Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

KHOẢNG TRỜI YÊU THƯƠNG

Nếu một ngày giữa dòng đời hối hả, mệt mỏi dặm dài, em hãy trở về đây



Tuổi mười hai em đến mái trường này
Mắt biếc, tóc mây, nụ cuời bỡ ngỡ
Tâm hồn mở tinh khôi như trang vở
Ghi nốt nhạc đầu đời của Tuổi  Thần Tiên
Tâm hồn mở tinh khôi như trang vở / Ghi nốt nhạc đầu đời của Tuổi Thần Tiên
Tuổi mười ba vô tư, bình yên
Em là nốt nhạc vui trong điệu đàn tinh nghịch
Mười bốn tuổi,… mình lớn rồi,… thật thích!
Dang rộng vòng tay, nhảy chân sáo vui cười
Ai chú Cuội, ai chị Hằng… không biết nữa
Tuổi mười lăm, trăng tỏa sáng muôn nơi
Ai chú Cuội, ai chị Hằng… không biết nữa
Cành phượng hồng thắp lên bao đốm lửa
Lấp lánh khóc cười  trong ánh mắt mênh mang
Cành phượng hồng thắp lên bao đốm lửa / Lấp lánh khóc cười trong ánh mắt mênh mang
Đời rộng dài muôn nẻo dọc ngang
Đón bước chân em vào hành trình khám phá
Con tàu đến với hồi còi giục giã
Em tạm biệt nơi này,… ga xép Tuổi Thần Tiên
Con tàu đến với hồi còi giục giã / Em tạm biệt nơi này,… ga xép Tuổi Thần Tiên
Như những cánh chim bay đi khắp trăm miền
Như những con tàu trên hành trình khám phá…
Nếu một ngày giữa dòng đời hối hả
Mệt mỏi dặm dài, em hãy trở về đây
Nếu một ngày giữa dòng đời hối hả / Mệt mỏi dặm dài, em hãy trở về đây
Khoảng trời này chim hót, mây bay
Gió tinh nghịch buộc tóc em vào nắng
Giữa trong xanh, êm đềm tĩnh lặng
Ngày xưa lại về, xoa dịu hồn em.

Em sẽ ngỡ ngàng gặp lại những Lọ Lem
Những chú lính chì, những người con hiếu thảo
Kỷ niệm xưa như cầu vồng hư ảo
Nhuộm hồn mình trong bảy sắc lung linh.
Kỷ niệm xưa như cầu vồng hư ảo / Nhuộm hồn mình trong bảy sắc lung linh.
Em sẽ gặp lại mình trong những nụ cười  xinh
Những ánh mắt  như mắt ai, ngày ấy
Tiếng trống ngân vang gọi phượng hồng thức dậy
Màu kỷ niệm thắm xanh không xưa cũ bao giờ.
Tiếng trống ngân vang gọi phượng hồng thức dậy / Màu kỷ niệm thắm xanh không xưa cũ bao giờ.
Trong tiếng gió chiều vẫn thoang thoảng tiếng thơ
Giọng trầm ấm thiết tha của thầy ta năm ấy
Trong vòm lá, chú ve con nào vậy
Lại hát cho em nghe điệp khúc Tuổi Hồng
….. Khoảng trời này
,… của yêu thương mênh mông !
Trong vòm lá, chú ve con nào vậy / Lại hát cho em nghe điệp khúc Tuổi Hồng
Lam Châu

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca mà chuyên mục Nghệ thuật thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về nơi thuần khiết sâu thẳm trong trái tim mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Có thể bạn quan tâm:

Chia Sẻ

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

EM THÚY -TRẦN VĂN CẨN

‘Em Thúy’ – Một tác phẩm hội họa đẹp về tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên của mỹ thuật Việt Nam

Trần Văn Cẩn là một trong những họa sĩ hàng đầu đã mang đến cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng và giàu bản sắc dân tộc. Được đào tạo bài bản trong một ngôi trường danh tiếng – Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được nuôi dưỡng bởi một nguồn mạch văn hóa mỹ thuật phong phú của dân tộc, với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, Trần Văn Cẩn đã trở thành một trong “bộ tứ danh họa” hàng đầu của mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Em Thúy” của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, chính là tác phẩm thành công nhất của ông và đưa tên tuổi của ông trở thành họa sĩ hàng đầu Việt Nam.
Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn
Họa sĩ Trần Văn Cẩn sinh ngày 13-8-1910 tại thành phố Hải Phòng, nhưng ông sống và làm việc chủ yếu tại Hà Nội. 
Trần Văn Cẩn xếp hạng nổi tiếng thứ 34180 trên thế giới và thứ 90 trong danh sách Họa sĩ nổi tiếng.
Tác phẩm “Em Thúy” được hoàn thành năm 1943 với khuôn khổ 60×40 cm tính đến nay đã gần thế kỷ nhưng vẫn được đánh giá là một tác phẩm lớn, của một danh họa lớn gây ấn tượng mạnh với người xem. Gương mặt và tâm hồn ngây thơ hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ đã được hoạ sĩ khắc họa thành công.
“Em Thúy” mặc bộ quần áo màu trắng ngồi tự nhiên trên chiếc ghế mây. Bờ vai nhỏ nhắn, hai bàn tay đan nhẹ vào nhau, hai cánh tay gầy thả tự nhiên trên đùi, đôi mắt mở to, trong sáng trên khuôn mặt bầu bĩnh, mũi thẳng, miệng tươi xinh. Mọi chi tiết làm toát lên vẻ hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng pha chút ngỡ ngàng của tuổi thơ. Khuôn mặt tươi sáng là điểm nhấn của bức tranh. Bằng lối đặc tả tuổi thơ đầy sức sống trên gương mặt cùng các nét nhấn khẳng định hình khối của đôi tay và cơ thể, người xem cảm nhận được tình cảm của tác giả đối với tuổi thơ Việt Nam. Người xem nhận thấy ông như muốn nâng niu, bảo vệ sự trong sáng hồn nhiên của con trẻ, không muốn bất cứ điều gì làm vẩn đục tâm hồn thơ ngây ấy.
Tác phẩm “Em Thúy” được hoàn thành năm 1943 với khuôn khổ 60×40 cm
Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, bố của họa sĩ Trần Văn Cẩn là một nhân viên bưu điện, ông được gia đình cho ăn học tử tế. Thuở thiếu thời chịu ảnh hưởng chất nghệ thuật từ mẹ của mình, vốn là một nghệ nhân làm nghề thủ công nặn tò he và đèn giấy bằng nan tre, và người cậu chuyên nghề vẽ đèn giấy, ông sớm có biểu lộ năng khiếu và sự ham thích với ngành hội họa. Sự ham thích này được thân phụ ông tán thành.
Được mệnh danh là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn. 
Tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936) với bức sơn mài Tiễn anh khóa đi thi Hương, nhưng phải đến các tác phẩm Em Thúy– sơn dầu, mới thực sự đưa Trần Văn Cẩn nổi danh như một hoạ sĩ bậc thầy trong thế hệ vàng của nền Mỹ thuật Việt Nam – người có công đặt nền móng và dẫn dắt mỹ thuật nước nhà với những bức họa đẹp, có giá trị mỹ thuật cao hiện vẫn được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngoài thời gian đi sáng tác, họa sĩ thường sống với gia đình người họ hàng tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Trong gia đình, ông quý nhất người cháu gái tên là Minh Thúy, vì vậy họa sĩ đã vẽ tặng người cháu một bức chân dung vào năm 1943 với tựa đề đơn giản, Em Thúy, khi đó Minh Thúy lên 8 tuổi.
Có thể nói, Trần Văn Cẩn là họa sĩ có một bút pháp riêng với dấu ấn cá nhân đậm nét trong tác phẩm của ông. Tranh của ông luôn có hình ảnh thiếu nữ và hoa bởi đó là những hình ảnh gần gũi và đặc trưng của cái đẹp. Ông cũng là một trong số ít các họa sĩ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu, nhiều thể loại, và thể loại nào cũng có tác phẩm thành công. Ông cũng là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc thể nghiệm, sáng tạo từ chất liệu sơn ta để làm tranh sơn mài, đưa sơn mài thành một chất liệu hội họa nổi tiếng, mang đặc trưng nghệ thuật của hội họa dân tộc Việt Nam.
Lucas Lương
Có thể bạn quan tâm:

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

CHÙM THƠ LERMONTOV, mới dịch, từ tiếng Nga

CHÙM THƠ LERMONTOV, mới dịch, từ tiếng Nga
MIKHAIL LERMONTOV (1814 – 1841)
Mikhail Yuryevich Lermontov (tiếng Nga: Михаи́л Ю́рьевич Ле́рмонтов, 15 tháng 10, 1814 – 27 tháng 7, 1841) – nhà thơ, nhà văn Nga. Là nhà thơ lớn của Nga sau Aleksandr Pushkin.
Mikhail Yuryevich Lermontov sinh ở Moskva trong một gia đình có gốc gác từ Scotland. Mẹ mất sớm nên Lermontov được bà ngoại nuôi dạy. Từ nhỏ đã thông thạo tiếng Pháp, tiếng Đức. Năm 1825 bà ngoại đưa Lermontov đi về vùng Kavkaz. Ký ức tuổi thơ trước phong cảnh thiên nhiên của vùng Kavkaz in đậm trong nhiều sáng tác của ông. Năm 1827 trở lại Moskva, Lermontov vào học tại học xá Moskva, đến năm 1830 học xá trở thành gymnazy thì nghỉ học, sau đó vào học Đại học Moskva nhưng hai năm sau lại nghỉ học. Theo lời khuyên của một người bạn, Lermontov vào học trường võ bị Sankt Peterburg. Sau khi tốt nghiệp đi về vùng Kavkaz phục vụ. Thời gian ở Kavkaz, trong một vụ xích mích với Martynov, người trước đây từng là bạn học ở trường võ bị, đã quyết định đấu súng và bị giết chết.
Cuộc đời của Lermontov chỉ vỏn vẹn có 27 năm nhưng di sản thơ ca mà ông để lại cho đời vô cùng to lớn. Lermontov giữ một vị trí đặc biệt trong thơ ca Nga. (Wikipedia)
1.
ANH ĐAU BUỒN...
Anh đau buồn vì anh rất yêu em
Và biết trước tuổi xuân em êm đềm
Bị đầu độc bởi lời đồn tai hại.
Cái giá đắt mỗi giây em tồn tại
Là những dòng nước mắt em tuôn.
Vì em vui... mà anh thấy buồn.
1840
2.
TÔI MUỐN SỐNG...
Tôi muốn sống, muốn được buồn khi yêu,
Tôi không thích đời trơn tru, nhàn nhạ.
Đầu óc tôi bị nó quá nuông chiều,
Cả vầng trán - bị vuốt ve nhiều quá.
Đã đến lúc xua màn sương hững hờ.
Đã đến lúc trêu chọc đời bất biến.
Không đau khổ, không thể gọi nhà thơ?
Thiếu phong ba, biển sẽ không là biển!
Nhà thơ sống bằng nỗi đau con người,
Bằng cả việc tìm vần thơ kiên nhẫn.
Anh ta mua ý thơ hay ở trời,
Trao vinh quang, không của mình, không nhận.
1832
3.
CÁNH BUỒM...
Cánh buồm con đơn độc
Giữa sương mù đại dương
Tìm gì nơi xa lạ,
Bỏ gì nơi quê hương?
Sóng cứ dâng, gió thổi,
Cột buồm cong, kêu rên.
Nó không tìm hạnh phúc,
Cũng không trốn bình yên.
Trên - mặt trời, dưới - sóng.
Nó cầu xin bão giông,
Như thể trong giông bão
Nó sẽ được yên lòng
1832
4.
MỎM ĐÁ
Đêm, một đám mây vàng
Ngủ trong lòng mỏm đá.
Sáng, đám mây vội vã
Ra đi, vui, nhẹ nhàng.
Trên trán mỏm đá già
Một ít sương còn đọng.
Mỏm đá buồn, xúc động,
Khóc nhớ đám mây xa.
1841
5.
CHÁN VÀ BUỒN...
Chán và buồn, không bạn để chìa tay
Trong những phút trái tim đau, co giật.
Mơ ước mãi - ích gì đâu điều này?
Tháng năm trôi, những tháng năm đẹp nhất!
Yêu? Yêu ai? Yêu chốc lát, ích gì?
Yêu mãi mãi lại là điều không thể.
Ngắm mình ư? Quá khứ đã trôi đi,
Mọi niềm vui, buồn đau đều nhỏ bé.
Các đam mê? Rồi cũng thế mà thôi,
Sớm hoặc muộn, nguội dần theo cuộc sống.
Nếu bình tâm, ta sẽ thấy rằng đời
Chỉ là cái ngu si và trống rỗng.
1840
6.
TA CHIA TAY...
Ta chia tay, nhưng hình bóng của em
Anh vẫn giữ trong tim anh nóng bỏng.
Như kỷ niệm những tháng năm êm đềm,
Nó lấp đầy trái tim anh trống rỗng.
Rồi đam mê, yêu người khác - không ai
Thay được bóng hình em, không thể,
Vì bỏ trống, lâu đài vẫn lâu đài,
Và thần tượng không được thờ - vẫn thế.
1837
7.
CÔ ĐƠN
Thật kinh khủng khi dây xích cuộc đời,
Bắt ta sống trong cô đơn, gò bó.
Ai cũng thích chia niềm vui, nụ cười,
Không ai thích chia nỗi buồn, đau khổ.
Tôi một mình, tôi là vua ở đây,
Nén đau khổ trong trái tim trống rỗng.
Tôi quan sát: Rất ngoan ngoãn, tháng ngày
Cứ lặng lẽ trôi qua như giấc mộng.
Rồi tháng ngày sẽ lại đến, rồi đi.
Người cũng thế, không có gì mới lạ.
Tôi nhìn thấy cỗ áo quan đen xì
Đang chờ đợi - sao phải buồn, nấn ná?
Không một ai thương hay tiếc cho tôi,
Và mọi người - tôi điều này rất biết -
Sẽ thản nhiên khi thấy tôi chào đời,
Nhưng rất vui khi nghe tin tôi chết!
1830
8.
NGƯỜI TÙ
Hãy mở cửa, mở cửa,
Cho tôi thấy ban ngày,
Cô gái mắt đen nhánh,
Con ngựa phi như bay.
Nhưng cửa tù vẫn đóng,
Cửa sổ chắc và cao,
Cô gái mắt đen nhánh
Vẫn ở tận nơi nào.
Con ngựa thì gặm cỏ
Nhởn nhơ trên cánh đồng,
Không yên cương, chạy nhảy,
Vung chiếc đuôi dày lông.
Còn tôi, thân tù ngục,
Bốn bức tường trống trơn.
Chiếc đèn con le lói
Thứ ánh sáng chập chờn.
Chỉ bên ngoài nghe rõ
Đều đều tiếng bước chân
Của người lính gác ngục,
Hêt xa rồi lại gần.
1837
9.
GỬI...
Anh và em lại gặp nhau, thời gian,
Vâng, thời gian làm ta thay đổi quá.
Nhiều tháng năm đã lặng lẽ trôi qua
Theo dòng chảy chán chường, không vội vã.
Anh cố tìm ngọn lửa trong mắt em,
Trong tim em - sự bồi hồi xúc động.
Chao, cả em, và cả anh, chúng ta
Đều đã chết trong cuộc đời trống rỗng.
1929
10.
GỬI D.
Nước Nga này tôi đã đi gần hết,
Như một anh lạc lõng giữa loài người.
Đâu cũng thấy toàn âm mưu, rắn rết,
Nghĩ từ nay không có bạn trên đời.
Không tình bạn luôn chân thành, ngay thẳng
Không thơ ngây lời nói hoặc ánh nhìn
Nhưng gặp anh, món quà trời ban tặng,
Tôi dần dần lấy lại được niềm tin.
Tôi yêu anh, mối cảm tình thân thiết,
Ta chuyện trò vui vẻ, chẳng thờ ơ.
Với phụ nữ, xinh tươi và xảo quyệt,
Tôi không yêu, không tin nữa bao giờ!
1829
11.
THƠ VIẾT TRÊN BIA MỘ
Là một người hồn nhiên, yêu tự do,
Anh ta sống luôn sục sôi, mãnh liệt.
Về cái đẹp con người và thiên nhiên,
Anh ta yêu và nhiều khi đã viết.
Anh ta tin vào tình bạn, tình yêu,
Tin bùa phép, lời tiên tri dối trá.
Những năm tháng tốt nhất của đời mình
Anh ta trao những đam mê kỳ lạ.
Trong anh ta quả thật có rất nhiều
Lòng xúc động, tình yêu và nỗi khổ.
Anh ta sinh không phải để giống người.
Giờ đã chết, và nơi đây là mộ.
1830
12.
LỜI CẦU CỦA TÔI
Tôi cầu mong không bị bắn phanh thây,
Không bị yêu bởi các nàng lọc lõi,
Hay các bà quá lãng mạn, thơ ngây.
Không bị bạn nuông chiều tôi quá tội.
1830
13.
GỬI S.
Anh quen em từ lâu, đã từ lâu
Nhưng chưa nghe trái tim em thổn thức.
Nụ cười em, phải nói, cũng rất tươi,
Nhưng tim anh vẫn giá băng trong ngực.
Thì đã sao? Chẳng sao. Lúc chia tay,
Quả lòng anh hơi ít nhiều bối rối.
Ồ không, không, không phải bởi buồn đau.
Anh không yêu, không yêu em, xin lỗi.
Thế mà giờ anh mong, dù một ngày,
Hay dù chỉ một giờ thôi cũng được,
Được gặp em, để đôi mắt em nhìn
Làm lòng anh lại thảnh thơi như trước.
1830
14.
KHÔNG MỘT AI...
Không một ai, không một ai, không ai
Làm dịu bớt nỗi đau này cháy bỏng.
Yêu? Tôi yêu không ít - đã ba lần.
Ba lần yêu, và ba lần vô vọng!
1830
15.
GỬI...
(Sau khi đọc cuốn Tiểu sử Byron của Moor)
Tôi không nghĩ tôi đáng được đời thương,
Dù bây giờ thơ tôi buồn, quá tẻ.
Bao nỗi đau và dằn vặt đời thường
Chỉ báo trước sẽ còn đau hơn thế.
Tôi trẻ trung, còn đầy thơ trong đầu,
Tôi cũng muốn như Byron bồng bột.
Chúng tôi chung cả tâm hồn, cái đau,
Nếu số phận có cái chung, càng tốt.
Giống Byron, tôi khao khát tự do,
Cũng giống ông, tâm hồn tôi cháy bỏng.
Tôi yêu biển, yêu hoàng hôn sông hồ,
Yêu bão táp trên đất liền, trên sóng.
Cũng giống ông, tôi tìm kiếm bình yên
Nhưng vô ích, vật vờ như ma ám.
Tôi ngoái lại nhìn quá khứ - xạm đen.
Nhìn tương lai - một tương lai đen xạm!
1930
16.
NGƯỜI HÀNH KHẤT
Bên cổng chợ là một người hành khất
Đứng lặng im, xin bố thí suốt ngày.
Một ông lão vì đau buồn, đói, khát,
Mà thân hình khô héo giống cành cây.
Một mẩu bánh, ông chỉ xin mẩu bánh,
Đôi mắt sâu van nỉ, thật đau lòng.
Có ai đó đặt một hòn đá lạnh
Lên khô gầy, đen xạm cánh tay ông.
Anh cũng thế, anh cầu xin, van vỉ
Chút tình yêu em ban tặng, thế mà
Như ông lão chìa tay xin bố thí,
Anh bị lừa, thật trơ trẽn, xót xa.
1830
17.
GỬI...
Rằng tôi hèn, tôi ngu - xin đừng nói!
Cuộc đời tôi, dẫu chỉ mới bắt đầu,
Quá đau đớn, vậy thì xin được hỏi:
Đến mức nào đau đớn ở phần sau?
1830
18.
KHÔNG ÍT KHI...
Không ít khi người ta làm tôi khổ
Và làm tôi rất khó chịu, đó là
Tôi tha thứ rất nhiều điều cho họ,
Cái, phần mình, chắc chắn họ không tha.
Rồi cuộc đời cứ nhằm tôi mai phục,
Đánh rất đau, rất vô cớ, rất hèn.
Tôi thành người lạnh lùng, không cảm xúc.
Đó là điều tôi rất tiếc, tất nhiên.
Và từ đó, mặt nhâng nhâng, buồn bã,
Tôi giao du với họ, thế mà rồi
Tôi nhìn đâu và gặp ai, thật lạ,
Ai cũng cười, vồn vã đón chào tôi!
1830
19.
THƠ GỬI MỘT NGƯỜI ĐẸP NGU NGỐC
Xưa một lần thần Tình Yêu hỏi tôi
Có muốn uống thứ rượu thần dịu ngọt?
Dẫu còn nhỏ, và lúc ây chưa yêu,
Tôi vẫn uống, đến không còn một giọt.
Giờ thì tôi muốn uống nó giải buồn
Và làm mát đôi môi tôi cháy bỏng,
Chỉ đơn giản vì cốc rượu tình yêu
Cũng vớ vẩn như đầu cô trống rỗng!
1830
20.
XIN BẠN HÃY NHỚ TÔI...
Khi tôi bị tù tội,
Xin bạn hãy nhớ tôi,
Cô đơn, khát và đói
Nơi lưu đày xa xôi.
Mong một ngày nào đó
Trước ngọn nến màu hồng
Bạn ngồi bên cửa sổ,
Nước mắt chảy thành dòng,
Rồi thở dài, bạn nghĩ:
Anh ta từng ngồi đây,
Chờ Số Phận quyết định
Cuộc đời mình sau này.
1831
21.
TÔI KHÔNG PHẢI LÀ BYRON
Tôi không phải là Byron, tôi khác.
Tôi - một anh được trời chọn, khác người.
Dẫu tâm hồn rất Nga, tôi cũng thế
Bị cuộc đời xua đuổi, chạy khắp nơi.
Bắt đầu sớm, tất nhiên, tôi chết sớm,
Với cái đầu cũng có chút long lanh.
Trái tim tôi, như đại dương, đang chứa
Bao ước mơ đã bị đánh tan tành.
Ai hiểu được đại dương luôn bí ẩn?
Và liệu ai có đủ sức, đủ tài
Để hiểu hết những gì tôi suy nghĩ?
Tôi là Thần, hoặc giả, chẳng là ai!
1832
22.
CỐC ĐỜI
Với hai mắt nhắm tịt,
Chúng ta uống cốc đời.
Lên mép vàng của nó,
Ta để nước mắt rơi.
Rồi chiếc băng bịt mắt
Trước khi chết vứt đi,
Bao nhiêu điều tưởng đẹp,
Ta thấy chẳng còn gì.
Giật mình, ta cũng thấy
Cốc đời rỗng, hóa ra
Ta chỉ uống mơ ước,
Mơ ước không của ta!
1831
23.
GỬI L.
(Bắt chước Byron)
1
Quì bên gối người khác,
Anh thấy mắt em nhìn
Yêu người khác, anh nhớ
Người anh từng yêu, tin.
Trí nhớ, con quỉ dữ,
Cứ làm ta yếu mềm
Và rồi anh nhắc mãi:
Anh yêu em, yêu em!
2
Giờ em của người khác,
Em quên anh từ lâu.
Mơ ước bắt xa xứ,
Đi tận đâu, tận đâu.
Đời bắt anh phiêu dạt,
Sóng gió thế là nhiều,
Sóng biển theo anh, nhắc:
Anh yêu em, anh yêu...
3
Ai được yêu nhiều quá,
Sẽ không nghe tiếng đời.
Bao năm anh đau khổ
Vì trí nhớ con người.
Hễ lúc nào bới lục
Chuyện xưa, đẹp, êm đềm,
Trái tim anh lại nhắc:
Anh yêu em, yêu em!
1831
24.
CÓ THỂ TIN...
Có thể tin: chỉ là mơ - hy vọng,
Cái buồn đau có thể lại tốt lành.
Nhưng đừng tin những lời khen sáo rỗng,
Mà hãy tin vào tình yêu của anh.
Vì không thể không tin anh: giả dối
Để lừa em, anh quả thấy không cần,
Không những thế, đó là điều tội lỗi:
Em thơ ngây, trong trắng tựa thiên thần!
1831
25.
GỬI...
Em quá tốt nên không làm việc xấu,
Không được yêu vì quá đỗi dịu dàng.
Để hạnh phúc, em hy sinh tất cả,
Thế mà rồi hạnh phúc cứ đi ngang.
Vâng, Số Phận không cho ai trọn vẹn.
Em nhìn kia, con sông chảy rất hiền.
Hoa nở rộ trên hai bờ, mà đáy,
Đáy lúc nào cũng giá lạnh bùn đen!
1831
26.
ĐÃ ĐẾN LÚC...
Đã đến lúc nên chết,
Tôi sống thế đủ rồi.
Sống vừa yêu vừa ghét,
Đời luôn dối lừa tôi.
1831
27.
CỨ ĐỂ TÔI...
Cứ để tôi yêu ai đó,
Dẫu yêu cũng chẳng ích gì.
Tình yêu như chiếc mụn nhỏ
Trong tim, nhức nhối, đen xì.
Tôi sống bằng cái người khác
Cho là điên loạn, đáng khinh.
Thế giới thần tiên, tọa lạc,
Tôi sống cô đơn, một mình.
1831
28.
TÔI ĐƯỢC SINH...
Tôi được sinh, chắc chắn,
Không để thành thiên thần.
Hơn ai hết, Chúa biết
Sao tôi buồn, than thân.
Trong tôi, con quỉ nhỏ
Rất kiêu, rất khinh đời.
Như tôi, nó lạc lõng
Giữa loài người và trời.
Đọc thơ tôi thì biết,
Giữa con quỉ và tôi,
Hãy tin: tuy khác đấy,
Nhưng chỉ một mà thôi.
1831
29.
TÂM HỒN ANH...
Tâm hồn anh giá lạnh
Em đang ôm vào lòng.
Em hãy gật lấy nó,
Vứt thật xa, được không?
Dẫu vậy, nó sùng kính
Thờ em như vị thần.
Cứu anh - không phải Chúa,
Mà em, một người trần.
1831
30.
THOÁNG TRONG ĐẦU...
Thoáng trong đầu điểm lại
Những gì đã trải qua,
Tôi không tiếc quá khứ -
Nó buồn và nhạt nhòa.
Cũng thế, như hiện tại,
Đầy đam mê cuồng ngông,
Bị cái ác lôi cuốn
Như bão tuyết ngoài đồng.
Yêu, không được yêu lại,
Dẫu thấp thỏm đợi chờ.
Khi nói về tình ái,
Tức là tôi ước mơ.
Như sao băng lóe sáng,
Tình yêu đến, và rồi,
Hệt như mọi cái khác,
Đến chỉ để lừa tôi.
1831
31.
TẶNG O. S
Tôi muốn nói nhiều điều khi chưa gặp,
Nhưng gặp bà, tôi chỉ biết ngồi nghe.
Bà lặng lẽ, luôn nhìn tôi nghiêm khắc,
Khiến tôi im, không dấu hết vụng về.
Biết làm sao? Tôi biết bà không thích
Lắng nghe tôi muốn nói biết bao điều.
Chuyện chỉ thế, thật ngô nghê, lố bịch,
Nếu không buồn, không bối rối vì yêu!
1840

BƯỞI ĐOAN HÙNG

Ngọt thơm bưởi Đoan Hùng

 Đời sống

(PL+) - "Bưởi Sửu Chí Đám có tự bao giờ,chẳng ai rõ. Chỉ biết rằng, người đầu tiên đưa giống bưởi này về Chí Đám ươm mầm tên là Sửu" ông Hậu chia sẻ.


Cây bưởi Đoan Hùng không cao to như giống bưởi thường, mà thấp là là mặt đất, người cao có thể với tay hái quả được. Vỏ quả không nhẵn bóng mà vàng ươm một màu. Đó là cái màu vàng tươi ánh lên ấm áp từ những tán lá màu xanh.
Quả bưởi không quá to mà chỉ nhỉnh hơn bát con một chút. Khi bổ trái bưởi, chưa đưa ngập lưỡi dao người ta đã thấy lõi bưởi rồi vì vỏ bưởi mỏng, cùi bưởi không dày như nhiều giống bưởi quê khác. Bên trong lõi, múi bưởi đều chằn chặn, dài tựa như lược chải đầu, cong cong khum khum. Tôm bưởi căng mọng nhưng không nhão như giống bưởi khác.
Bưởi Đoan Hùng được Nhà nước công nhận thương hiệu từ năm 2010.
Bưởi Đoan Hùng được Nhà nước công nhận thương hiệu từ năm 2010.
 Bưởi Đoan Hùng ăn ngọt, cái vị ngọt không quá gắt mà ngọt thanh, ngọt mát. Từ lâu, bưởi Đoan Hùng đã trở thành một món quà quê không thể thiếu ở miền quê trung du này.
Chia sẻ với PV Pháp Luật Plus, ông Nguyễn Đức Hậu - Chủ tịch Hội nông dân xã Chí Đám - Đoan Hùng cho biết: "Hiện tại, trên đất Đoan Hùng có nhiều giống bưởi khác nhau như: bưởi Sửu (Chí Đám), bưởi Xuân Vân, bưởi Diễn và bưởi Hải Lĩnh (Quế Lâm và Bằng Luân). Tuy nhiên, mỗi loại bưởi có những đặc tính khác nhau. 
Trên địa bàn xã Chí Đám chủ yếu trồng loại bưởi Sửu, là giống bưởi có lâu đời đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bởi giá một quả bưởi Sửu trung bình từ 50 - 70.000/1 quả bằng giá 3 quả bưởi khác cùng trồng trên đất Đoan Hùng.
Cũng theo ông Hậu, "bưởi Sửu - Chí Đám có tự bao giờ, không ai rõ. Chỉ biết rằng, người đầu tiên đưa giống bưởi này về Chí Đám ươm mầm tên là Sửu. Cái tên bưởi Sửu có lẽ bắt nguồn từ đây. Sau bao năm thăng trầm, cây bưởi tổ bị già cỗi, nay cũng không còn.
Đến năm 2003, UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện dự án phục tráng lại giống bưởi Sửu là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân Đoan Hùng. Đặc biệt, đến năm 2010 nhà nước khôi phục lại giống bưởi Sửu và trở thành thương hiệu bưởi Đoan Hùng từ đó. 
Bưởi Sửu bóc ra rất dóc, có thể để khoảng 5 - 6 tháng vẫn không bị hỏng. Miếng bưởi mọng nước, không có vị he như giống bưởi khác.
Bưởi Sửu bóc ra rất dóc, có thể để khoảng 5 - 6 tháng vẫn không bị hỏng. Miếng bưởi mọng nước, không có vị he như giống bưởi khác.
Theo ông Nguyễn Đức Hoạch - nguyên trưởng thôn 2 - Chí Đám chia sẻ: "Bưởi Sửu dễ trồng nhưng khó thành công, bởi loại cây này vô cùng mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh. Giống bưởi này khó tính như gái đẻ vậy".
“Đặc biệt, bưởi ra hoa mà trời âm u, không có nắng, tỷ lệ đậu quả không cao. Còn nếu gặp trời mưa dầm dề, hoa bị thối rồi trút sạch”, ông Hoạch cho biết thêm.
Cũng theo ông Hoạch: "Cách duy nhất để khắc phục là cắt tỉa cành, tạo tán để ánh nắng có thể xuyên qua tránh việc hoa bị mốc cũng như nấm bệnh trên cây. Để bưởi ngon, năng suất cao, người trồng còn áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung. Đó là dùng phấn của loại bưởi chua thụ cho hoa của bưởi Sửu. Chất lượng của bưởi Sửu không bị ảnh hưởng mà còn tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, người trồng chỉ mong 1 vạn hoa cho đậu 100 quả là đạt lắm rồi".
"Số vốn bỏ ra chỉ bằng 1/10 thu về, năm nào sai quả một cây có thể thu được 14 triệu. Tính ra mỗi vụ nhà tôi lãi được khoảng 80 - 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình vẫn có thể làm những công việc khác, nuôi con cái ăn học đại học mà không phải quá lo lắng đến kinh tế", ông Hoạch kể.
Giống bưởi Sửu ở Chí Đám thường thu hoạch vào trung tuần tháng 11 âm, lúc đó bưởi đã chín già, mọng nước mà có thể để đến tận tháng 5, tháng 6 năm sau quả vẫn tươi mọng, tỏa thơm ngát. Bổ ra, từng tép vẫn căng mọng, ngọt mát. 
Thu Hường

AI RỒI CŨNG NUỐI TIẾC

Ai rồi cũng sẽ đôi lần tiếc nuối vì chẳng còn bao nhiêu thời gian được sống bên cha mẹ

Một khảo sát ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng: Nếu mỗi năm bạn về nhà 2 lần, mỗi lần 4 ngày, thì dù trừ đi khoảng thời gian xã giao với bạn bè, ăn ngủ, vui chơi..., mỗi lần về thăm chỉ còn 1 ngày ở bên bố mẹ. Vậy nếu bố mẹ còn sống khoảng 20-30 năm nữa thì bạn cũng chỉ ở bên họ 20-30 ngày nữa mà thôi.
Bố mẹ vẫn khỏe mạnh và bình yên cho đến một ngày chúng ta nhận được cú điện thoại bất ngờ
Ai cũng nói nhà là nơi để về, là chốn bình yên sau giông bão. Vì rằng ngoài kia có khổ sở ra sao, chỉ cần về với cha mẹ, bạn sẽ thấy mình được sống trong tình yêu thương chan chứa và hạnh phúc bình dị. Ở nơi đó, chúng ta đã từng ngày trưởng thành, khôn lớn. Và cũng từ đây, chúng ta bước vào đời để xây dựng bao mộng ước. Lúc còn nhỏ, con đi thì cha mẹ dẫn dắt và khi lớn lên, họ dần lùi về sau để ủng hộ, cổ vũ con cái mình.
Nhưng rồi nếu một ngày, khi căn nhà nhỏ ấy xảy ra sóng gió lớn, bạn sẽ nhận ra rằng, hóa ra ngay cả chốn bình yên nhất cũng không phải là mãi mãi, sẽ ở đó để mỗi khi mệt mỏi, bạn đều có thể tự do quay về.
Mỗi độ tuổi, chúng ta dường như lại có những mối bận tâm khác nhau. Cha mẹ với ta thuở nhỏ từng như một nhưng khi lớn lên, tình yêu lớn nhất chúng ta trao đi lại không phải chỉ riêng họ. Chúng ta yêu người yêu, yêu chồng/vợ, yêu con… và tình yêu với cha mẹ dần như bị chìm lắng, lùi bước về sau nhiều hơn.
Ai lớn lên rồi có lẽ đều hiểu, giờ đây, họ đã có quá nhiều mối bận tâm khác ngoài cha mẹ. Những cuộc tranh cãi với người yêu, nỗi đau sau lần chia tay, chuyện bầu bán ở cơ quan hay vấp ngã trong sự nghiệp… đôi khi làm chúng ta quên mất rằng, thế giới của chúng ta có rất nhiều thứ còn người già, họ chỉ còn lại con cháu.
Mẹ tôi cũng vậy. Những năm gần đây khi đã già, ngày nào bà cũng mong tôi về thăm. Mỗi dịp cuối tuần, mẹ tôi hay gọi điện hỏi xem tôi có về quê không nhưng thường vì công việc bận rộn, tôi hay phải khước từ lời đề nghị ấy. Mặc dù nó đơn giản, và Hà Nội chỉ cách quê tôi dăm tiếng đi xe máy.
Trước khi mẹ tôi bị ngã vì đột quỵ tăng huyết áp, không biết linh cảm nào đã khiến bà thường xuyên gọi điện cho tôi, giục tôi mau mau trở về… Nhưng tôi vẫn nghĩ là: À, cả nhà vẫn bình yên, đợi đến cuối tuần, tôi sẽ về thăm… Thật không ngờ, suy nghĩ đó và lần từ chối sau cùng ấy đã khiến tôi trượt mất cơ hội gặp mẹ mình lúc bà còn khỏe mạnh, hai chân vẫn đi lại và đủ khả năng nói chuyện bình thường.
Lỡ cơ hội về nhà, giờ đây ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cứ đến 5h sáng, tôi và rất nhiều người khác đều bận rộn vào lau rửa cho bệnh nhân nằm ở khoa gây mê hồi sức. Nhiều người nằm lâu ở đây đều từng trải qua những cơn tai biến nặng nề. Căn bệnh ấy phát triển chậm chạp nhưng khi nó xảy ra thì vô cùng đột ngột. Hôm trước, mẹ tôi và người thân của họ vẫn còn khỏe mạnh, chỉ sau một giấc ngủ hay cú trượt chân, tất cả phải nằm lại khu hồi sức. Có người đã ở đây rất lâu và vẫn không biết bao giờ sẽ rời đi, hoặc không thể!
Mẹ tôi nằm đó, trên người mắc một đống dây rợ kết nối với máy móc. Nào là máy trợ thở, đo nhịp tim, huyết áp, mạch đập, ống xông ăn, dẫn nước tiểu, máy tiêm, ống truyền thuốc lên ngực… Mỗi ngày, mẹ tôi phải dùng rất nhiều loại thuốc. Sau cơn tai biến, mẹ tôi nằm một chỗ, đau đớn từng phút giây. Khi tỉnh lại, ngày nào bà cũng khóc. Mỗi lần tôi vào thăm, dù mẹ tôi nhắm hay mở mắt thì giọt lệ đều nhòe ướt hết gương mặt.
Mẹ tôi không nói được, thân thể đau đớn không phải chỉ vì tổn thương từ vết mổ, trong vùng não bộ mà còn ở phổi, ở mũi, ở khắp cơ thể khi phải nằm mãi một chỗ và dùng các loại kháng sinh liều cao, máy trợ thở cắm vào tận khí quản… Và nỗi buồn ập đến thật ghê gớm khi mẹ tôi biết rõ mình đang ở tình thế vô cùng nguy kịch. Hết giờ người nhà vào thăm, đôi tay mẹ thường nắm tay tôi lâu thật lâu, muốn giữ con gái ở lại bên mình nhưng không thể, vì đây là phòng cách ly.
Trước đây tôi từng nghe nhiều về tai biến mạch máu não nhưng không nghĩ là điều ấy sẽ xảy ra với người thân của mình, càng không hiểu được cảm giác khi có mẹ nằm trong viện, ở tình thế nguy kịch như thế lòng mình đau đến nhường nào! Nhưng tôi biết là mình không được khóc. Vì nếu tôi khóc, một người ngã, sợ là mẹ tôi và người thân bên cạnh càng dễ gục ngã hơn.
Và rồi trong lúc mẹ tôi nằm đó, tôi cũng chẳng thể kề cận bà 24/24 giờ. Phần vì áp lực công việc bên ngoài, phần vì bệnh viện cách ly tất cả người thân để bệnh nhân có thời gian nghỉ ngơi, chống nhiễm khuẩn… Hóa ra, thời gian để tôi ở bên mẹ mình lại hữu hạn đến như thế! Ngay cả lúc bà đang cần người thân nhất, yếu đuối, đau khổ nhất, tôi và các anh chị cũng chỉ biết nói với nhau một câu quen thuộc: Chúng tôi đã chẳng biết làm cách gì, như thế nào và ra sao để giúp mẹ thấy mình tốt hơn.
Tôi trò chuyện với những người bên cạnh. Tất cả họ cũng giống như tôi, đều suy sụp tinh thần chỉ sau một cú điện thoại bất ngờ. Có một anh trai phải từ Sài Gòn trở về Hà Tĩnh đưa mẹ đến Bạch Mai cấp cứu. Lúc mẹ còn khỏe, vì bận việc, 1-2 năm anh mới về thăm nhà. Giờ đây trong bệnh viện, tôi và rất nhiều người khác đều hối tiếc vì sao khi cha mẹ còn khỏe, chúng tôi lại ít khi về thăm họ? Nỗi bận rộn cuộc sống cùng chuyện cơm áo gạo tiền đã dẫn chúng tôi đi đâu để rồi lại quên mất cả ngôi nhà bình yên nhất trong đời?
Trong cuốn sổ cầm tay của anh trai Sài Gòn ấy có một câu khiến tôi bật khóc: “Khi cha mẹ còn, nhà là nơi để về nhưng khi cha mẹ mất, bạn chỉ còn nơi để đến…”. Nghĩ tới tương lai, tôi thấy sợ hãi và cũng sợ đọc được những câu triết lý xa xôi ấy (tôi từng nghĩ nó là sách vở và sẽ là xa xôi). Thấy tôi buồn, anh trai nọ gấp vội cuốn sổ và lặng lẽ rời đi. Giống như tôi, anh ấy cũng buồn vì lo cho mẹ. Tất cả người nhà đều thấp thỏm chờ đến 5h sáng để gặp người thân. Trong số họ, nhiều người đã có gia đình, con cái nhưng có những người đang là học sinh, sinh viên… Vậy mà ai cũng buồn vì khi mẹ còn khỏe, họ đã dành cho bà quá ít nỗi bận tâm.
Đời này, chúng ta còn có thể về thăm cha mẹ được bao lần?
Một khảo sát ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng, nếu mỗi năm bạn về nhà 2 lần, mỗi lần 4 ngày. Trừ đi khoảng thời gian xã giao với bạn bè, ăn ngủ… mỗi lần về thăm nhà chỉ còn 1 ngày ở bên bố mẹ. Vậy nếu bố mẹ còn sống khoảng 20-30 năm nữa thì bạn cũng chỉ ở bên họ 20-30 ngày nữa. Thực tế, khoảng thời gian này có thể ngắn hơn rất nhiều bởi vì bố mẹ bạn đang già đi và không ai dám nghĩ đến chuyện tương lai, họ còn có thể sống được bao lâu nữa?
Chúng ta thường đã để mẹ mình sống cô đơn quá lâu…
Còn có một phép tính khác khiến nhiều người sợ hãi hơn, đó là nếu mỗi năm bạn sống xa quê hương, chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì bạn cũng chỉ còn gặp họ thêm 20 lần.
Số thời gian ở bên cha mẹ hay ngay cả những lần gặp gỡ giờ đây đang dần có thể đếm rõ trên từng đầu ngón tay. Thời gian hữu hạn vô cùng và điều đáng tiếc nhất là không phải lần nào về thăm, cha mẹ cũng đều còn khỏe mạnh, ngồi trên ghế uống nước và nói với chúng ta đủ thứ chuyện.
Chẳng riêng gì tôi, có lẽ tất cả những người khác có cha mẹ đang già yếu đều thấy tim mình hẫng đi một nhịp khi nghĩ về tương lai. Cho đến khi mẹ tôi nằm viện, tôi mới hiểu rằng, lúc cha mẹ khỏe mạnh, đứng sau dõi theo mình trưởng thành, tôi đã từng hạnh phúc biết bao nhiêu!
Tôi nhớ đến một viện dưỡng lão ở Hà Đông (Hà Nội), nơi những người già tập trung sống cùng nhau. Cuộc sống ở đó bình yên nhưng tẻ nhạt vì các cụ cũng chẳng còn chuyện gì để nói với nhau. Có nhiều cụ bà nói rằng họ tự nguyện đề nghị con cái chu cấp để vào đây sinh sống lúc cuối đời nhưng rồi ai cũng buồn, mong được con cháu vào thăm thường xuyên… Lời đề nghị sống riêng ở viện dưỡng lão thực ra cũng chỉ là một sự hy sinh cuối cùng của những người mẹ mong con cái được sống tự do, thoải mái và bớt đi gánh nặng lo lắng cho họ.
Hóa ra cuộc sống là như thế. Chẳng có ai đủ sức ở bên cạnh cha mẹ suốt đời, chăm lo lại cho họ từng miếng ăn, giấc ngủ giống như người mẹ từng săn sóc chúng ta lúc còn nhỏ. Khi chúng ta dần lớn lên, trưởng thành, thì cha mẹ cũng đang già đi, yếu hơn và thời gian càng ngắn hạn. Làm thế nào để duy trì sức khỏe cho cha mẹ càng lâu càng tốt, để những năm tháng họ còn sống luôn khỏe mạnh, vui vầy bên con cháu… Đó là một câu hỏi đáng để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm.
Nếu chiều nay - Ngày của mẹ 13.5, bạn không thể về thăm nhà, hãy gọi điện cho bà và quay về bất cứ khi nào bạn có thể. Hãy trở về khi nhà là nơi để về, đừng để đến khi chỉ còn nơi để đến mới lại thấy hối tiếc vô vàn. Bởi một lẽ đương nhiên: Ở đó, vẫn còn những người mãi chờ đợi chúng ta.
Vương Phi