Bến xuân và Đàn chim Việt

Trong lịch sử vốn dĩ chứa đựng rất nhiều điều kỳ lạ (hay kỳ dị) của nền âm nhạc Việt nam hiện đại, cặp đôi bài hát “Bến xuân” và “Đàn chim Việt” của nhạc sĩ Văn Cao nổi lên như một điều kỳ lạ ít thấy, bởi hiếm khi có nhạc sĩ nào lại sáng tác hai bài hát (hoặc nói như bây giờ là hai phiên bản) có cuộc sống riêng rẽ trên cùng một nền nhạc.
Những người nghe của miền Bắc xhcn từ thế hệ 60’s về sau thường chỉ được nghe bài hát “Đàn chim Việt” mà ít được biết tới bài hát “Bến xuân” và mãi sau này, khoảng cuối những năm 90’s mới được biết tới bài hát này qua giọng hát của ca sĩ Cao Minh. Chất giọng và cách thể hiện rất truyền cảm của người ca sĩ kiêm giáo viên thanh nhạc Cao Minh đã góp phần không nhỏ trong việc đưa bài hát đến với trái tim người nghe và cho đến bây giờ Cao Minh vẫn được số đông đánh giá là người thể hiện bài hát này hay nhất. Chỉ tiếc một điều là khi tìm hiểu kỹ về bài hát, người nghe mới nhận thấy Cao Minh hát sai lời khá nhiều, đó là những hạt sạn không đáng có làm ảnh hưởng đến cảm xúc khi nghe “Bến xuân”.
Lời I
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua.
Lời II:
Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hòa
Chim reo thương nhớ, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân.
(Điệp khúc)
 “Bến Xuân” được Văn Cao viết năm 1942 khi ông mới 19 tuổi, và được NXB Tinh Hoa ấn hành cùng năm đó với lời ghi “nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy”. Sau này Văn Cao đã đặt thêm một lời nữa như là một bài hát khác, lấy tên mới là “Đàn chim Việt”.
Nói về bài hát “Bến xuân”, trong bài viết “Đàn chim Việt -Văn Cao” trên trang điện tử “Bài ca đi cùng năm tháng”, tác giả  Hà Đình Nguyên đã viết:
“Bến xuân” có lẽ là một trong những bản tình ca đẹp nhất của người nghệ sĩ tài danh này. Và cũng là tác phẩm đỉnh cao nhất của thời kỳ âm nhạc lãng mạn Việt Nam.
Bến xuân của Văn Cao là quê hương yêu dấu. Là những điều giản dị rất mực, nhưng lại thiêng liêng rất mực.
Người nghệ sĩ lớn thì không bao giờ cao giọng. Văn Cao không nói về tình yêu, không giảng giải về tình yêu. “Bến xuân”, đơn giản, đã là bản thân tình yêu rồi”.
Về sự ra đời của bài hát này, phần dẫn nhập cho bài hát “Đàn chim Việt” có ghi lại lời nhạc sĩ Văn Cao đã nói: “Tôi yêu một người con gái … mà tôi không ngỏ lời với người ta … Nhưng mà họ hiểu, và họ tới với tôi … thành ra nó mới có cái chuyện là em đến tôi một lần … thì cái đó là một cái mối tình câm … mà rồi để lại cho cuộc đời mình thành một bài hát. Thế thôi! Không có cái gì nữa.”
Theo tác giả  Hà Đình Nguyên thì: “Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, nữ ca sĩ ở Hải Phòng (sau này trong miền Nam cũng có nữ ca sĩ Hoàng Oanh hiện ở hải ngoại, không phải Hoàng Oanh trong bài viết). Nhưng tại sao nhạc sĩ Văn Cao yêu mà không dám nói? Là bởi con tim của nhạc sĩ “chậm xao động” hơn hai ông bạn thân. Biết được cả Kim Tiêu lẫn Hoàng Quý đều đem lòng yêu thương Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ trẻ đành nín lặng, ôm mối tình đơn phương…
Tuy thế, sau những lần gặp gỡ, qua ánh mắt, nụ cười nàng đã hiểu tấm chân tình của chàng. Rồi một hôm, Văn Cao đang ở Bến Ngự (Hải Phòng) thì nàng tìm đến. Không chỉ thăm suông mà nàng còn ngồi làm mẫu cho chàng vẽ (Văn Cao còn là một nhà thơ kiêm họa sĩ), rồi ân cần ngồi quạt cho chàng sáng tác nhạc…
Có thể nói ca khúc Bến xuân không chỉ là một bài hát làm xuyến xao lòng người mà còn là một bức tranh hết sức sống động, một bài thơ với những ca từ đầy biểu cảm. Tóm lại cả ba năng khiếu (thơ, nhạc, họa) tài hoa của Văn Cao đều dồn vào Bến xuân”. (….)
Nàng đến thăm chàng một lần, rồi… thôi, chừng đó cũng đủ hiểu lòng nhau và đã quá lãng mạn”.
(Hà Đình Nguyên, trên trang Bài ca đi cùng năm tháng)
Trong một bài viết khác trên trang điện tử Việt nam thư quán, ký giả Lô Răng viết: “Được biết người đẹp Hoàng Oanh sau đó đã lên xe hoa, về làm vợ một nhạc sĩ rất tiếng tăm thời ấy cũng ở Hải Phòng, bỏ lại Văn Cao, bỏ lại căn nhà “bên chiếc cầu soi nước”. Nhưng hồng nhan đa truân, người đẹp Hoàng Oanh vui duyên mới đâu được vài năm, người chồng nhạc sĩ tài danh vắn số kia tạ thế. Hoàng Oanh trở thành một góa phụ đa cảm đa sầụ Chiến tranh toàn quốc, người thiếu phụ đi theo ban ca kịch, đi kháng chiến để phần nào nguôi quên sầu muộn”.
Theo ký giả Lô Răng kể lại thì nhạc sĩ Văn Cao đã nói với ông trong một lần gặp ở Việt trì năm 1947 rằng: “Đến một lúc nào đó, con người phải quay về với nội tâm mình, có lẽ thời kỳ đó đối với tôi là thời kỳ thơ, thời kỳ họa. Với lại về nhạc, dạo này có một người bạn tôi, mới sáng tác nhưng anh ta có một sensibilité kỳ lạ (tôi còn nhớ nguyên chữ sensibilité được nói rất trang trọng của Văn Cao)”. Người bạn ấy chính là nhạc sĩ Phạm Duy.
Chi tiết này cùng với nhiều tài liệu khác, khi thì nói hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy kết thân với nhau năm 1942, khi thì nói năm 1944 (bài Bến xuân được sáng tác năm 1942), cùng với việc nhạc sĩ Văn Cao đã từng có lời đề tặng trên đầu bài hát “Buồn tàn thu” : “Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn”, bởi khi đó nhạc sĩ Phạm Duy vẫn đang trong thời kỳ Du ca như một kẻ hát rong, là những căn cứ để nhiều người nghĩ rằng chuyện ghi tên tác giả Bến xuân là Văn Cao – Phạm Duy có cái gì đó khá tương đồng với chuyện những bài hát ghi tác giả là Đoàn Chuẩn – Từ Linh.
Một điều không khó đoán là một bài hát tình cảm lãng mạn như Bến xuân, dù có hay đến đâu chăng nữa mà không có tính giai cấptính chiến đấu thì hẳn sẽ không có đất sống trên chiến khu thời chống Pháp (và cả trên miền Bắc XHCN sau này). Bởi thế, có lẽ vì tiếc cho một giai điệu đẹp, ghi dấu bao kỷ niệm mà phải chịu cảnh tắt tiếng nên hồi đó nhạc sĩ Văn Cao đã phải đặt thêm một lời hát nữa trên nền nhạc xưa cho hợp với đất sống mới, để mong cho Bến xuân không bị chìm vào quên lãng chăng?
Nghe bài hát “Đàn chim Việt”,  có cảm giác hình như dù nhạc sĩ đã cố gắng đưa vào lời ca một chút tính lịch sửtính dân tộc thì bài hát vẫn mang nặng một nỗi niềm hoài niệm và rõ nhất là đoạn điệp khúc, chỉ sửa đôi chút để mong cố giữ lại câu hát có tiếng oanh ca:
Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô
Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca …
Mờ mờ trong nắng ven trời
Chim reo thương nhớ chim ngân xa …
Hồn còn vương vấn về xưa
Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế
Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân
Chim đang bay qua Bắc sang Trung
Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa.
Như đã nói, cặp đôi bài hát “Bến xuân” và “Đàn chim Việt” là một điều kỳ lạ ít thấy trong âm nhạc Việt. Và cả cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao cũng mang nhiều điều kỳ lạ có thể nói là chưa từng đâu có.
Không hẳn là vì ông có quá nhiều tài. Ít nhất cũng có một người nữa đa tài như ông, đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với bài hát “Người Hà nội” nổi tiếng, tác giả của bài thơ “Đất nước” nổi tiếng cùng rất nhiều thơ, nhạc, kịch, tiểu thuyết v.v… khác.
Không hẳn vì ông đã từng tham gia cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, rồi tham gia kháng chiến suốt 9 năm, mà rồi sau đó phải sống trong cảnh bần hàn, khổ sở về mọi mặt đến tận gần cuối đời, như một tên tù giam lỏng (mà không có án) vì bị quy là kẻ chống đối. Rất nhiều người khác đã cống hiến, đã hy sinh để có ngày miền Bắc XHCN được sinh ra và sau vụ Nhân văn – Giai phẩm đã trở thành phần tử phản động, được cho sống thêm (trong kỳ thị) là nhờ sự ban ơn và khoan hồng, như ông.
Không hẳn vì ông là tác giả duy nhất trên thế giới vừa bị coi là một kẻ phản động đáng lên án, lại vừa thấy bài hát của mình được dùng làm Quốc ca suốt chiều dài lịch sử cho tới nay (dù người ta rất muốn thay, và đã từng định thay).
Chỉ chắc chắn một điều là những cái kỳ lạ ấy là những thứ chẳng ai mong muốn.
Tháng 8/2012