Trang

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

VỀ MỘT BÀI THƠ CÓ NHIỀU DỊ BẢN



VỀ MỘT BÀI THƠ BỐN CÂU VỚI NHIỀU DỊ BẢN


          Nhưng vấn đề là với bài thơ 4 câu bài thơ duy nhất của Lê Bá Dương hiện nay có khá nhiều dị bản kể cả khi nó được khắc rất trang trọng trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua.
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
          Đấy là bài thơ bốn câu của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh nhà báo Lê Bá Dương:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Trước hết nói một chút về tác giả.
          Anh Lê Bá Dương hiện nay là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là nhà báo phóng viên thường trú của báo Văn Hoá tại Nha Trang. Quê chính của anh ở Nghệ An nhập ngũ năm 15 tuổi và ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973 qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị anh đã được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ dũng sỹ diệt cơ giới dũng sỹ diệt máy bay… và người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên người ấy cũng đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương chồng vết thương việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành. Hồi ấy trên mặt trận B5 (đường 9 Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dươngg chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân Quân Đội Nhân Dân Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Hồi ấy chiến trường Quảng Trị mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm hồi ấy máu và lửa xác ta và xác địch lộn tùng phèo đất đá không đủ để che quân...
          Bây giờ ở Quảng Trị vào tháng 7 có một phong trào rất đẹp là toàn dân kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đã lặng lẽ chìm trong những ngày đỏ lửa hào hùng ấy. Nhưng trước khi nó thành phong trào như bây giờ vào hồi đang còn khó khăn nhất của thời bao cấp người cựu chiến binh Lê Bá Dương ấy đã dồn lương và nhuận bút mỗi năm làm một chuyến tàu chợ vào tháng 7 từ Nha Trang ra Quảng Trị anh mua hết hoa ở chợ Quảng Trị rồi mang ra sông thả. Ban đầu nhiều người ngạc nhiên có người còn bảo: ông khùng. Hàng chục năm như thế đến thời ông Vũ Trọng Kim làm bí thư thì ông mới phát động nó thành phong trào rầm rộ như ngày nay...
         

         Lê Bá Dương 
Trở lại bài thơ.
          Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987 sau khi thả hoa cho đồng đội anh ngồi lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn. Thanh bình quá thể vô tư quá thể nhưng ai biết ai nhớ dưới đáy sông kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu thơ vụt ra:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin xin đừng khuấy đục dòng trong.
          Sau này khi công bố trên Tạp chí Khoa học Công Nghệ Khánh Hòa năm 1990 nhà văn Đỗ Kim Cuông (giờ là vụ trưởng vụ văn nghệ Ban Tuyên Giáo Trung ương) khuyên anh sửa lại. Và bài thơ được hoàn chỉnh là:
Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
          Nhưng vấn đề là với bài thơ 4 câu bài thơ duy nhất của Lê Bá Dương hiện nay có khá nhiều dị bản kể cả khi nó được khắc rất trang trọng trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua.
          Trước hết là chữ “lên” phần lớn đều ghi là “Xuôi”. Xin thưa nếu “xuôi” thì không phải chèo mà chỉ “lái” thôi. Chèo đò và lái đò là hai động tác khác nhau. Tiếp đến là chữ “ơi” nhiều người dùng là “xin”. Bản thân Lê Bá Dương khi sửa từ "xin" thành “Ơi” là thán từ gọi đò – ơi đò… bớ đò…đò ơi theo đúng phương ngữ Quảng Trị nghe thắt thẻo và có tiếng đồng vọng lênh lan trên sóng nước. Thêm nữa ở bản gốc thì câu thứ 4 đã có từ "xin" rồi. Nhưng theo chúng tôi trong trường hợp này dùng “Xin” hay “ơi” cũng đều khả dĩ. Câu dưới dị bản mới nặng ấy là “còn đó” thành “còn có”. Chữ “còn đó” hay hơn mênh mang hơn phổ quát hơn mở hơn. Lê Bá Dương không phải nhà thơ chuyên nghiệp nhưng anh đã sử dụng chữ rất hợp lý và chính xác. Hai câu dưới thì có một dị bản là “bờ bãi” và “bờ mãi” thì theo chúng tôi dùng từ nào cũng được dẫu “mãi mãi” hay hơn vĩnh cửu hơn. “Bờ bãi” vừa cụ thể vừa hẹp chữ “bãi” như một từ láy phái sinh…
          Có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người đặc biệt là bài thơ còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương thả hoa cho đồng bào đồng đội vì vậy từ khi xuất hiện trên báo bài thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ  một vài  câu người khác nhớ cả  bài 4 câu nhưng thường thì mọi người nhớ và thuộc hai câu đầu trong cả bài thơ 4 câu… Và ngay cả 2 câu đầu đó cũng vẫn có vài từ khác nhau như đã dẫn. Chúng tôi thống kê có các dị bản như sau:
      Dị bản 1:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
      Dị bản 2 khác với DB1 ở từ ơi thay cho từ xin trong câu đầu
Đò xuôi Thach Hãn ơi  chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
      Dị bản 3 khác với dị bản 2 ở từ "Có" thay cho từ "Đó":
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn  bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...
      Cũng có bản từ hai mươi trong câu thứ 3 được đổi thành từ đôi mươi
Tuy nhiên không chỉ có dị bản. Xung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại.
          Do bài thơ là tiếng lòng lại  được viết và xuất hiện từ mảnh đất thiêng nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết đến. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí khách hàng tại Phú Yên còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ tên số điện thoại tác giả…Ngay cả tựa bài thơ “Lời người bên sông” cũng là một trong những giai thoại đó. Do là một cảm xúc được biểu đạt như một lời thỉnh cầu bởi vậy lúc đầu bài thơ không có tựa  đề cho dù chỉ là cái tựa “vô đề “ như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đưa bài thơ đi nhà in thấy  thiếu cái tựa bài liền gọi điện hỏi xem tựa bài thơ thế nào? Nghe hỏi vậy tác giả giải thích: Đó chỉ là lời người bên sông… Không ngờ người biên tập cứ nghĩ đó là câu trả lời của tác giả và thế là “lời người bên sông” bỗng thành tên bài thơ…
          Ngoài ra Lê Bá Dương còn một bài thơ 2 câu được viết trong một tình huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận cô bé trong nhà dân chợt hỏi: Chú ơi tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị. Vội quá anh lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu thơ và cũng là hai vế đối:
Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền.
          Mãi mới đây nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị "cô bé" bây giờ đã là cựu du kích trao lại cho Lê Bá Dương  tờ giấy kẻ ngang đã úa vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ viết 2 câu thơ. Hôm đi cùng đồng đội lên cao điểm 544 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương.

              Lê Bá Dương hiẹn nay (ảnh chụp tại Trường Sa)
           Có bài viết này là vì khi đọc Văn Nghệ Quân đội online tôi gặp câu hỏi của một độc giả về các dị bản của bài thơ và BBT VNQĐ trả lời cũng chưa thỏa đáng lắm. Hiện tượng "nhà thơ một bài" đã từng có trong lịch sử văn chương. Với bài thơ này có thể cũng xếp Lê Bá Dương vào trường hợp ấy...
                                                           Pleiku 17/9/07

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

TÌNH YÊU KIỂU Ơ.ĐÍP TRONG THƠ HOÀNG CÂM

MỐI TÌNH CHỊ - EM  TRONG THƠ  HOÀNG CẦM 
“Yêu mà vẫn Em Chị, phân biệt ngôi thứ chứ không hòa đồng thì chỉ có thể là một tình yêu kiểu Ơđíp...“Lá Diêu bông” là ước mơ tình dục bất hợp pháp đã chi phối suốt cả cuộc đời Hoàng Cầm”.(Đỗ Lai Thúy)
Đa tình, giàu tình cảm dường như là năng lực thường thấy ở người nghệ sĩ, và Hoàng Cầm là một “thi sĩ đa tình” vào bậc nhất. Mười ba người đẹp đã đi qua đời ông, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca của ông và in dấu lên khoảng ba trăm bài thơ mà bài nào cũng dào dạt tình cảm, bởi lẽ, với Hoàng Cầm mối tình nào cũng là tình đầu. Nhưng người ta nhớ nhiều đến Hoàng Cầm không phải bởi những bài thơ với mối tình anh – em thường thấy mà là những bài thơ ghi dấu những tình cảm “ngược đời”: mối tình chị-em.
Cả các nhà nghiên cứu lẫn người yêu thơ Hoàng Cầm đều thống nhất rằng: Hoàng Cầm sáng tác nhiều nhưng “Về Kinh Bắc” là tập thơ thể hiện sự đột khởi lạ lùng trong nghiệp thơ của ông. Với “Về Kinh Bắc” Hoàng Cầm đã làm một cuộc hành hương về nơi chôn nhau cắt rốn, một cuộc trở về bằng mộng tưởng, một “giấc mơ hồi cố” (Đỗ Lai Thúy) để tìm về chốn bình yên nhất của tâm hồn sau những ba động cuộc đời... Tập thơ là tinh hoa của cả đời thơ Hoàng Cầm như bản thân ông từng khẳng định trong một lần tâm sự: “Tôi từng nói với các nhà phê bình là muốn nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, chỉ cần mỗi tập thơ đấy thôi cũng đủ... Tất cả đặc điểm, tính chất và linh hồn thơ Hoàng Cầm nằm cả trong “Về Kinh Bắc”[1].
“Về Kinh Bắc” quy tụ 48 bài thơ và chia thành tám nhịp thì sức nặng dồn cả vào nhịp năm với năm bài thơ làm nên “linh hồn” của cả nhịp: “Cây Tam cúc”, “Lá Diêu bông”, “Quả vườn ổi”, “Cỏ Bồng Thi”, “Nước sông Thương”. Điều đặc biệt ở năm bài thơ này là nhân vật trữ tình, nhân vật xưng “Em”, là một cậu trai tám tuổi mang một mối tình đơn phương với “Chị” – những “nàng thơ” gợi hứng, gợi tứ cho biết bao tình khúc bất hủ của Hoàng Cầm. Đó là chị Vinh trong “Lá Diêu bông” (một cô gái hàng xóm gấp đôi tuổi Việt - tên thật của Hoàng Cầm - bấy giờ), chị Nghĩa trong “Cây Tam cúc” (một chị gái thôn quê xinh đẹp hơn Việt hai tuổi), chị Bắc và một vài chị khác nữa mà ông không tiết lộ tên. “Em” yêu “Chị” bằng tất cả sự ngây thơ và già dặn, thầm lặng và dai dẳng. Đó không phải là một mối tình trẻ con mà là “tình cảm trai gái thật sự”(dẫn lời Hoàng Cầm) với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, để rồi gần bảy mươi năm sau, mỗi khi nhắc lại cuộc tình với một trong số những người con gái ấy Hoàng Cầm vẫn không thôi khắc khoải: “Trước mắt tôi, Chị (chị Vinh - BHY) hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả đến học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường… Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt bốn năm trời, đến năm tôi mười hai tuổi thì chị đi lấy chồng”[2] . Tình yêu dẫn dắt “Em” theo “Chị” từ “cánh đồng chiều cuống rạ” qua “cầu bà Sấm bến cô Mưa”, lên đầu “ngọn sông Thương”, đến tận “vách đá cheo leo” của “ngọn Kì Cùng”. Em si mê bơ vơ mải miết kiếm tìm, đuổi bắt tình yêu trong chập chờn vô định, như “tìm tiếng vang mình” trong những “ngày tháng lụi tìm không thấy”, để rồi“Ù ù gió thổi/ Em vọng ai đâu mà hóa đá”. Mối tình ấy thật cũng hư ảo, vi diệu như chiếc lá Diêu bông!
Đọng lại trong tâm trí nhiều người sau khi đọc “Lá Diêu bông” là hình ảnh một cậu bé con cầm chiếc lá Diêu bông trong tay, mải miết đi theo “Chị” xuyên qua cả thời gian (từ buổi chiều nắng hanh vàng rộm - “hai ngày” - “mùa đông sau” - “ngày cưới chị” - “chị ba con”...) lẫn không gian (từ cánh đồng đã gặt hết chỉ còn trơ cuống rạ đến đám cưới chị và cuối cùng là không gian vô định “đầu non cuối bể”). “Đứa nào tìm được lá Diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng” – lời nói như trêu đùa, như bỡn cợt ấy không lúc nào thôi réo gọi trong tấm lòng cô đơn, trống trải của cậu con trai sớm đã si tình. Yêu mà không được đáp lại đó là những xúc cảm trái chiều giúp sản sinh ra thơ tình muôn thủa. Có nỗi thất tình sinh ra Nguyễn Bính, nỗi khác sinh ra Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Vậy thứ tình nào làm thành ẩn ức thơ Hoàng Cầm? Theo nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn đó là “mối tình nghẹn”, “mối tình thơ non ra quá sớm, lại quá khỏe, quá dai dẳng”[3]. Sự xót xa, nghẹn ngào làm thành những “quãng lặng” đầy dư âm, đầy trăn trở cho mỗi trang thơ Hoàng Cầm: “Hai ngày sau/ Em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu/ Đâu phải lá Diêu bông/…Từ thủa ấy/ Em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông hời…/ …Ới Diêu bông”(Lá Diêu bông), “Năm sau giặc giã/ Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới Chị/ Võng mây trôi/ Em đứng nhìn theo/ Em gọi đôi”(Cây Tam cúc), “Ngày Chị bảo em quên/ con bạc má lại về cành chanh/ Thương em hay giận Em chả biết”(Nước sông Thương),“Lắc đầu hoa tím rụng/ Ngó rừng xanh Em hỏi ngọn nguồn/…Biết rồi/ thôi”(Cỏ Bồng Thi)…
Hoàng Cầm tự nhận mình theo “dòng mẫu hệ”, người ta cũng hay bàn đến “yếu tố nữ tính trong thơ Hoàng Cầm” với những hình ảnh đậm chất phồn thực về những người phụ nữ: người Mẹ, người Chị, người em. Hình ảnh mẹ làm nên phần linh thiêng của thơ Hoàng Cầm, “mẹ là hiện thân trọn vẹn nhất, sinh động nhất của quê hương” (nhận định của Hà Minh Đức), hình ảnh “em” làm nên phần tình tứ, đắm say…Còn Chị? Hình ảnh Chị làm nên phần đáng nhớ nhất của thơ Hoàng Cầm - ẩn ức – một thứ ẩn ức đòi được giải tỏa, và nó đã được giải tỏa, siêu thăng thành những thi phẩm nghệ thuật của ông.
Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã giúp ta gọi tên những ẩn ức ấy khi đưa ra nhận định: “Về Kinh Bắc là một vũ hội hóa trang của các hình ảnh, màu sắc, âm thanh, nhịp điệu, tưởng như hỗn độn, nhưng thực ra được gắn kết với nhau bởi một ẩn ngữ – mặc cảm Ơđíp* – và được viết ra bằng bút pháp của sự ham muốn”[4]. Là một di sản của loài người từ thời tiền sử, “mặc cảm Ơđíp” có trong mỗi người nhưng sự diễn biến và quá trình hóa giải nó thì không ai giống ai. Người bình thường giải tỏa nó trong những giấc mơ, người nghệ sĩ giải tỏa nó trong những sáng tạo nghệ thuật. Ở những người thời thơ ấu có hoàn cảnh đặc biệt gây ra những chấn thương tâm lý, những ám ảnh hoặc những huyễn tưởng cá nhân, thì phức cảm này rất mãnh liệt, và sự giải tỏa nó là vô cùng khó khăn. Hoàng Cầm là một người có tuổi thơ như thế…
Mẹ Hoàng Cầm là một cô gái Quan họ làng Bựu, một làng quan họ nổi tiếng xứ Kinh Băc xưa. Bà cũng là một cô gái có “nhan sắc óng ả, kiều diễm, có đôi mắt “lúng liếng” thật tình tứ, đôi mắt rất quan họ, có dáng đi thanh tao, đài các, uyển chuyển”(Vĩ thanh – Về Kinh Bắc)[5]. Một người đàn bà tài sắc như vậy nhưng đến khi làm vợ, làm mẹ lại phải chịu một cuộc sống hẩm hiu.
Tất cả những điều ấy đã in hằn lên tâm thức tuổi thơ ông, làm thành một nỗi buồn dai dẳng và sớm định hình những cảm xúc trước tuổi. “Không hiểu sao, tôi sớm có cái buồn cô đơn ngay từ những năm lên sáu, lên bảy tuổi. Bẩm sinh chăng? Hay chính nỗi buồn của người con gái tài sắc lấy chồng từ năm mười bảy tuổi mà phải sống cô đơn đến hơn mười năm?”(Vĩ thanh)[6]. Nỗi buồn ấy thực ra là mặc cảm Ơđíp, yêu mẹ ghét bố. “Bố tôi nguyên là một nhà nho, ba lần thi trường Nam Định không đậu nổi cái cấp hạng bét là tam trường, sau đó bất đắc chí, bỏ làng đi dạy học lang thang, rồi làm thầy lang cũng lại lang thang chữa bệnh khắp các huyện trong hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang”(Vĩ thanh)[7]. Không khó để nhận ra trong những lời kể về bố mình Hoàng Cầm đã thêm vào đó chút giễu cợt thậm chí là mỉa mai.
Lí thuyết Phân tâm học của S. Freud cũng thừa nhận sự chuyển di vị trí trong tam giác cha – con – mẹ của mặc cảm Ơđíp (ngôi cha có thể chuyển sang một người đàn ông khác, ngôi mẹ có thể chuyển sang một phụ nữ khác) trên cơ sở những tương đồng nào đó. Ở Hoàng Cầm, tình yêu với mẹ đã được di chuyển sang Chị, trước hết và nổi bật nhất là với chị Vinh hàng xóm, có lẽ bởi cả hai người đều đẹp và hát quan họ hay. Bài thơ tình đầu tiên của Hoàng Cầm là những dòng lục bát chép nắn nót với lời đề tặng: “Em gửi chị Vinh của Em”.
Trong điếu văn đọc tại tang lễ Hoàng Cầm, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: sinh ra ở Bắc Ninh dường như là một "biệt đãi của số phận" dành cho Hoàng Cầm, bởi lẽ "để làm một thi nhân, không còn mong ước gì hơn là được sinh ra, tại một vùng quê phong tình vào bậc nhất của đất Bắc, được bồi đắp cái năng lượng sống tối đa đủ tươi tốt cho cả đời người"[8]. Nhờ sự biệt đãi này văn học nước nhà có được một thi sĩ đa tình vào bậc nhất, và những bài thơ về mối tình chị - em như những viên ngọc sáng lấp lánh, làm nên nét độc đáo hiếm có.

Bùi Hải Yến
Chú thích:

(*) Mặc cảm Ơđíp: Oedipus (phiên âm tiếng Việt là Ơ-đíp hay E-đíp) là một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trong thần thoại Hi Lap, nhưng lại có cuộc sống hôn nhân gia đình đầy bi kịch (xem Thần thoại Hy lạp).
Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã mượn truyền thuyết này để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ mang tên “mặc cảm Oedipus”: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình và như thế, bố mẹ vô hình chung đã trở thành “tình nhân” và “tình địch” đầu tiên của trẻ. Thuật ngữ này sau đó được hiểu rộng hơn trong nghiên cứu văn học nghệ thuật, đó là những mặc cảm của con người (nổi bật nhất ở người nghệ sĩ) khi ấp ủ những khát vọng loạn luân thầm kín, những ham mê tội lỗi, những cảm xúc vượt khỏi quy chuẩn xã hội...
[1] Hoàng Cầm (trả lời phỏng vấn), Trời bắt tội tôi yêu sớm. Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net.

[2] Hoàng Cầm, Tám nhịp tuần du, NXB Văn học, H.1999.

[3] Chu Văn Sơn, Hoàng Cầm – gã phù du Kinh Bắc. Nguồn: www. Talawas.org

[4] Đỗ Lai Thúy, Bút pháp của ham muốn, NXB Tri thức, H.2009.

[5] Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc (tập thơ), NXB Văn học, H. 1999.

[6] Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc,...đd.

[7] Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc,...đd.

[8] Lưu Hà, Chiều “cúi lạy” Hoàng Cầm “về Kinh Bắc”. Nguồn: vietbao.vn

LÁ DIÊU BÔNG



NÓI THÊM VỀ BÀI THƠ LÁ DIÊU BÔNG CỦA HOÀNG CẦM
Đây lá ý kiến riêng của tác giả Nguyễn Khôi trong một bài viết.
====================================
"LÁ DIÊU BÔNG" CHIÊU ĐỘC CỦA HOÀNG CẦM
Nguyễn Khôi  
LỜI DẪN
Theo nhà thơ Hoàng Hưng ( VN Lagi & Talawas ngày 19-09-2010) thì: Nhà thơ Hoàng Cầm viết tập thơ "Về Kinh Bắc" từ 1959 -8 / 1982, chủ yếu lưu truyền bằng chép tay ( ngoài luồng)- đây là một sự kiện " hậu Nhân văn-Giai Phẩm", trong đó bộ 3 "cây-lá-quả"( cây tam cúc-lá Diêu bông- quả vườn ổi) là nổi bật nhất " vì chúng được ( giới Văn nghệ) xì xầm diễn giải như một lời oán trách của " Em" (văn nghệ sĩ) với " chị" ( Đảng) .. đại khái là " Em" yêu "chị" , nhưng "chị" đã lừa "Em" , cho "Em'' ăn toàn "quả rụng", rồi bỏ mặc "Em" bơ vơ để đi lấy chồng 
      Theo Hoàng Cầm kể, thì 1974 Công An Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ "có nội dung xấu ấy" ... Hoàng Cầm phải ngưng... hậu quả vụ án "về Kinh Bắc" là : 
- Hoàng Cầm bị đi tù 16 tháng 
- Hoàng Hưng vì xin được , có trong tay mấy bài thơ trên nên bị đi tù 39 tháng 
- Nam Dao ( Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng) - Việt kiều yêu nước Canada bị "cấm cửa" không được về Việt Nam trong 20 năm. 
 Sau" Đổi mới" ( 1986) mãi tới 1994 "Về Kinh Bắc" mới được NXB VH in bằng loại giấy xấu. 

BÌNH

                 LÁ DIÊU BÔNG

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng 
Chị thơ thẩn đi tìm 
Đồng chiều 
                    cuống rạ 
Chị bảo 
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông 
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy lá 
Chị chau mày 
                     đâu phải Lá Diêu Bông 
Mùa đông sau Em tìm thấy lá 
Chị lắc đầu 
                     trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị 
                     Em tim thấy lá 
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con 
                    Em tìm thấy lá 
Xòe tay phủ mặt Chi không nhìn

Từ thuở ấy 
            Em cầm chiếc lá 
            Đi đầu non cuối bể 
Gió quê vi vút gọi 
           Diêu Bông hời... 
           ... Ới Diêu Bông... ! 


BÌNH : Bài này có 2 cách hiểu:

1) Theo kiểu ngây thơ, coi đây là một bài thơ tình thứ thiệt, là một khúc hồi tưởng ( viết trong một cơn mơ " vô thức" mà "Thần Linh đọc Diêu Bông, tôi chép Diêu Bông, thế thôi.)

Đó là mối tình đơn phương của cậu bé 12 tuổi (HC) với Chị Vinh ( 20 tuổi) ở ga Việt Yên, Bắc Giang thời trước 1945 ... 
một thứ tinh yêu đơn phương của một chú bé ngây thơ huyễn tưởng với một bà Chị sành sỏi " tung ra cái Lá Diêu Bông ( ảo huyền) "dứ " trêu chú bé ngây ngốc?

Bài thơ mở đầu bằng " Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" là   Thi Sỹ đã lấy cái địa danh( quê Vua Lý ) với cái Váy lưới Chai của gái Đình Bảng nổi tiếng thời bấy giờ để tạo sức hút ( gây ấn tượng)... tiếp theo là Tác giả tung ra cái Lá Diêu Bông ( lá Trời , huyền ảo, sắc sắc không không như một phép thần thông của" Chị" bủa vây giăng lưới "bẫy" Chú "Em" 
ngây thơ chạy theo mối tình hư ảo vô vọng...

  Thủ pháp "Váy Đình Bảng/ Lá Diêu Bông" quả thực là LINH NGHIỆM đã mê hoặc bao lớp độc giả say thơ Hoàng Cầm... Để rồi có Nhạc sỹ phổ thơ Lá Diêu Bông, Cô Nàng Sài Gòn mở " Quán Diêu Bông" như một tình thơ đẹp thu hút  rung động bao con tim, trí tưởng tượng của một thời "gió quê vi vút gọi ..."

2) Hiểu theo cách : Thơ "ẩn dụ" , cái thâm nho của Thi sỹ (con nhà chữ nghĩa người làng Hồ- xứ Kinh Bắc) mượn truyện tình (bịa) để nói truyên Đời của một thời sau vụ NV-GP... Để ai đó tự suy diễn mà chia sẻ nỗi đau với tác giả.

VỀ NGHỆ THUẬT bài thơ :

Đây là nghệ thuật bậc thầy Thi Sỹ Hoàng Cầm tạo ra hình tượng thơ "Lá Diêu Bông" huyền ảo gây mê hoặc lòng người:- yêu(tình) thì rất tình mà đau ( hờn đời) thì thấm tới cõi Thần Linh ma quái... Phải có một hồn thơ siêu viêt, một bút pháp kỳ tài (như viết trong mơ, nỗi đau tình, đau đời,ẩn hiện trong nhau, chữ ít ý nhiều - kể cả đầy ẩn ý ... Về ngôn từ: Thi Sỹ dùng cách nói của người Kinh Bắc rất Quan họ như: Trông nắng vãn bên sông ( lưu ý từ VÃN) , xe chỉ ấm trôn kim, xòe tay phủ mặt... rất dân gian mà cũng rất Hàn lâm ; Tất cả ý tứ chữ nghĩa quyện vào nhau để  Lá Diêu Bông còn  mãi với Đời .


Tóm lại :

Bài thơ Lá Diêu Bông nằm trong tập thơ liên hoàn "Về Kinh Bắc" là một lâu đài tráng lệ với không gian văn hóa cổ kính hòa trộn với tâm linh hiện đạị , những ẩn ức về thân phận con người cùng khát vọng sống của nó - qua phía âm bản của thơ ta thấy được tiếng kêu bi thương thầm thĩ của  người nghệ sỹ tài hoa đầy tính nhân văn, sự ám ảnh về thân phận con người nghệ sỹ trí thức, nỗi thất vọng to lớn giữa lý tưởng và hiện thực cuộc sống của một thế hệ văn nghệ sỹ .Theo thiển ý của NK thì có lẽ sau Tây Tiến ( Quang Dũng) thì Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm là một trong những đỉnh cao trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sáng tác Lá Diêu Bông là Hoàng Cầm muốn gửi một thông điệp đến bạn đọc để giãi bày cái đau tình, đau đời mà Thi Sỹ ẩn nhẫn câm nín bao ngày không nói ra được.

   "Lá Diêu Bông" là một bài thơ "thần khẩu hại xác phàm" thời nay, nó rất định mệnh - rất ĐỘC- ai nặng tình vướng phải nó ( ở một thời chưa Đổi mới mở cửa) thì đều chuốc lấy TAI HỌA !

Này đã qua 50 năm , mấy nhân vật chính đã đi vào thiên cổ...thế mà nghe  chuyện cũ (đọc) lại vẫn thấy sởn tóc gáy : 
                               Diêu Bông hời ... 
                                       Ới Diêu Bông ...

Góc Thành Nam Hà Nội 20-09-2010 
                         Nguyễn khôi - cẩn bút ..
DIZIKIMI SƯU TẦM
Các bạn  đọc thêm các bài sau cho đủ BỘ BA : CÂY ,QUẢ .LÁ để xem có đúng như Nguyễn Khôi nói không .Ý kiến bạn ra sao ?
CÂY TAM CÚC
Tác giả: Hoàng Cầm
Cỗ bài tam cúc mép cong cong 
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ 
Chị gọi đôi cây! 
Trầu cay má đỏ 
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em 

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm 
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi 
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa 
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì 

Đứa được 
chinh truyền xủng xoẻng 
Đứa thua 
Đáo gỡ ngoài thềm 
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ 
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em 

Năm sau giặc giã 
Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ 
Thả tịnh vàng cưới Chị 
võng mây trôi 


Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi.

QUẢ VƯỜN ỔI 
Hoàng Cầm

Em mười hai tuổi tìm theo chị
Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa
Ði...
Năm tháng lụi không tìm thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang 
            Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
            - Quả chín quá tầm tay
- Xin chị một quả ương
            - Quả ương chim khoét thủng
Lẽo đẽo em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

BỨC THƯ VIẾT CÁC ĐÂY 7 NĂM

BỨC THƯ NGỎ VIẾT CÁC ĐÂY 7 NĂM CHO MỘT CÔ GIÁO DẠY VĂN GIỎI CHỈ MUỐN ONLINE NHƯNG TUYỆT ĐỐI KHÔNG MUỐN OFFLINE VÀ KHÔNG THÍCH BÀN ĐẾN VĂN HỌC.
31/05/10 lúc 9:53 PM
T. H quý mến!
Để có thêm tư liệu về nhà thơ Hoàng Cầm tôi gửi thêm cho em một bài viết của một người mến ,mộ Hoàng Cầm để ta cùng trao đổi nhé. 
Thi sĩ Hoàng Cầm: 75 tuổi còn đi tìm lá...
Lý Nguyên Anh
Tôi quen biết Hoàng Cầm khoảng đầu những năm 80, nhân một lần thi sĩ Phùng Quán rủ tôi đến nhà ông uống rượu. Bấy giờ, vì sinh kế, thi sĩ mở lén một quán rượu trong nhà, cho bạn bè văn nghệ sĩ tới đàm đạo văn chương. Thi sĩ Hoàng Cầm bán rượu một cách chậm rãi và hờ hững, nhiều lúc đầu óc ông cứ để đi đâu đâu, khách gọi thêm rượu, thêm đồ mồi hai, ba lần ông mới như sực tỉnh, vớ chai rót tràn cung mây. Sau này, tôi mới biết, đó là những khoảng thời gian ông đang thai nghén tập thơ kỳ diệu nhất của mình - tập "Về Kinh Bắc" - mà sau này khiến ông gặp bao hoạn nạn. Tôi may mắn được đọc bản thảo tập thơ ngay từ những ngày ấy và nhiều bài như "Cây tam cúc", "Quả vườn ổi", "Lá diêu bông"... đọng trong trí nhớ của tôi tự bấy đến giờ. 
Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 tại Bắc Ninh. Bút hiệu Hoàng Cầm ông tự đặt cho mình vào năm 1937, khi đang viết kịch thơ "Hận Nam quan". Như vậy, Hoàng Cầm viết kịch thơ từ khi chưa đầy 16 tuổi. Những lúc vui vẻ, ông thường nói đùa: "Cái tên Hoàng Cầm không phải là cây đàn vàng đâu, mà là vị thuốc đắng nhất đấy!". 
Ông thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu năm 1946, khi ông cùng bạn bè góp tiền dựng kịch "Kiều Loan" và chỉ công diễn được một lần trên sân khấu Nhà hát lớn. Bù lại, ông có được mối tình với bà Tuyết Khanh - nghệ sĩ đóng vai chính và cô con gái mang tên Kiều Loan là kết quả của mối tình lãng mạn ấy. Hiện giờ, Kiều Loan đang sống với mẹ ở Mỹ. Vở kịch này đã được đem đi lưu diễn khắp nơi, nghe nói, được bà con Việt Kiều hoan nghênh lắm. 
Hoàng Cầm làm thơ và biết yêu từ rất sớm. Nỗi khao khát yêu đời, yêu người dường như lúc nào cũng cháy bỏng trong ông và hiện hình thành những vần thơ da diết và luống cuống. Bây giờ, đã tròn 75 tuổi mà lúc nào Hoàng Cầm cũng "dọa" sắp cưới vợ. Anh em nghe ông nói thì cho là ông đùa, còn ông lại tin là thật. Một niềm tin rất đỗi "thơ ngây" mà chỉ một thi sĩ đích thực mới có được, bởi vì, như ông nói, thi sĩ còn trẻ mãi. 
Trong 60 năm cầm bút, Hoàng Cầm đã viết rất nhiều, viết hàng ngày và nhờ vậy, số lượng tác phẩm của ông khá lớn (trên 10 tập). Có thể nói, với khối lượng thơ đồ sộ ấy, Hoàng Cầm đã bước thẳng vào văn đàn Việt Nam bằng những bước chân đĩnh đạc. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ ghi nhận ông bên cạnh những tên tuổi thi sĩ hạng nhất của nước nhà. 
Bây giờ, tuy sức khỏe đã sút kém, nhưng Hoàng Cầm vẫn viết đều. Ông dự định cho in một tập "Văn xuôi Hoàng Cầm" và tập "Hoàng Cầm hồi ký". Chiều chiều, bên quán nước ở vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ông vẫn thường đọc thơ cho chúng tôi nghe. Giọng ông vẫn sang sảng và thơ ông vẫn tràn ngập tình yêu. 
THƯ TRẢ LỜI 
Từ: T.H <luongha14775@yahoo.com.vn>
Đến: dizikimi@yahoo.com
Gửi ngày: 0:01:43, Chủ nhật, 30 tháng 5 2010 
    Em chào thầy!
    Em định viết cho thầy từ tối qua, nhưng không thể thầy ạ, vì em còn bao nhiêu việc bắt buộc phải hoàn thành, chủ yếu là hồ sơ thi đua cuối năm. Hôm nay thì mọi việc đã tạm xong, nên em mới lại có thời gian để viết cho thầy.
Mấy tuần nay tâm trạng em không được tốt thầy ạ. Không phải vì chuyện riêng, mà hoàn toàn chỉ là vì công việc. Cứ mỗi dịp cuối năm như thế này, em thấy "sợ" quá! Vừa "sợ", vừa chán, lại vừa buồn. "Sợ", chán và buồn cho cái cơ chế của ngành giáo dục! Làm khổ giáo viên bằng những quy định, những luật lệ vô cùng hình thức. Nói ngay cái việc thi đua cuối năm mà em vừa làm xong đây, nó nhiêu khê vô cùng; nó làm chúng em khó chịu và thấy "ớn", chứ không hề cảm thấy được động viên khích lệ, không hề thấy có chút gì gọi là "phấn khởi".  Em vốn là người giỏi chịu đựng, bền bỉ được, nhẫn nại được, vậy mà có lúc em đã có cảm giác như đầu sắp nổ tung, muốn "tung hê" tất cả, huống hồ là các giáo viên trẻ. Nhìn các em trẻ tuổi, mới bước vào nghề, phải chịu áp lực công việc và muôn ngàn thứ "dở khóc dở cười" mà em thấy thương quá thầy ạ! Cho đến tận bây giờ em vẫn không ân hận khi chọn nghề giáo viên. Nhưng quả thật là em buồn! Ở đời này người ta thường mong được trẻ lâu, mong tuổi già chầm chậm hãy tới, nhưng đối với em thì đã có lúc em mong tuổi già nhanh tới với mình, để được nghỉ ngơi, như thầy bây giờ chẳng hạn: ngày nào cũng là chủ nhật, muốn đi đâu, muốn làm gì, hoặc muốn gặp ai..., đều tùy ý mình...; như vậy chẳng phải là hạnh phúc hay sao? Tất nhiên, trước đây em không bao giờ nghĩ thế. Những suy nghĩ này chỉ mới nảy sinh trong thời gian gần đây thôi thầy ạ. Vì thầy cũng trong nghề, lại là người đi trước nên em mới nói với thầy về điều này. Thầy đã đi trọn cuộc đời dạy học, chắc hẳn thầy thấy rất thấm thía những điều em vừa nói; còn em mới đi được nửa chặng đường, nhưng cũng đã thấy "thấm" lắm rồi thầy ạ!
    Thôi, về chuyện này em chỉ xin nói với thầy đôi chút như vậy, cho nhẹ lòng hơn thôi ạ!
    Bây giờ có lẽ thầy trò mình sẽ nói chuyện khác, thầy nhé! Hôm qua, nhận được thư của thầy, em rất mừng.Và cũng có một điều thú vị nữa thầy ạ. Thầy trách em là sao không gọi điện hoặc nhắn tin cho thầy, để phải dằn vặt. Thực ra thì không đến nỗi dằn vặt đâu ạ, chỉ là một chút băn khoăn thôi mà thầy.Nhưng em không gọi điện cho thầy là vì vừa gửi bức thư ấy đi hôm trước thì hôm sau em nhìn lịch và chợt nhớ ra là đến ngày hội Gióng ( Em cũng nhớ ngày hội này). Vậy là em đoán ngay thầy đi hội. (Thế mà đúng thầy nhỉ?) Chính vì vậy em không dùng điện thoại để liên lạc với thầy.
    Thưa thầy! Em đã nói rằng em rất trân trọng khi thầy tự nguyện cho em số điện thoại của thầy. Và em đã lưu nó lại. Nhưng thưa thầy, em đã hai lần nói với thầy rằng, nếu không phải là những tình huống "vạn bất đắc dĩ " thì em sẽ không sử dụng phương tiện này. Nói chuyện qua điện thoại thì cũng gần như là nói chuyện trực tiếp. Em thấy không được thoải mái lắm. Vả lại ,có điều này em tin chắc rằng em nghĩ đúng, đó là, nói chuyện bằng ngôn ngữ viết vẫn là dễ nhất trong tất cả các hình thức giao tiếp. Thầy có công nhận với em rằng có những điều người ta rất khó có thể nói trực tiếp, mà phải nhờ đến ngôn ngữ viết không, thưa thầy? Thầy trò mình đang giao tiếp bằng ngôn ngữ viết đây, vậy thì sao lại cứ phải nhờ đến chiếc điện thoại, thưa thầy?! Thực sự có cần thiết không ạ? Thầy nói rằng: "đến giờ này em vẫn không dùng điện thoại với tôi, thì kể cũng lạ". Em thì em lại thấy không lạ, thưa thầy. Đơn giản là vì em muốn trò chuyện với thầy chỉ bằng cái tâm của mình, thầy ạ. Em không quan niệm rằng muốn trò chuyện được với nhau thì người ta dứt khoát phải nhìn thấy nhau hoặc phải nghe giọng nói. Chắc chắn một điều rằng, khi gọi điện, em không thể nói với thầy như em đang viết đây.
    Và cũng liên quan đến điều này, em xin bày tỏ ý kiến của em về điều thầy hỏi. Sắp tới thầy muốn sang thăm gia đình thầy Mai, nhân thể thăm gia đình em. Em rất cảm ơn nhã ý của thầy. Nhưng có lẽ em phải từ chối cuộc gặp này thầy ạ. Em xin lỗi thầy, vô cùng xin lỗi, khi phải nói ra điều này, nghe thì có vẻ bất nhã, bất kính với thầy, nhưng em không thể nói dối! Em không cho phép mình nói khác đi với quan điểm, với cái tâm của mình, chỉ để làm người khác hài lòng. Nếu thầy có buồn, có không hài lòng, có trách em, thì em xin chịu! Nhưng xin thầy hãy nghe em nói về chuyện này một chút, để thầy hiểu rõ quan điểm của em, kẻo trong những chuyện như thế này em thấy thầy trò mình chưa có được tiếng nói chung. Thưa thầy, thực ra em không ngại gì cả. Em cũng không khó tính; em cũng không trẻ con, không ngờ nghệch, ngớ ngẩn, lẩn thẩn đến mức phải "cảnh giác" cao độ như vậy đâu ạ. Thực ra, nếu em gặp thầy thì cuộc gặp này cũng sẽ như bao cuộc gặp khác, sẽ chẳng có ai làm gì em cả, sẽ chẳng có chuyện gì "động trời" cả. Em nói vậy để thầy biết rằng em đang nghĩ rất nghiêm túc và nói với thầy rất thật, hoàn toàn không phải là những lời lấp liếm, đẩy đưa, hời hợt, xã giao. Vậy thì vì sao em không muốn thầy trò mình gặp nhau ngoài đời? Thưa thầy, em thấy rõ một điều rằng khi người ta gặp nhau rồi, được tận mắt nhìn thấy nhau rồi, thì nhiều chuyện sẽ khác đi đấy ạ... Vừa rồi, em có đọc được tâm sự của một bạn trên mạng, rằng bạn ấy muốn có một người trong "thế giới ảo" này, hoàn toàn ảo, không biết bạn ấy là ai, bạn ấy cũng không biết người ấy là ai, chỉ cần hiểu nhau và có sự đồng cảm trong suy nghĩ, như vậy thì bạn ấy mới có thể dốc bầu tâm sự, và đặc biệt mới có thể nói ra những điều mà đối với những người đã biết mình thì lại không thể nói...; vì đối với những người quen biết ngoài đời, bạn ấy vẫn phải e dè, sợ bị đánh giá, sợ những ánh nhìn... Thầy biết không, suy nghĩ của bạn ấy cũng chính là suy nghĩ của em đấy. Và trong chuyện này em tin rằng mình có lý. Thời gian qua, em đã nói chuyện với thầy rất chân tình, thoải mái. Nhưng bây giờ, nếu có cuộc gặp này, khi thầy đã biết em, em đã biết thầy, thì em e rằng về phía bản thân em sẽ không còn có được sự thoải mái trong trò chuyện với thầy đâu thầy ạ. Xin thầy đừng cho rằng em tự ty, cũng xin thầy đừng cho rằng như vậy là đối với những người đang sống xung quanh em, em luôn giả dối, không bao giờ thật lòng. Hoàn toàn không phải vậy thầy ạ. Thầy có công nhận với em rằng, có những điều riêng tư nhất, sâu kín nhất thì người ta lại chẳng thể nói hết với những người đang ở xung quanh mình, những người biết mình, nhưng người ta lại có thể nói với người bạn không hề biết mặt, chỉ đơn giản là vì: bạn không biết tôi là ai, tôi cũng không biết bạn là ai... Đó là lý do khiến em không muốn gặp trong đời thực bất cứ một người bạn nào quen trên mạng.    
    Đấy, em đã nói hết những suy nghĩ và quan điểm của em. Em biết rằng thầy sẽ không vui. Nhưng em nghĩ thầy trò mình đã là bạn thì nên hiểu nhau. Tình bạn nếu muốn bền thì phải dựa trên cơ sở THẤU HIỂU và TÔN TRỌNG ( ở đây em muốn nói là tôn trọng cá tính riêng, ý muốn riêng... của nhau). Em mong rằng ý muốn và quan điểm rất riêng này của bản thân em sẽ được thầy tôn trọng. Được thế thì niềm vui của em sẽ rất lớn đấy thầy ạ, vì khi ấy em cảm nhận được rằng lời nói của mình, quan điểm của mình được người khác lắng nghe, thấu hiểu. Đối với em đó mới là điều có ý nghĩa nhất. Vậy một lần nữa em xin từ chối cuộc gặp này, và vì vậy, mong thầy đừng tìm gặp em! Thầy trò mình hãy cứ là thầy trò, là bạn như thế này thầy ạ! Không gặp thầy nhưng không có nghĩa là em không thật lòng! Một lần nữa rất mong thầy hiểu cho em. Mà em tin thầy là người từng trải, thầy sẽ hiểu hết những điều em vừa nói. Em cũng tin là những suy nghĩ của em không sai, chỉ có điều, thầy có thật sự hiểu và đồng cảm không thôi ạ!
    Vừa rồi thầy có cuộc gặp với chú CUA ĐỒNG, đúng không ạ? Nhưng thầy và chú ấy gặp nhau khác hoàn toàn việc em và thầy gặp nhau. Còn khác như thế nào, em không cần nói chắc chắn thầy cũng hiểu rõ.
    Thư này em chỉ nói chuyện cuộc sống với thầy. Hẹn thư sau em sẽ tiếp tục nói chuyện văn thơ với thầy. Em xin dừng đây ạ, vì thư cũng đã dài quá rồi!
Em chào thầy và hẹn gặp lại thầy!
T.H

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

HỌA THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG

HỌA THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG -BÀ CHÚA THƠ NÔM
Trước hết mời các bạn đọc trích đoạn sau đây ở bài: "VỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN TRONG VĂN HỌC CỔ VIỆT NAM"
(Nhà XB giáo dục Hà Nội-1997-trang 174.)
...Thơ Hồ Xuân Hương được dịch và giới thiệu ở BULGARI và nhiều nước khác. Rõ ràng thơ Hồ Xuân Hương đã nói lên được vấn đề mang tính nhân loại phổ quát. Vấn đề những nhu cầu bản năng,mang tính bản thể của tồn tại người với tư cách cá thể và chủng loại. Vì vậy chúng tôi đề nghị, như giáo sư Trần Đình Sử đã viết: " Nhà thơ không xem cái lẳng lơ là lẳng lơ, không xem cái tục là tục, không xem"dâm"là dâm. Tất cả đều hồn nhiên, tự nhiên. Đã đến lúc không nên nói đến cái gọi là dâm và tục trong thơ bà Hồ Xuân Hương mà nên nói những ám ảnh tình dục,nhu cầu giải phóng nhãn quan tình dục phong kiến cổ hủ như một nhu cầu của con người cá nhân."
Các bạn đồng tình thì ta cùng họa ai không thích họa thì đồng cảm thơ tự do để ta cùng vui nhé.
Bài xướng:
VỊNH CÁI QUẠT
Một lỗ xâu,xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
Hồ Xuân Hương
CÁC BÀI HỌA
1 ĐI GIẦY
Vội quá nên anh xỏ chẳng vừa
Khuy cài không cởi để bây giờ
Dùng dằng bách toạc da không thoát
Hì hục thúc đâm gót lại thừa
Nhét mãi không vô trời cực nắng
Lọt vào được vả nước như mưa
Mồ hôi nhễ nhại còn mơn trớn
Thích diện thì cam chịu khoái chưa?
Phan Thị Thanh Minh
2 .VỊNH CÁI PHONG BÌ
Họa nương vận
Mấy chục tờ xanh nhét vẫn vừa
Bôi trơn thủ tục buổi bây giờ
Xiên ngang trước bụng bì không thiếu
Đút dọc sau hông ruột chẳng thừa
Bịt mắt quan trên gà sợ gió
Che mồm lính dưới chó lo mưa
Công to, việc nhỏ tùy dày, mỏng
Nắn bóp, vân vê thoả mãn chưa ?
Văn Cường Trần
3 VỊNH CHÀY CỐI
Chày lim cối đá giã cho vừa
Trực chiến năm canh, sáu khắc giờ
Thẳng đuột ba gang dài vẫn thiếu
Tròn xoe một miệng lõm không thừa
Xuân hồi cấp tập chày đâm thịt
Lão đáo an nhàn cối hứng mưa
Dụng cụ gia đình - duyên tạo hóa
Thân chàng - phận thiếp, thỏa lòng chưa
Văn Cường Trần
4 ĐI ỦNG
Vội vã đi đâu nhét cũng vừa
Phòng khi hết nắng lại mây mưa
Hố ga tắc nghẽn mương không thoát
Đường thấp nhà cao nước nổi thừa
Dép kiểng tan quai từ hôm trước
Ủng mang tự thủ lúc bây giờ
Dừng chân ngắm nghía thì ve vuốt
Diện chút yêu đời hỏi sướng chưa?
Thơ Lão Nông (NNĐ)
5 .LỜi BÌNH
Họa nương vận
Bình luận sao cho phải đủ vừa
Nếu không chỉ tổ mất thì giờ
Khen hay, chê đúng là cần thiết
Chê dở, khen sai hẳn sẽ thừa
Lời lẽ nhẹ nhàng như ngọn gió
Ý tình thấm đẫm tựa cơn mưa
Đổi trao cởi mở càng thêm hiểu
Sẽ dễ tiếp thu, thấy đúng chưa ?
DIZIKIMI
Mời các bạn cảm nhận hoặc nếu có nhã hứng thì họa tiếp.Câc bạn cũng có thể chỉ nói bạn thích
Bài họa nào nhất 1 ,2, 3, 4, 5 ?