọc cho bà viết.
Bà thường đóng góp cho ông những ý kiến sắc sảo. Hầu như Mác không cho công bố một bản thảo nào khi chưa được Gien-ny xem và góp ý. Bà thường thay mặt chồng giao dịch về bản thảo với các chủ nhà in, nhà xuất bản. Ngoài ra bà đã thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, ngay cả những nhiệm vụ phức tạp nhất đòi hỏi sự thông minh và dũng cảm.
Gien-ny và con gái Lau-ra.
Chính nhờ sự tâm đắc và hỗ trợ lẫn nhau đó, ngay cả trong những năm gian khổ nhất, phải sống giữa cảnh bần cùng cay đắng và bệnh tật, gia đình Mác vẫn cảm thấy hạnh phúc, Mác và Gien-ny bao giờ cũng là cha mẹ mẫu mực của con cái. Tình yêu đó và sự vui vẻ vô tư của họ đã in sâu vào ký ức các con.
Cuộc đời sôi nổi, trong sáng của cha mẹ đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành phẩm chất và tương lai con cái họ. Hai vợ chồng sinh hạ được sáu con, chỉ còn lại ba người khôn lớn và đều trở thành những người dũng cảm, tiến bộ và hạnh phúc.
Bà mẹ rất sung sướng thấy cả ba con gái mình đều đi theo con đường của cha, đều là những chiến sĩ kiên cường của giai cấp vô sản; đồng thời cũng là những người vợ đảm, mẹ hiền theo gương bà. Bà cảm thấy tự hào và tràn đầy hạnh phúc. Tiếc rằng bà không được hưởng niềm hạnh phúc đó lâu hơn.
Những năm cuối đời của Gien-ny Mác luôn bị bệnh tật dày vò. Bệnh ung thư đã hành hạ bà một cách dai dẳng. Bà không sống đến ngày thắng lợi của phong trào công nhân Đức, nhưng bà không chút nghi ngờ vào thắng lợi mai sau của nó. Bệnh tật của bà ngày một trầm trọng, nhưng toàn bộ tâm trí của bà vẫn hướng về các đồng chí mình đang đấu tranh gian khổ. Điều kỳ diệu là ngay những ngày cuối cùng trong cơn hấp hối, bà vẫn cố giữ thái độ tươi tỉnh để an ủi chồng con. “Cho đến khi chết - người con gái út kể lại - mẹ tôi vẫn vui vẻ để xua tan những nỗi lo lắng của chúng tôi”.
Ngày 2/12/1881, Gien-ny Mác vĩnh viễn ra đi. Những lời nói cuối cùng bà dành cho Mác. Bản thân ông lúc đó cũng đang ốm nặng, hết sức sửng sốt, bàng hoàng trước phút lâm chung của người bạn đời vô cùng thân thiết. Không đầy hai năm sau, ngày 14/3/1883, con người vĩ đại ấy cũng theo vợ đi vào cõi vĩnh hằng. Thi hài của Người được đặt cạnh Gien-ny - người bạn đường, người đồng chí, trước hết là người vợ thủy chung, niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình.
Hồ Mậu Đường

Không có nhận xét nào:

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

 

SỰ THẬT VÀ GIẢ DỐI

 VÌ SAO SỰ THẬT BIẾN MẤT KHỎI THẾ GIAN NÀY? 

VÌ MỌI NGƯỜI ĐỀU KHÔNG MUỐN THẤY SỰ THẬT TRẦN TRỤI.
VÌ DỐI TRÁ CÓ 3 LẦN NÓI THẬT.

Truyền thuyết từ thế kỷ 19 kể rằng sự thật và dối trá có lần gặp nhau. Dối trá chào sự thật và nói "hôm nay là ngày đẹp trời". Sự thật ngó nhìn xung quanh, nhìn lên bầu trời, và thực sự là ngày đẹp trời.
Họ đi cùng nhau một lúc cho đến khi tới bên một giếng to đầy nước. Dối trá thò tay xuống nước và quay sang nói với sự thật:
"Nước sạch và ấm, nếu bạn muốn thì chúng ta cùng nhau bơi?" - Sự thật lại thấy nghi ngờ bèn nhúng tay vào nước và thấy nước thật sự dễ chịu. Cả hai cùng bơi một lúc đến khi đột nhiên dối trá chạy lên khỏi giếng, lấy quần áo của sự thật và biến mất.
Sự thật tức giận trèo lên khỏi giếng trần truồng, chạy khắp nơi tìm kiếm dối trá để lấy lại quần áo của mình. Mọi người thấy sự thật trần truồng thì liền nhìn tránh sang hướng khác vì lúng túng hoặc tức giận. Sự thật tội nghiệp thấy xấu hổ bèn quay lại giếng và náu mình ở đó mãi mãi.
Kể từ đó, dối trá đi khắp thế giới, khoác áo như sự thật, đáp ứng nhu cầu của thế giới là không muốn nhìn thấy sự thật trần trụi.

Tượng DA VIT KHỔNG LỒ của Miken lăng Giê lô
(Bức tranh "Sự thật ra khỏi giếng" của
 hoạ sỹ người Pháp Jean-Léon Gérôme, 
năm 1896.)


Ảnh của DIZIKIMI


NGHỆ THUẬT VẼ TRANH TRÊN THÂN THỂ NGƯỜI
https://m.facebook.com/100011645989014/albums/159282277803304/?okmarks¬if_t=feedback_reaction_generic
 

SỰ THẬT & GIẢ DỐI

Sự Thật thật trần trụi
Như người tắm khỏa thân
Nào đâu có gì xấu
Sao nhìn phải phân vân

SỰ THẬT là SỰ THẬT
Không thay đổi được đâu
Những gì ta nghe thấy
Cách GIẢ DỐI không sâu

Vì giữa TAI và MẮT
Cách nhau một ngón tay
Những gì ta nhìn thấy
SỰ THẬT hiện ra ngay

GIẢ DỐI luôn che đậy
Nói những điều hoang đường
Làm nhiều người tưởng thật
Xúm nhau vào tán dương

Ta luôn luôn cảnh giác
Phân biệt ai với ai
ĐÚNG là SỰ THẬT đó
GIẢ DỐI mới là SAI
DIZIKIMI

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

THIÊN DUYÊN

https://youtu.be/FAEhttps://youtu.be/FAEEUmHNajEEUmHNajE
HẠNH PHÚC LÀ GÌ ?
Hạnh là gì bao lần ta tự hỏi
Câu chuyện sau đây sẽ lý giải điều này
Người chồng mười năm có lẻ trước đây
Một thầy thuốc tuổi bát tuần bất ngờ được yêu và lấy học trò làm vợ
Cô học trò chủ động cầu hôn khi đó
Kém tuổi Thầy nửa thế kỷ có thừa
Cả nhà cô thấy thế chẳng ai ưa
Nhưng họ quyết tâm lấy nhau nên vượt lên tất cả
Một đám cưới vui, tưng bừng, rộn rã
Người ta đến mừng thực tâm và có cả hiếu kỳ
Tất cả những chê bai giờ đã qua đi
Mười năm qua họ sống với nhau vô cùng hòa thuận
Người chồng tài hoa và vô cùng cần mẫn
Người vợ đảm đang một mực yêu chồng
Cuộc đời công bằng chẳng phụ của, phụ công
Kết tinh của tình yêu : hai đứa con một trai, một gái
Cả gia đình,họ hàng bây giờ có cái nhìn ưu ái 
Khí thấy tổ ấm nhỏ kia hạnh phúc vẹn tròn
Vợ yêu chồng,chồng yêu vợ yêu con
Giản dị thế thôi mà tràn đầy hạnh phúc
Nhìn những cảnh trớ trêu người khác đầy bức xúc
So với tổ ấm gia đình này hỏi mấy ai bằng
Hạnh phúc nào đâu có phải chăng:
Dòng dõi danh gia, tiền tài,địa vị ?
Người đang làm ăn hay người đã về hưu trí
Đâu phải là sắc đẹp và tuổi tác hay nổi tiếng gì gì...
Tất cả những thứ đó ta hãy dẹp đi
Mà đến với nhau bằng tấm lòng chân thành, tự nguyện
Như con thuyền đưa ta về đến bến
Cuối cùng là nơi đỗ bình yên
Câu chuyện ta vừa nghe như một "thiên duyên".
DIZIKIMI



Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

NGÀY CỦA MẸ 2021 LÀ NGÀY 9-5-2021





MẸ & CON

Ngày của Mẹ (Mother’s Day) là ngày để những người con thể hiện lòng biết ơn và tình yêu với các bà mẹ trên khắp thế giới.

Có nhiều "phiên bản" Ngày của Mẹ với thời gian tổ chức khác nhau. Ngày của Mẹ phổ biến nhất hiện nay được kỷ niệm vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5. Như vậy, năm nay, 2021, Ngày của Mẹ rơi vào ngày 9/5.

Những người mẹ không chỉ có công sinh thành mà còn nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta thành người. Dẫu còn là một cô, cậu bé hay đã trưởng thành; dù hạnh phúc hay khó khăn, vất vả; dù thành công hay thất bại… bất cứ ai trong chúng ta cũng đều được che chở trong vòng tay mẹ. Vì vậy đây là ngày lễ được nhiều người coi trọng

Vào ngày này, những người con, có thể thông qua nhiều hình thức, để thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với mẹ. Chúng ta có thể gửi tặng lời chúc, lời hỏi thăm hay những món quà thiết thực đến với các bà mẹ.

Ngày của Mẹ xuất hiện từ nhiều năm trước trên thế giới nhưng ở Việt Nam, Ngày của Mẹ mới được kỷ niệm phổ biến những năm gần đây. Trước đó, ngày dành cho các bà mẹ ở Việt Nam là ngày Lễ Vu lan, ngoài ra còn có các ngày dành cho phụ nữ như ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Vốn là đất nước coi trọng truyền thống đạo hiếu, Ngày của Mẹ cũng được đón nhận ở nước ta.

Nam Phương

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

TỐ HỮU VÀ BÀ ITHƠ HOAN HÔ CSĐB

 TRẦN ĐĂNG KHOA ( CHÂN DUNG VÀ ĐỐI THOẠI)

 Tố Hữu và bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế. Trong tâm hồn lớn lộng gió của ông không có những góc khuất, những vùng tối, những nẻo đường hiu quạnh, những thành quách nhàn nhạt một màu rêu cô liêu. Nghĩa là không có chỗ nương náu cho những nốt nhạc lạc điệu, xa lạ và trầm buồn. Đôi khi, những nỗi niềm vu vơ có ở thời Từ ấy lại lần theo một con đường riêng nhuốm màu thiên nhiên, chìm lẩn trong tiềm thức mà tìm về với ông, thì ông lại tự xoá đi, để tiếng hát ông chỉ còn một âm hưởng chủ đạo. Âm hưởng vui bất tuyệt.

Nếu mỗi nghệ sĩ là một người thư ký của thời đại, theo quan niệm Balzac, thì Tố Hữu chính là người thư ký của cách mạng. Thơ ông là biên niên sử cách mạng. Có thể lần theo dấu vết thơ ông mà tìm những bước thăng trầm của cách mạng, của kháng chiến. Chính vì thế, trong những ngày cả nước long trọng kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi tìm lại thơ ông, tra cứu thơ ông, như tra cứu một cuốn tự điển cách mạng. Tôi lật trang Điện Biên Phủ và lập tức lại gặp ngay tiếng reo vui tưng bừng quen thuộc của ông: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Đây là bài thơ khá nổi tiếng của Tố Hữu. Bài thơ cung cấp cho ta nhiều con số và những tư liệu lịch sử. Qua thơ mà ta biết cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài ba ngàn ngày. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc mở màn đến khi kết thúc thắng lợi là 56 ngày đêm. Trong thời gian này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang ở Việt Bắc. Trên bàn làm việc dã chiến của Người có bản đồ Điện Biên Phủ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi hội đàm với Chính phủ Pháp ở Paris. Trưởng phái đoàn ngoại giao của Pháp là Biđôn (Bidault). Trưởng phái đoàn ngoại giao của Mỹ là Smit (Smith). Còn đại tướng Võ Nguyên Giáp thì dàn quân ở giữa trận tiền. Và bạt ngàn bộ đội, dân công đi tiếp lương, tải đạn, kéo pháo, mở đường. Lương thực, đạn được vận chuyển đến Điện Biên bằng hai phương tiện chính: thồ và gánh. Đời sống tinh thần của bộ đội và dân công ta ở cái thời ấy cũng được Tố Hữu ghi chép khá tỉ mỉ: người ta động viên nhau, thúc đẩy nhau bằng tiếng hát. Những điệu hò lơ, hấy lơ vang vọng khắp các triền đèo hiểm trở Lũng Lô, Pha Đin. Như thế, xem ra, việc chuẩn bị chiến đấu vất vả, gian khổ nhưng vui. Rõ ràng đi kháng chiến như đi trẩy hội. Còn khi đã chiến đấu thì thật ác liệt. Có thể nói đó là cuộc chiến đẫm máu. Người khoét núi đặt bộc phá. Người bịt lỗ châu mai. Người lấy thân chèn pháo. Và máu người đã nhuộm đỏ cánh đồng Mường Thanh. Máu trộn với bùn đất. Chỉ một chi tiết này, ta biết chiến dịch mở vào mùa mưa. Đó là một thử thách không nhỏ đối với người lính Điện Biên Phủ. Tất cả những tư liệu lịch sử có tính thông tấn báo chí ấy, đã được Tố Hữu biến thành tình cảm, giai điệu. Và bao phủ lên nó là một bầu không khí hừng hực. Bầu không khí Điện Biên.

Tố Hữu có đi chiến dịch không? Ông viết bài thơ này trong trường hợp nào? Lúc ấy ông ở đâu? Ông đang làm gì, giữ những trọng trách gì? Chiến thắng Điện Biên đến với ông ra sao? Đấy là những câu hỏi mà độc giả hôm nay tò mò muốn được giải đáp. Nhưng ai giải đáp nổi? Chỉ có thể là Tố Hữu. Và chúng tôi được giao một nhiệm vụ rất cụ thể: tìm đến gặp Tố Hữu, rồi lân la hỏi chuyện ông.

Chúng tôi tập kích vào nhà Tố Hữu, đúng theo cách tiếp cận của lính Điện Biên Phủ. Ngay lập tức nhà thơ lớn đã bị bốn anh em lính báo bao vây. Ngoài tôi và nhà phê bình Hồng Diệu, còn có thêm Khánh Chi, Trường Giang - hai phóng viên trẻ của báo Đại đoàn kết. Bây giờ thì Tố Hữu đã ngồi gọn giữa mấy anh em chúng tôi. Trông ông trầm tĩnh như một ngọn tháp cổ kính. Mà không, ông như một vị nguyên soái đã giã từ vũ khí, giã từ mọi thứ xiêm áo lỉnh kỉnh mà tạo hoá đã bỡn cợt khoác lên ông, nhiều khi che khuất cả chính ông, để ông chỉ còn lại là một già làng, có phần cô đơn, bé nhỏ, da mồi, mái tóc bạc trắng sương gió, dường như đã quá quen với trận mạc, với mọi biến cố, thăng trầm của cõi đời dâu bể. Lơ lửng ở đâu đó trong khoảng u u minh minh trên mái đầu ngả bạc của ông, hình như vẫn còn lung liêng, vẫn còn chao lắc cái con quay mờ mờ nhân ảnh của ông Trời. ý nghĩ ấy đến với tôi khi tôi đang thành kính ngắm ông như ngắm một viện bảo tàng. Còn ông thì ngồi im lặng. Đôi mắt riu riu nửa thức, nửa ngủ, có lúc lơ đãng vô vi như một người đang nhập thiền, có lúc lại ánh lên, long lanh sáng như mảnh thuỷ tinh vỡ. Vào những giây khắc mong manh đó, tôi chợt thấy ông vẫn còn là một vị tướng soái, với đầy đủ mũ áo cân đai. Còn bây giờ, ông có vẻ như hơi ngỡ ngàng. Ông đưa mắt nhìn lũ chúng tôi là mở chiến dịch rút lui quyết không dây với lũ trẻ ranh.

- Chuyện Điện Biên ấy mà, nói thực là mình biết không nhiều lắm đâu. Cái này các cậu phải đến gặp Hồ Phương, Hữu Mai, hay Từ Bích Hoàng. Các anh ấy đi chiến dịch Điện Biên, các anh ấy biết nhiều chuyện đấy.

- Chuyện Điện Biên thì bạn đọc cũng đã biết rồi, vừa qua mấy anh em làm báo đã sục vào hầm De Castries, còn lặn lội vượt đèo leo suối vào tận sở chỉ huy ta ở Mường Phăng. Anh Lê Lựu đã đến gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Hồng Diệu đã gặp ba thiếu tướng Hồ Phương, Chu Phác và Dũng Hà. Mấy anh em còn tham khảo cả tài liệu của Pháp nói về Điện Biên. Nghĩa là nhìn Điện Biên ở mọi góc độ khác nhau. Bây giờ, mấy anh em muốn hỏi anh về bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.

Tố Hữu cười:

- Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên thì cũng chẳng có gì phải nói thêm nữa. Mình đã viết cả ra rồi. Có gì cũng nói tuột ra hết. Thơ mình là thế, là cứ nói thẳng tuồn tuột, chẳng có gì khuất khúc cả.

- Vâng, bài thơ nói được nhiều điều lắm. Đầy ắp tư liệu thông tin. Nhưng có thông tin mà bạn đọc bây giờ tò mò muốn biết thì bài thơ lại không nói đến. ấy là thông tin về tác giả. Khi viết bài thơ này, anh đang ở đâu?

Tố Hữu ngồi im lặng. ánh mắt bỗng xa vợi. Hình như ông đang lục trong trí nhớ, cố tìm một hình ảnh nào đó, một bóng dáng nào đó của kỷ niệm xa mờ.

- Chịu, không thể nhớ được. - Tố Hữu quay về phía tôi. - Mình già rồi, u mê rồi. Có lẽ các anh ở cục tác chiến, quân bưu, các anh ấy nhớ, chứ mình thì quên mất rồi. Cái bản ấy, nó có cái tên là khau khau gì đấy. Hồi đó, mình là trưởng ban tuyên truyền. Suốt ngày chỉ hong hóng chờ tin tức từ chỗ anh Trường Chinh, hoặc lại chạy sang bên Bộ Tổng, Quân uỷ trung ương, chỗ anh Văn, hỏi xem có đánh nhau ở đâu thì viết bài tuyên truyền. Mà viết xong cũng chẳng biết đưa cho ai nữa. Hồi ấy, phương tiện tuyên truyền của ta còn nghèo lắm, sơ sài lắm, đâu có được phong phú như hồi chống Mỹ. Công cụ tuyên truyền chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân với cái đài 500 oát. Còn thì phần lớn là tuyên truyền mồm quan cánh dân công. Mỗi trận đánh thắng, tự thân nó đã có sức tuyên truyền rồi. Nó lan xa lắm, lan nhanh lắm. Còn chuyện Điện Biên thì sau này mới rầm rộ. Hò kéo pháo. Điện Biên bấy giờ im ắng lắm. Ta âm thầm chuẩn bị lực lượng. Không ai có thể nghĩ được rằng, ta lại có thể đưa được quân, đưa được pháo vào Điện Biên. Thực tế khách quan thì không thể làm được. Đường sá hiểm trở lắm, toàn những đèo dốc, vực thẳm. Gay go nhất là việc vận chuyển lương thực, thực phẩm. Cái này, phải nói là dân mình ghê gớm thật. Chỉ có đôi vai, đôi bồ, khá hơn cái xe đạp tồng tộc, mà rồi từ Thanh Hoá, từ đồng bằng Bắc Bộ mò mò đưa gạo lên. Hạt gạo nặng bằng hạt máu. Phải nói ý chí của dân mình rất ghê gớm. Họ nhịn đói, nhịn khát, ăn lá lảu dọc đường. Dừng nghỉ thì nói chuyện thịt bò, nói chuyện nướng chả, làm thịt cầy, cứ như mình đang liên hoan, đang ăn thịt, mà toàn ăn thịt... mồm.

- Vậy tin toàn thắng đến với anh lúc nào?

- Lúc ấy khoảng 5h30 hay 6h chiều ngày 7-5. Rừng đã nhá nhem tối mới có điện từ chỗ anh Trường Chinh xuống. Mình mừng quá. Cái chuyện Hoả tốc, hoả tốc - Ngựa bay lên dốc ấy là có thật. Đấy là con ngựa của chú liên lạc ở chỗ anh Trường Chinh. Và cũng chỉ có mỗi con ngựa với chú liên lạc, chứ làm gì có Đuốc cháy sáng rừng, với Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Khi viết thì mình viết thế. Viết thế mới tạo được không khí, chứ làm gì có lửa mà đỏ rừng đỏ bản. Thực tế lúc ấy, nhìn ra xung quanh, rừng núi tối mù mù. Chỉ có vài ngôi nhà ở triền núi xa xa có ánh lửa le lói, chắc họ đang nấu cơm hay nướng sắn gì đó. Thế mà mình viết: Đuốc chạy sáng rừng - Loa kêu từng cửa. Cũng chẳng có loa đâu. Mà loa với ai. Dân ở xa. ở gần dân e bị lộ. Nguyên tắc là bí mật tuyệt đối. Cơ quan trung ương ở trong rừng, ở giữa lau tre. Mình ở nhà đất. Anh Trường Chinh cũng ở nhà đất. Chỉ có Bác ở nhà sàn. Ông cụ có đặc tính là thích ở nhà sàn, và ở bên suối. Ông cụ vốn là người yêu sơn thuỷ hữu tình. Cơ quan trung ương cũng đóng dọc bên suối, lán chìm trong cây lá. Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù mà. Bí mật là một nguyên tắc. Vậy thì loa với ai. Thế mà vẫn loa kêu từng cửa. Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Hầy, nghe vui hỉ, nghe cũng rậm rật đấy chứ hỉ - Rồi Tố Hữu quay lại mấy anh em, nheo nheo một bên mắt, vẻ trẻ trung, tinh nghịch - Này xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều là mình phịa như thật, nên người ta cũng tha cho.

Rồi Tố Hữu lại cười. Nụ cười thật hiền hậu. Trông ông lúc này có vẻ của một ông Phật, Hồng Diệu hỏi:

- Thế từ lúc mở màn đến khi kết thúc chiến dịch anh có lên Điện Biên bao giờ không?

- Không! Nào mình có biết Điện Biên ở đâu mà đi. Đi sao được. Mà ai cho đi cơ chứ.

- Tưởng anh là trưởng ban tuyên truyền, anh có thể đi khắp nơi chứ.

- Đâu có. Ông nói thế là nói cái anh tuyên truyền sau này, tuyên truyền bây giờ. Chứ lúc ấy, đi sao được. Mình cứ ngồi im chờ lệnh cụ Trường Chinh.

- Tưởng anh viết Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam...

- à, cái đấy mình hỏi. Mình hỏi mấy chú đã đến Điện Biên rồi. Hỏi xem ở đấy có những cái gì, mới biết mấy cái địa danh như thế đấy chứ, biết cả ở đó có cam, có mơ và rất nhiều hoa mơ. Chỉ mang máng thế thôi. Và rồi những cái mang máng ấy, cũng chẳng biết sẽ để làm gì. Sau này khi viết, mình mới lôi nó ra, đưa vào thơ, cứ nhét bừa vào. Nó mới thành: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam / Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng. Đấy, đơn giản thế đấy.

Rồi Tố Hữu lại cười. Hoá ra ông Phật này cũng thích đùa lắm. Ông nói mà cứ như nói đùa, và tôi nghĩ, phải là người uyên thâm lắm, thông minh và lịch lãm lắm mới có thể nhìn mọi sự đơn giản như thế, mới có thể đùa được như thế. Đùa là một phẩm chất của trí tuệ. Thực tình, hai câu thơ mà Tố Hữu vừa nhắc đến, như nhắc đến một giai thoại vui kia, là hai câu thơ hay, nếu không nói là hay nhất trong bài. Đặt trong cái không khí của toàn bài, nó mới đắc địa, như người ta đang nghe một bản giao hưởng chát chúa toàn những kèn đồng, lại thấy vút lên mảnh mướt một tiếng sáo trúc đồng quê mát mẻ. Câu thơ ghép toàn những địa danh. Đưa địa danh vào thơ đâu có dễ dàng gì. Nhưng Tố Hữu có biệt tài trong cái kỹ nghệ ngày. Địa danh vào thơ ông thường rất nhuần nhuyễn. ở đây, dường như nó không còn là địa danh nữa, nó là kỹ nghệ chơi chữ cao, chơi chữ mà không thấy dấu vết của việc chơi chữ, chỉ có hai câu thơ với tên rừng, tên núi cụ thể mà Tố Hữu đã kết được thành một vòng hoa rực rỡ sáu màu. Đấy là vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường Điện Biên lịch sử. Xuân Diệu là người đã có công trong việc phát hiện ra cái vòng hoa thầm lặng đó.

- Sau này, ông Diệu ông ấy có khen tôi. Ông ấy tán ra thế, tôi mới biết nó như thế đấy chứ. Thực ra, đó là mấy cái địa danh có sẵn, địa danh có màu, dưới lại có trắng, có lam, có vàng. Cũng lại là màu nữa. Nó mới thành tấm thảm nhiều màu. Cái này, những anh em lý luận họ gọi là gì hỉ? Là tiềm thức à? Nghĩ cũng có lý hỉ?

Ngừng một lát, Tố Hữu tiếp:

- Bài thơ Điện Biên được viết nhanh lắm. Sau chiến thắng, tôi lên Bác ngay. Lên xin ý kiến Bác xem cần tuyên truyền thế nào. Có điều lạ là Bác rất bình thản. Bác bảo: Đây chỉ là chiến thắng bước đầu thôi. Sao các chú cứ rối lên thế. Ta đánh thì tất nhiên là sẽ thắng. Quân đội ta là quân đội quyết chiến, quyết thắng cơ mà. Bác khen các chú đánh giỏi. Nhưng đừng rối lên. Phải cảnh giác. Hết sức cảnh giác. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Kẻ thù ta bây giờ không phải là Pháp nữa, mà là Mỹ. Không khéo chuyến này, ta phải đánh nhau với Mỹ, còn lâu dài đấy, gian khổ đấy, đừng có tếu. Điều đáng kinh ngạc là Ông Cụ lại nói chuyện ấy ngay trong ngày chiến thắng Điện Biên. Tôi đã đọc một loạt những hồi ký viết về Ông Cụ ở thời điểm này, nhưng không thấy ai nói đến chuyện đó. Cũng trong cuộc gặp ấy, Ông Cụ bảo tôi làm tuyên truyền. Ông Cụ có bảo tôi làm thơ đâu, làm tuyên truyền động viên bộ đội đấy chứ. Tuyên truyền làm sao cho dân vui là được rồi. Tôi về, suốt đêm không ngủ được, cứ vẩn vơ mãi. Tôi nghĩ: tuyên truyền bằng thơ là tốt nhất. Thơ dễ phổ biến, dễ nhớ, dễ thuộc. Mình không nhận ra trận, nhưng cũng nghe lỏm được khối chuyện. Chỉ tội, chẳng biết Điện Biên ra sao. Rồi thì đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô cũng chẳng thể hình dung được. Tôi bèn đến hỏi Bác, Bác ngửa cái mũ lá ra: Điện Biên nó như thế này này. Nó là một lòng chảo. Đấy, cũng chỉ mang máng thế thôi. Thế rồi thì tôi viết, viết nhanh lắm, viết không đến hai ngày. Những gì mình nghe được về Điện Biên, mình cho vào thơ hết, cho nó có vần có điệu, vì nhịp thơ nó đi như thế. Lục bát thì còn phải cò cưa ký cưa, chứ ở đây, mình cho nó nổ lung tung lên, chẳng việc gì phải giữ đúng khuôn khổ. Có lẽ đây là bài thơ tự do nhất, viết sảng khoái nhất. Hồi Cách mạng tháng Tám, mình cũng có bài thơ sảng khoái như vậy. Bài thơ nói về cái con chim gì ấy nó hót hót ấy...

- à, đấy là bài Huế tháng 8 - Hồng Diệu chợt như bừng tỉnh - Có con chim nào trong tóc, nhảy nhót hót chơi. Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ.

- ờ, đại khái là như vậy. 

Tố Hữu cười. Mấy anh em cùng cười. Không khí trong căn phòng thật ấm cúng vui vẻ. Tố Hữu tiếp tục câu chuỵện và Hồng Diệu lại làm bà Trần Thị Tuyết minh hoạ thơ cho ông. Phải nói trí nhớ của nhà tầm chương trích cú này cũng đáng hãi thật. Hầu như anh thuộc hết thơ Tố Hữu, kể cả những câu thơ trong quá trình sửa chữa, ông đã vứt rồi, mà Hồng Diệu vẫn còn thuộc. Anh đọc cho Tố Hữu nghe bằng một giọng von vót nửa kim, nửa thổ.Tiếng reo núi vọng sông rền...

- à , cái đó mình cũng phịa đấy. - Tố Hữu cắt ngang giọng đọc đầy hào hứng của Hồng Diệu. - Hồi đó, đang phải bí mật, có ai dám reo hò đâu. Nhưng phải viết thế, phải tạo không khí như thế mới có cớ mà hoan hô chứ. Mình hoan hô chiến sĩ Điện Biên, hoan hô ông Giáp. Lúc ấy, đại tướng võ Nguyên Giáp oanh liệt lắm. Người ra trận cơ mà. Một ông Tổng tư lệnh ra trận...

- Thế sao sau này, trong những tập tái bản gần đây, anh lại cắt câu ấy đi?

- Đâu, mình có cắt đâu - Tố Hữu ngạc nhiên. Mình chẳng biết gì đến chuyện ấy cả. Mình vẫn giữ đấy chứ, mà mình thấy cũng không có gì phải cải chính.

- Bài thơ này khi anh viết xong rồi, Bác Hồ có đọc không?

- Có chứ - Tố Hữu cười - Khi in ra, chắc Ông Cụ có đọc.

- Thế Ông Cụ nói sao?

- Ông Cụ chẳng nói sao cả. Chưa bao giờ Ông Cụ khen thơ tôi. Chỉ có anh Trường Chinh thì có khen, ví tôi với ông này, ông khác, nhưng anh ấy cũng nói tào lao cho vui thế thôi, còn Bác thì chưa bao giờ khen thơ tôi cả. Sau Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, tôi viết tiếp Ta đi tới và Việt Bắc...

Đây là thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Tố Hữu. Trong ba bài thơ viết cùng một giai đoạn ấy, Việt Bắc là một kiệt tác, dù còn lẫn mấy câu vè. Hai bài thơ còn lại cũng như phần lớn thơ Tố Hữu, sẽ bất tử nhờ lịch sử. Bởi nó đề cập đến những cái mốc lịch sử. Mỗi bài là một trang biên niên sử. Mà đề cập đến lịch sử, viết về lịch sử thì không ai bằng được ông. Chiến thắng Điện Biên đã qua 40 năm rồi, đã có hàng trăm bài thơ viết về sự kiện này, nhưng cho đến nay, quả thật vẫn chưa có bài thơ nào viết về Điện Biên vượt bài thơ ông. Cái hay của bài thơ không nằm trong câu chữ cụ thể mà nằm trong cái hơi chung của toàn bài.

- à, lại nói về cái tên bài thơ. - Tố Hữu tiếp tục tâm sự - Lúc đầu mình lấy tên là Điện Biên Phủ. Nhưng sau nghĩ thấy không ổn. Điện Biên Phủ chỉ là một cái địa danh. Mình đổi thành Chiến thắng Điện Biên, cũng lại thấy vô duyên. Nghe nó như tên một bài báo. Mình đọc lại bài thơ, thấy có câu Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Thôi, lấy té luôn như thế cho rồi. Cái tên ấy hợp với không khí toàn bài - Tố Hữu nhìn sang tôi, sảng khoái như một người vừa thắng xong một trận đánh hóc hiểm - Thơ Khoa có lẽ chẳng bao giờ có hoan hô đâu nhỉ. Còn tôi thì tôi cứ hoan hô. Tôi còn hô cả khẩu hiệu nữa cơ. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Muôn năm, muôn năm Mác - Lênin. Đấy, tôi hô khẩu hiệu đấy, tôi chả sợ. Tôi muốn nói rằng: Không có cái gì là không thành thơ được. Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia.

Tất nhiên, sau ba câu khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm, Tố Hữu đã hạ một câu thơ thật là thần tình: Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần. Và thế là ngay lập tức, mấy câu khẩu hiệu khô khốc trên kia đã không còn là khẩu hiêu nữa, nó đã thành tình cảm, xúc cảm, thành nỗi niềm thiêng liêng của cả một đời người ở cái giây phút hiểm nghèo nhất. Và người đọc bỗng ứa nước mắt. Đấy là tài nghệ của một bút pháp lớn. Bút pháp bậc thầy.

Câu chuyện Điện Biên tạm thời kết thúc. Tố Hữu quay sang hỏi Khánh Chi và tôi, cũng vẫn những chuyện văn chương. Khi chia tay ông, Khánh Chi mới rụt rè đề nghị:

- Bác Tố Hữu ơi, bạn đọc ở báo Đại đoàn kết lại còn có yêu cầu này nữa. Họ muốn có mấy dòng chữ và chữ ký của bác. Bác chép cho một đoạn thơ nào đó trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.

Tố Hữu vui vẻ:

- ờ thì đưa sổ đây, có bút không?

Nhưng khi đặt cuốn sổ của Khánh Chi lên đầu gối rồi thì Tố Hữu lại lưỡng lự. Hình như ông đang tính xem nên chọn câu thơ nào. Hồng Diệu liền tham mưu:

- Xin anh chép đoạn này: Điện Biên vời vợi nghìn trùng / Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta...

- Không, không được. - Tố Hữu lắc đầu - Phải chọn đoạn khác. Cái đoạn nói về huân chương. ờ, mà tại sao bây giờ, người ta lại không thích đeo huân chương nhỉ. Đối với tôi, huân chương bao giờ cũng có ấn tượng rất mạnh.

Rồi ông cúi xuống viết vào cuốn sổ tay của Khánh Chi:

Kháng chiến ba ngàn ngày

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử. Điện Biên sáng rực

Trên đất nước, như huân chương trên ngực

Dân tộc ta, dân tộc anh hùng...

Tố Hữu chép rõ từng nét chữ. Hồng Diệu đọc cho ông chép. Thỉnh thoảng, ông lại ngẩng lên, âu yếm chờ Hồng Diệu đọc tiếp. Tôi nhìn ông, ngỡ ngàng. Một nhà thơ lớn, nổi tiếng vào loại bậc nhất của nền thơ đương đại Việt Nam ngồi chép lại thơ mình, chép từ trí nhớ của một độc giả. Thật chẳng có gì sung sướng hơn được nhân dân thuộc thơ mình. Đấy chính là tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân đã trao tặng thi sĩ. Hạnh phúc lớn lao ấy, tạo hoá đâu có ban phát cho nhiều người.

Tháng 5-1994