THỨ TƯ, 7 THÁNG 10, 2020
MÓN QUÀ QUÝ CHO "O DU KÍCH
“O du kích nhỏ” vỡ òa niềm vui khi nhận món quà giản dị của Chánh án TANDTC
Cảm kích “O du kích nhỏ”…
Chiến tranh đã lùi xa, O du kích nhỏ năm xưa lần đầu tiên được biết đến qua bức ảnh của nhà báo Phan Thoan và nhiều tác phẩm thi ca giờ đây đã ngoài 70 tuổi, mái đầu đã bạc trắng. “O” cũng đã làm bà của đám cháu nhỏ nội, ngoại trong căn nhà cấp bốn ở trong hẻm nhỏ đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) nhiều năm nay.
Nhớ lại, cách đây 55 năm, ngày mà bà Nguyễn Thị Kim Lai – nữ dân quân bé nhỏ, hai tay ôm súng, ánh mắt đầy vẻ cương quyết, áp giải một phi công Mỹ to lớn đang cúi đầu bước đi, mới thấy hết sự gan dạ, lòng quyết tâm và ý chí kiên cường của người phụ nữ nhỏ nhắn khi ấy. Cũng chính hình ảnh “O du kích nhỏ” sau đó đã đi vào thi ca và như một biểu tượng sáng chói của người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là niềm tự hào, biểu tượng về tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trước nhiều nước lớn trên thế giới.
Bức ảnh "O du kích nhỏ" của nhà báo Phan Thoan
Bà Nguyễn Thị Kim Lai là con út trong gia đình có 4 anh em ở xã Phú Phong (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Năm 1965 khi học hết lớp 7, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, “O” Lai vào đội dân quân tự vệ của xã, tham gia trực chiến, đào hầm. Hà Tĩnh thời điểm đó liên tục bị máy bay Mỹ oanh tạc, bom đạn gầm rú ngày đêm, nhiều tuyến đường huyết mạch qua đây bị chia cắt, làng mạc tiêu điều.
Ngày 20/9/1965, hàng chục máy bay Mỹ thả bom xuống cây cầu thuộc xã Lộc Yên. Quân và dân Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu bắn trả, một chiếc máy bay Mỹ bị trúng đạn bốc cháy, phi công nhảy dù xuống vùng núi Hương Khê. Nhận tín hiệu ứng cứu, 3 trực thăng của Mỹ đến yểm trợ, song một chiếc bị quân dân Hà Tĩnh bắn hạ, bốc cháy. Ba phi công tiếp tục bung dù xuống núi.
Chuyện tiếp theo được bà Lai kể lại với chúng tôi rằng, 9h sáng hôm sau, khi đang cùng dân quân tìm kiếm phi công Mỹ tại cánh rừng ở xã Hương Trà, bà phát hiện ở hốc đá cách đó khoảng vài mét có tiếng động lạ. Tiến lại gần, bà thấy một phi công đang ngồi co ro, sợ hãi. Bà đã bắn 3 phát súng chỉ thiên và phi công này đã giơ tay đầu hàng. Nghe tiếng súng, mọi người chạy đến khống chế, trói tay phi công. Vài ngày sau, những phi công còn lại cũng bị bắt.
"Lúc ấy tôi cao 1,47m, nặng 37kg còn người phi công cao 2,2m, nặng 125kg. Tôi là người phát hiện đầu tiên, cũng nhỏ nhất trong tiểu đội, nên mọi người đã để tôi cầm súng giải phi công Mỹ về huyện. Trên đường về, nhà báo Phan Thoan đã chụp lại khoảnh khắc này", bà Lai bùi ngùi nhớ lại.
Sau thời gian dài công tác trong quân ngũ, bà Lai đi học Y tá. Năm 1977 bà về làm ở Viện Đông Y Hà Tĩnh, lập gia đình, sinh được 3 người con. Phi công William Andrew Robinson bị bắt làm tù binh, sau đó giam giữ 2.703 ngày, đến tháng 12/1973 cũng đã được trao trả về nước.
Năm 1995, sau khi xem bức ảnh chụp “O du kích nhỏ giương cao súng”, cố đạo diễn Lê Mạnh Thích làm việc tại Xưởng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư đã có ý tưởng và làm bộ phim Cuộc hội ngộ sau 30 năm, do Hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) tài trợ. Trong phim có phân cảnh bà và William gặp lại nhau.
Không lâu sau đó, bà Lai và William được hội ngộ một cách bất ngờ. Người phi công Mỹ năm xưa đã xúc động nói: “Nếu như hồi đó một trong hai người chĩa súng bắn về phía bên kia đối phương, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”.
… Đến món quà ân tình của Chánh án TANDTC
Trong chuyến công tác về nguồn nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, gặp mặt các thương bệnh binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang tại TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã rất xúc động khi gặp và trò chuyện cùng những thương binh ở đây.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, tặng quà và trò chuyện cùng thương binh Nguyễn Thị Kim Lai trong chuyến công tác về nguồn.
Trò chuyện cùng thương binh Nguyễn Thị Kim Lai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã nói: Đất nước thực sự may mắn khi có những con người như chị, đầy gan dạ, kiên cường. Chẳng ai dám tin một người phụ nữ nhỏ bé lại đi áp giải phi công Mỹ to lớn như thế, đó thật là điều phi thường. "O du kích nhỏ" đã và sẽ luôn là biểu tượng đẹp đẽ cho các thế hệ mãi noi theo.
Cũng tại buổi gặp mặt này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã có ý định đặt làm một bức tranh đồng về hình ảnh nữ du kích năm xưa áp giải phi công người Mỹ để tặng bà Lai, nhằm thể hiện sự cảm kích, một lời tri ân đầy trân quý của Chánh án đến “O du kích nhỏ”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh trao món quà của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho “O du kích nhỏ”
Những ngày đầu tháng 9, trong không khí đất nước hân hoan kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh mùng 2/9, cũng như kỷ niệm 75 năm Ngày ngày thành lập TAND, món quà của Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh chuyển tới “O du kích nhỏ”. Bức tranh bằng đồng đã khắc họa lại một cách sinh động khoảnh khắc bà Lai năm xưa đang áp giải phi công người Mỹ, một hình ảnh đầy ý nghĩa và sống mãi với thời gian
Nhận món quà của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, bà Lai xúc động nói: Cuộc sống tuổi già bây giờ ngoài niềm vui bên con cháu thì những lời động viên, hay những món quà thể hiện sự quan tâm, biết ơn đến thế hệ chúng tôi là điều vô cùng quý giá. Đó là sự khích lệ, động viên để chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu trong xây dựng gia đình văn hóa, động viên con cháu tham gia đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Lai xúc động bên bức tranh của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tặng.
“Thực sự tôi rất vui khi nhận được món quà ý nghĩa của Chánh án TANDTC. Tôi xin được gửi lời cảm ơn đến Chánh án Nguyễn Hòa Bình, cũng như cán bộ công nhân viên chức và người lao động ngành Tòa án trong suốt thời gian qua đã luôn quan tâm, khích lệ tôi”, bà Lai không giấu nổi xúc động chia sẻ.
"O du kích nhỏ" được biết đến là tác phẩm ảnh đen trắng khổ dọc của nhà báo Phan Thoan (nguyên phóng viên Báo Hà Tĩnh). Bức ảnh miêu tả nữ dân quân đội mũ cối, hai tay cầm súng, áp giải một phi công Mỹ to lớn. Cả hai bước đi, phi công bị còng tay, đầu cúi thấp. Bức ảnh gây tiếng vang, được xem là nguồn động viên quân và dân miền Bắc chống lại chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Năm 1966, bức ảnh “O du kích nhỏ” được trưng bày trong triển lãm ảnh toàn quốc. Khi xem bức ảnh này, nhà thơ Tố Hữu đã viết 4 câu thơ: "O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu!". Hai nhân vật trong bức ảnh là nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai (ngày đó 17 tuổi, trú xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh) và phi công Mỹ William Andrew Robinson (22 tuổi). Tiếp đó, năm 1967, bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam nhân dịp máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Con tem này đã được gửi đi 167 nước, trong đó có cả Mỹ. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]