Trang

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

TỐ NHƯ NGẪM ĐỜI


Ngo Toan Thang
 đã chia sẻ một bài viết.
Hội Văn Học Nghệ Thuật Thị Xã Phú Thọ
TỐ NHƯ NGẪM ĐỜI…!!!
Thưa các bạn!
Đã 253 năm Đại Thi hào Nguyễn Du chào đời (2018 – 1765 = 253) và chỉ còn hai năm nữa sẽ tới dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất một Nhà thơ lớn của dân tộc ta và của cả nhân loại (2020 - 1820 = 200). Để giúp các bạn hiểu thêm về một bài thơ Đường luật đặc biệt còn lưu lại; chúng tôi đã sưu tầm một số tư liệu và tự cảm nhận thêm về bài thơ độc đáo của Cố Đại Thi Hào: 讀 小 青 記 - ĐỘC TIỂU THANH KÝ. (Đọc tác phẩm ký viết về nàng Tiểu Thanh : Phần dư tập).
(Để xem được phần ký tự Hán Nôm, xin các bạn vui lòng tải và cài đặt font Hanokey tại đây ạ: https://chinese.com.vn/download-font-chu-han-nom-dep-kieu-c… )
Ngoài ra chúng tôi đã thiết kế đồ họa thành file Ảnh để các bạn nhìn cho dễ.
讀 小 青 記
ĐỘC TIỂU THANH KÝ
西 湖 花 苑 賮 成 墟
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
獨 吊 窗 前 一 紙 書
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
脂 粉 有 神 憐 死 後
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
文 章 無 命 累 焚 餘
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư
古 今 恨 事 天 難 問
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
風 韻 奇 冤 我 自 居
Phong vận kì oan ngã tự cư.
不 知 三 百 餘 年 後
Bất tri tam bách dư niên hậu
天 下 何 人 泣 素 如
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
-------------
CHÚNG TÔI TẠM GIẢI NGHĨA:
Tây Hồ là một vùng danh lam thắng cảnh đẹp thuộc tỉnh Triết Giang Trung Quốc ở đó có nhiều vườn hoa đẹp (hoa uyển) nhưng đã bị biến đổi như thể gò hoang. (Tẫn – Đồ cống nạp quý báu nay thành Khư – rác rưởi nơi gò bãi hoang vu, tàn lụi).
Một mình ngồi bên song cửa đọc mảnh giấy có những bài thơ còn xót (Phần dư tập).
Phấn sáp là vật vô tri nhưng dù có thổi hồn vào về sau cũng chết (liên tử hậu). (ý nói tới người đẹp Tiểu Thanh bị mất khi còn quá trẻ).
Văn chương không có mệnh số như con người dù có đốt cháy vẫn còn vương lại cùng thời gian (lụy phần dư).
Từ bao đời nay việc tủi hận hỏi trời cũng khó lý giải nổi (thiên nan vấn).
Thói đời, vận số kỳ lạ, oan trái tự mình phải liệu lường thôi (ngã tự cư).
Không biết sau hơn ba trăm năm nữa.
Người trong thiên hạ có ai thương khóc Tố Như (Nguyễn Du).
CHÚNG TÔI TẠM LƯỢC DỊCH THƠ
Tây hồ cảnh đẹp hóa thê lương.
Tưởng viếng người xưa… có tỏ tường?
Son phấn bẽ bàng thần chẳng tụ.
Văn chương đốt dở mệnh còn vương.
Thói đời tủi hận trời khó hỏi.
Sự thế oan gia dạ tự lường.
Không biết ba trăm năm lẻ nữa.
Tố Như! Ai khóc, mấy người thương?
VÀ XIN MẠO MUỘI CHUYỂN THỂ SANG THƠ LỤC BÁT:
Tây hồ giờ hóa gò hoang,
Bên cửa viếng nàng… giấy đốt dở dang.
Phấn son, thần sắc bẽ bàng,
Văn chương đoản mệnh lại càng xót thương.
Sao trời nỡ giáng tai ương
Tài hoa, oan trái khó lường phân minh.
Ba trăm năm lẻ sau mình,
Còn ai vọng cảm, vương tình Tố Như?
-------------------------------------------
Trước hết chúng ta cùng bàn về Thi luật của bài thơ này. Thoạt nhìn ai cũng cho rằng đây là bài thơ Đường: Luật bằng vần bằng, có sử dụng thủ pháp nhất, tam, ngũ bất luận để diễn tả ý thơ của tác giả. (Những chữ in hoa là bất luận). Xin nói thêm vì sao trong các thể loại thơ nói chung, luật thơ lại có thể bất luận (không kể, không bàn) có lẽ vì thế này: Xuất phát từ thuyết Âm Dương: Trong dãy số tự nhiên của hệ thập phân, người xưa quan niệm số lẻ: 1,3,5… là dương ( cha, trời, giống đực…) số chẵn: 2,4,6… là âm (mẹ, đất, giống cái…). Dương có thể biến đổi linh hoạt, bất luận, còn âm thì bất biến ổn định, phân minh. Dương động, âm tĩnh thì tiết tấu, nhịp điệu mới ôn hòa, đan xen tĩnh động. Âm dương tương đồng, tương khắc, tương sinh và luân chuyển không ngừng.
Chúng tôi liệt kê ba cặp câu: ĐỀ, THỰC, LUẬN để thấy rõ rằng cho đến đây bài thơ hoàn toàn tuân thủ luật bằng vần bằng.
B B T T T B B
TÂY Hồ HOA uyển tẫn thành khư. (Đúng luật)
T T B B T T B
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. (Đúng luật)
T T B B B T T
CHI phấn HỮU thần liên tử hậu. (Đúng luật)
B B T T T B B
Văn chương VÔ mệnh luỵ phần dư. (Đúng luật)
B B T T B B T
CỔ kim hận sự thiên nan vấn. (Đúng luật)
T T B B T T B
PHONG vận kì oan ngã tự cư. (Đúng luật)
Riêng hai câu kết chúng tôi sẽ nói kỹ ở phần cuối bài cảm nhận này. Bây giờ chúng ta hãy điểm qua một số thông tin về bài thơ này do chúng tôi sưu tầm và chuyển tới các bạn để cùng suy ngẫm thêm.
Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh, nhiều ý kiến cho rằng nàng là người Dương Châu, con nhà gia thế, tên chữ là Phùng Huyền Huyền. Nàng là người thông minh, xinh đẹp nên từ nhỏ đã thông hiểu các môn nghệ thuật cầm, kì, thi, hoạ, lại có phong tư lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả tính hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám xuân xanh. Bao nỗi đau khổ, muộn phiền được gửi gắm vào thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt hết, may mắn còn một số bài sót lại. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là: “Phần dư tập”.
Thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, Nguyễn Du viết ra bài thơ này. Những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên, bất hạnh cũng là cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du.
Có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm ra đời của bài thơ này. Theo chúng tôi bài thơ ra đời sau khi Nguyễn Du đọc tập Ký của văn học Trung Hoa viết về: “Phần dư tập” trong thời gian đi sứ lần thứ nhất, nhưng mãi đến khi ông qua đời (1820) người nhà mới tìm thấy và coi đó như lời trăng trối của ông để lại cho đời sau.
Sinh thời, Nguyễn Du là một người cô độc, cô đơn. Không phải vô cớ trong Truyện Kiều Nguyễn Du từng thốt lên qua lời nhân vật mà ông đặc biệt yêu thương, quý trọng và kính trọng là Thúy Kiều rằng:
“Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai?”
Rồi trong giai thoại trước khi mất, ông tuyên chiến, thách đời bằng hai câu thơ kết của bài thơ này mà chúng ta sẽ bàn tới dưới đây:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
Lại một giai thoại khác: Ông ốm nặng, không chịu uống thuốc, khi đã giá lạnh đến đầu gối, người nhà hỏi ông có trăng trối gì không, ông chỉ nói: “Được” ba lần với ba canh giờ khác nhau và âm lượng yếu dần rồi mất...
Giai thoại chỉ là giai thoại, nhưng nó vẫn có phần nào hiện thực của nó. Mỗi thiên tài là một đỉnh cao. Vả lại, cái thời điểm “tam bách dư niên hậu” như nhà thơ ao ước chưa đến, mà chúng ta thì không thể sống được đến lúc ấy để mà chiêm nghiệm.
Thiết nghĩ trong cõi đời, việc hiểu người như hiểu mình là cực khó, hiểu được thiên tài còn khó gấp bội. Phải chăng câu chuyện “tri âm” dường như chỉ tồn tại trong điển cố? Nó là một khao khát cháy bỏng của con người hơn là một hiện thực?
Cho đến nay, vấn đề thời điểm ra đời chính xác của thi phẩm này vẫn còn là một tồn nghi trong giới nghiên cứu.
Hai câu mở đầu bài thơ đã cho thấy người viếng và người mất đều cô độc, cô đơn. Ý tứ đọng lại trong hai chữ độc điếu (獨吊) mà các bản dịch nghĩa của các dịch giả đều dịch là một mình (Trước song một mình viếng một tập giấy, Một mình ngồi trước cửa sổ viết một tờ thư viếng, Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ... (Chữ “độc” ở tên bài thơ có nghĩa là đọc, còn chữ “độc” này lại có nghĩa là một mình, cô đơn, cô độc, một chữ có tần số xuất hiện khá nhiều trong Đường thi). Nếu dịch “độc” là một mình e không ổn, vì một mình chưa chắc đã cô đơn, cô độc. Thật là cách mở đề kiểu: “Khai môn kiến sơn” (Mở cửa xem núi). Bài thơ đã mở ra mênh mang tâm trạng.
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư.
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”.
Hai câu thực đã hàm chứa những phũ phàng thời thế giáng oan trái lên bậc giai nhân:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu.
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.
Hai câu luận:
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn.
Phong vận kì oan ngã tự cư”.
Đây có lẽ là một trong những câu thơ ám ảnh nhất trong những câu thơ của Cụ.
Từ cuộc đời đau khổ hồng nhan, đa truân, sắc tài, mệnh yểu của Tiểu Thanh (1594-1612) sống vào triều đại nhà Minh bên Trung Hoa, Nguyễn Du (1765-1820), với sức đồng cảm lạ thường của người có cặp mắt nhìn xuyên sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới ngàn đời đã khái quát thành một trong những qui luật của muôn đời.
Nỗi đau, nỗi oan của con người, niềm uất hận của những bậc kì tài, tuyệt sắc trong thiên hạ xưa đã có, nay cũng có và có lẽ không bao giờ hết được. Nỗi đau ấy, niềm uất hận ấy đến trời cũng không có lời giải đáp. Câu thơ là sự tổng kết, sự nghiệm sinh của thi nhân về chính mình và của biết bao kiếp tài hoa, biết bao kiếp người đau khổ trên cõi nhân gian bé nhỏ tạm thời này.
Trong Truyện Kiều và trong Văn tế thập loại chúng sinh Nguyễn Du đã cất lên Tiếng kêu đứt ruột:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Cổ nhân có câu:
“Mĩ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.
Chúng tôi xin tạm dịch nghĩa:
Người đẹp xưa nay như vị tướng tài giỏi lừng danh.
Nhưng không hứa trước rằng có thể sống lâu đến bạc đầu.
Mệnh đề: “Tài mệnh tương đố” không chỉ có ý nghĩa tiên nghiệm, tiền định, ở thời Nguyễn Du, mệnh đề này có một nội dung xã hội khá cụ thể. Đây là thời đại xuất hiện hàng loạt tài năng lớn về nhiều phương diện.
Ông vua chuyên chế phong kiến phương Đông luôn cảnh giác trước tài năng, nhất là cái tài kinh bang tế thế. Người có tài có thể làm lu mờ đấng tối cao, thậm chí có thể cướp ngôi. Chế độ xã hội ấy chỉ chấp nhận người cúc cung tận tụy, thậm chí cuồng tín, ngu tín trước ông vua.
Câu tổng kết dân gian: “Ngu si hưởng thái bình” ngẫm ra thấy quả có lí. Những kẻ chỉ luẩn quẩn trong vòng mũ áo, trong cuộc tỉnh say dẫu có gặp cái cảnh thanh nhàn như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏ ban đêm cũng trơ trơ như cỏ cây, như cá chim, lại thường được sống trọn tuổi trời.
Kì lạ thay, bất công, ngang trái và oan nghiệt thay! Nhưng đó lại là một sự thực hiển nhiên khó loại bỏ.
Thế mới thấy tầm khái quát và tình thương Nguyễn Du dành cho thân phận con người mênh mông nhường nào. Con người đặc biệt là người tài, người đẹp chính là sự kết tinh những phẩm giá người cao nhất, lại thường đau khổ. Mang cái tài, cái đẹp chính là mang cái mầm mống của khổ đau, mang cái “bản án của định mệnh” phũ phàng nghiệt ngã...
Ngay từ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Du đã chỉ ra sự bất công của tạo hoá, sự đành hanh của số đất, mệnh trời. Thương người như thể thương thân, thương thân như thương người, phải chăng đó là Nguyễn Du? Ông đã nhìn ra trong nỗi đau của đồng loại nỗi đau của chính mình, và trong nỗi đau của chính mình, ông thấy được nỗi đau của đồng loại.
Giọt nước mắt khóc nàng Tiểu Thanh trở thành lời ai điếu cho mọi kiếp tài hoa, bạc mệnh, trở thành giọt nước mắt khóc chính mình. Vì sao sắc tài thường khổ? Vì sao thân phận con người lắm những nỗi đau? Câu hỏi ấy vẫn treo lơ lửng giữa trời xanh. Bao giờ và ai là người giải đáp hữu hiệu? (Dù hiện nay chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… nhưng mới chỉ là phấn đấu thôi, hiện thực vẫn còn cần nhiều trải nghiệm tích cực và cần nhiều thời gian hơn nữa).
VỀ CẶP CÂU THƠ KẾT:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Không biết sau ba trăm năm lẻ nữa – Thiên hạ có một ai đó khóc thầm tố Như):
Quay trở lại câu thừa đề (câu số 2), trước hết nói về hai chữ: “Độc điếu”.
Nó không chỉ hiển hiện thành câu chữ ở cặp câu đề, nó thấp thoáng ẩn hiện trong cặp câu thực:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu.
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.
Nó âm vang trong cặp câu luận và đến đây nó lại thấp thoáng hiện ra trong cặp câu kết ở khát khao, ở băn khoăn day dứt không biết sau ba trăm năm lẻ có một ai đó dưới gầm trời này khóc thầm (khấp (泣) chứ không phải khốc) mình. Tố Như chỉ cần một ai đó (hà nhân (何人) chứ không phải là số đông, rất nhiều người.
Hai chữ: “Độc điếu” chính là nhãn tự, huyệt đạo của thi phẩm này vậy. Phải chăng đó là hai chữ thể hiện được tâm sự về nhân thế, thời thế, thân thế của Tố Như?
T T B B B T T (Đúng luật)
Bất TRI tam BÁCH dư NIÊN hậu, (Sai luật)
B B T T T B B (Đúng luật)
Thiên HẠ HÀ NHÂN khấp TỐ Như? (Sai luật)
( NHỮNG CHỮ IN HOA LÀ SAI LUẬT)
Đến đây chúng ta nhận ra điều lạ: Câu kết là câu thơ thất niêm (MẤT NIÊM, SAI LUẬT).
Đang luật bằng vần bằng đột ngột chuyển sang luật trắc vần bằng.
Nếu thể theo quy định các cuộc thi thơ thì bài này bị loại bỏ ngay từ vòng đầu.
Nhưng trái lại, như chúng ta đã biết, thi phẩm độc đáo này còn mãi với thời gian. Người dám làm điều ngoạn mục, lạ kỳ, thất niêm này, rõ ràng rất giỏi về phép tắc làm thơ Đường luật. Việc chuyển luật, phá lệ khắt khe này, không thể nói Nguyễn Du nhầm lẫn khi sức khỏe đã sắp đến lúc lâm chung, mà là ông đã chủ ý, cố tình phá phách, đạp đổ cái luật lệ của xã hội Phong kiến đương thời hà khắc, khắt khe, vô lý bao đời nay đã làm oan khổ vô vàn tài tử, giai nhân.
Tuy vậy, lại cũng nên biết rằng: bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu - bài thất ngôn bát cú được coi là một trong 10 bài thơ hay nhất của thơ Đường, thì câu thơ thứ tư: “Bạch vân thiên tải không du du” (Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi)… cũng là câu thơ phạm luật, thất niêm.
Điều này cho thấy tài năng thiên bẩm có khi tuân thủ qui củ chung, nhưng cũng có khi vượt qua qui củ, họ tạo nên những phép tắc và luật lệ mới. (Một mầm non mới nhú từ hạt giống “cách mạng”).
--------------------------------
Chúng ta bàn thêm về khoảng thời gian: “Tam bách dư niên… - Ba trăm năm lẻ...”.
Một thời gian dài người ta cho rằng đó là khoảng thời gian từ khi Tiểu Thanh mất đến khi Nguyễn Du viết bài thơ này.
Nhưng căn cứ vào tiểu sử của nàng do một số ghi chép của văn nhân nước Tàu, thì tính cách nào cũng không đủ ba trăm năm lẻ. Có người lại cho 300 năm là thời gian luân hồi ba kiếp của một con người theo quan niệm của Phật giáo, nhưng ở đây là: “Tam bách dư niên” (ba trăm năm lẻ) khác với: “Tam bách niên”.
Quả đúng là con số ước lệ, nhưng tại sao lại ước lệ là ba trăm năm lẻ chứ không phải là một trăm năm, bốn, hay năm trăm năm, thậm chí ngàn năm?.
Vậy nên lí giải thế nào? Có lẽ là thế này chăng? Theo quan niệm của người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử, những bậc thánh nhân trong lịch sử phải năm trăm năm mới xuất hiện một lần, khi thánh nhân ra đời có điềm lành chỉ báo, đó là phượng hoàng kì lân hiện ra. Nguyễn Du rất chân thực, trung thực với mình và với tha nhân. Ông tự nhận mình không phải là thánh nhân, cũng không phải thường nhân, ông tự thấy mình thuộc lớp tài tử, tri âm với giai nhân Tiểu Thanh. Phải chăng tài tử, giai nhân khoảng ba trăm năm lẻ là chu kì để họ hội ngộ, tái xuất? Thời điểm ấy chưa tới, hãy chờ đợi. Lúc đó, có thể sẽ xuất hiện một “Tiểu Thanh” hoặc “Tố Như” mới nào đó chăng.
Nếu có điều gì chưa ổn chúng tôi mong nhận được sự góp ý bổ sung và hiệu chỉnh của các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]