Trang

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

BƯỞI ĐOAN HÙNG

Ngọt thơm bưởi Đoan Hùng

 Đời sống

(PL+) - "Bưởi Sửu Chí Đám có tự bao giờ,chẳng ai rõ. Chỉ biết rằng, người đầu tiên đưa giống bưởi này về Chí Đám ươm mầm tên là Sửu" ông Hậu chia sẻ.


Cây bưởi Đoan Hùng không cao to như giống bưởi thường, mà thấp là là mặt đất, người cao có thể với tay hái quả được. Vỏ quả không nhẵn bóng mà vàng ươm một màu. Đó là cái màu vàng tươi ánh lên ấm áp từ những tán lá màu xanh.
Quả bưởi không quá to mà chỉ nhỉnh hơn bát con một chút. Khi bổ trái bưởi, chưa đưa ngập lưỡi dao người ta đã thấy lõi bưởi rồi vì vỏ bưởi mỏng, cùi bưởi không dày như nhiều giống bưởi quê khác. Bên trong lõi, múi bưởi đều chằn chặn, dài tựa như lược chải đầu, cong cong khum khum. Tôm bưởi căng mọng nhưng không nhão như giống bưởi khác.
Bưởi Đoan Hùng được Nhà nước công nhận thương hiệu từ năm 2010.
Bưởi Đoan Hùng được Nhà nước công nhận thương hiệu từ năm 2010.
 Bưởi Đoan Hùng ăn ngọt, cái vị ngọt không quá gắt mà ngọt thanh, ngọt mát. Từ lâu, bưởi Đoan Hùng đã trở thành một món quà quê không thể thiếu ở miền quê trung du này.
Chia sẻ với PV Pháp Luật Plus, ông Nguyễn Đức Hậu - Chủ tịch Hội nông dân xã Chí Đám - Đoan Hùng cho biết: "Hiện tại, trên đất Đoan Hùng có nhiều giống bưởi khác nhau như: bưởi Sửu (Chí Đám), bưởi Xuân Vân, bưởi Diễn và bưởi Hải Lĩnh (Quế Lâm và Bằng Luân). Tuy nhiên, mỗi loại bưởi có những đặc tính khác nhau. 
Trên địa bàn xã Chí Đám chủ yếu trồng loại bưởi Sửu, là giống bưởi có lâu đời đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bởi giá một quả bưởi Sửu trung bình từ 50 - 70.000/1 quả bằng giá 3 quả bưởi khác cùng trồng trên đất Đoan Hùng.
Cũng theo ông Hậu, "bưởi Sửu - Chí Đám có tự bao giờ, không ai rõ. Chỉ biết rằng, người đầu tiên đưa giống bưởi này về Chí Đám ươm mầm tên là Sửu. Cái tên bưởi Sửu có lẽ bắt nguồn từ đây. Sau bao năm thăng trầm, cây bưởi tổ bị già cỗi, nay cũng không còn.
Đến năm 2003, UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện dự án phục tráng lại giống bưởi Sửu là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân Đoan Hùng. Đặc biệt, đến năm 2010 nhà nước khôi phục lại giống bưởi Sửu và trở thành thương hiệu bưởi Đoan Hùng từ đó. 
Bưởi Sửu bóc ra rất dóc, có thể để khoảng 5 - 6 tháng vẫn không bị hỏng. Miếng bưởi mọng nước, không có vị he như giống bưởi khác.
Bưởi Sửu bóc ra rất dóc, có thể để khoảng 5 - 6 tháng vẫn không bị hỏng. Miếng bưởi mọng nước, không có vị he như giống bưởi khác.
Theo ông Nguyễn Đức Hoạch - nguyên trưởng thôn 2 - Chí Đám chia sẻ: "Bưởi Sửu dễ trồng nhưng khó thành công, bởi loại cây này vô cùng mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh. Giống bưởi này khó tính như gái đẻ vậy".
“Đặc biệt, bưởi ra hoa mà trời âm u, không có nắng, tỷ lệ đậu quả không cao. Còn nếu gặp trời mưa dầm dề, hoa bị thối rồi trút sạch”, ông Hoạch cho biết thêm.
Cũng theo ông Hoạch: "Cách duy nhất để khắc phục là cắt tỉa cành, tạo tán để ánh nắng có thể xuyên qua tránh việc hoa bị mốc cũng như nấm bệnh trên cây. Để bưởi ngon, năng suất cao, người trồng còn áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung. Đó là dùng phấn của loại bưởi chua thụ cho hoa của bưởi Sửu. Chất lượng của bưởi Sửu không bị ảnh hưởng mà còn tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, người trồng chỉ mong 1 vạn hoa cho đậu 100 quả là đạt lắm rồi".
"Số vốn bỏ ra chỉ bằng 1/10 thu về, năm nào sai quả một cây có thể thu được 14 triệu. Tính ra mỗi vụ nhà tôi lãi được khoảng 80 - 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình vẫn có thể làm những công việc khác, nuôi con cái ăn học đại học mà không phải quá lo lắng đến kinh tế", ông Hoạch kể.
Giống bưởi Sửu ở Chí Đám thường thu hoạch vào trung tuần tháng 11 âm, lúc đó bưởi đã chín già, mọng nước mà có thể để đến tận tháng 5, tháng 6 năm sau quả vẫn tươi mọng, tỏa thơm ngát. Bổ ra, từng tép vẫn căng mọng, ngọt mát. 
Thu Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]