MỐI TÌNH CHỊ - EM TRONG THƠ HOÀNG CẦM
“Yêu mà vẫn Em Chị, phân biệt ngôi thứ chứ không hòa đồng thì chỉ có thể là một tình yêu kiểu Ơđíp...“Lá Diêu bông” là ước mơ tình dục bất hợp pháp đã chi phối suốt cả cuộc đời Hoàng Cầm”.(Đỗ Lai Thúy)
Đa tình, giàu tình cảm dường như là năng lực thường thấy ở người nghệ sĩ, và Hoàng Cầm là một “thi sĩ đa tình” vào bậc nhất. Mười ba người đẹp đã đi qua đời ông, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca của ông và in dấu lên khoảng ba trăm bài thơ mà bài nào cũng dào dạt tình cảm, bởi lẽ, với Hoàng Cầm mối tình nào cũng là tình đầu. Nhưng người ta nhớ nhiều đến Hoàng Cầm không phải bởi những bài thơ với mối tình anh – em thường thấy mà là những bài thơ ghi dấu những tình cảm “ngược đời”: mối tình chị-em.
Cả các nhà nghiên cứu lẫn người yêu thơ Hoàng Cầm đều thống nhất rằng: Hoàng Cầm sáng tác nhiều nhưng “Về Kinh Bắc” là tập thơ thể hiện sự đột khởi lạ lùng trong nghiệp thơ của ông. Với “Về Kinh Bắc” Hoàng Cầm đã làm một cuộc hành hương về nơi chôn nhau cắt rốn, một cuộc trở về bằng mộng tưởng, một “giấc mơ hồi cố” (Đỗ Lai Thúy) để tìm về chốn bình yên nhất của tâm hồn sau những ba động cuộc đời... Tập thơ là tinh hoa của cả đời thơ Hoàng Cầm như bản thân ông từng khẳng định trong một lần tâm sự: “Tôi từng nói với các nhà phê bình là muốn nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, chỉ cần mỗi tập thơ đấy thôi cũng đủ... Tất cả đặc điểm, tính chất và linh hồn thơ Hoàng Cầm nằm cả trong “Về Kinh Bắc”[1].
“Về Kinh Bắc” quy tụ 48 bài thơ và chia thành tám nhịp thì sức nặng dồn cả vào nhịp năm với năm bài thơ làm nên “linh hồn” của cả nhịp: “Cây Tam cúc”, “Lá Diêu bông”, “Quả vườn ổi”, “Cỏ Bồng Thi”, “Nước sông Thương”. Điều đặc biệt ở năm bài thơ này là nhân vật trữ tình, nhân vật xưng “Em”, là một cậu trai tám tuổi mang một mối tình đơn phương với “Chị” – những “nàng thơ” gợi hứng, gợi tứ cho biết bao tình khúc bất hủ của Hoàng Cầm. Đó là chị Vinh trong “Lá Diêu bông” (một cô gái hàng xóm gấp đôi tuổi Việt - tên thật của Hoàng Cầm - bấy giờ), chị Nghĩa trong “Cây Tam cúc” (một chị gái thôn quê xinh đẹp hơn Việt hai tuổi), chị Bắc và một vài chị khác nữa mà ông không tiết lộ tên. “Em” yêu “Chị” bằng tất cả sự ngây thơ và già dặn, thầm lặng và dai dẳng. Đó không phải là một mối tình trẻ con mà là “tình cảm trai gái thật sự”(dẫn lời Hoàng Cầm) với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, để rồi gần bảy mươi năm sau, mỗi khi nhắc lại cuộc tình với một trong số những người con gái ấy Hoàng Cầm vẫn không thôi khắc khoải: “Trước mắt tôi, Chị (chị Vinh - BHY) hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả đến học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường… Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt bốn năm trời, đến năm tôi mười hai tuổi thì chị đi lấy chồng”[2] . Tình yêu dẫn dắt “Em” theo “Chị” từ “cánh đồng chiều cuống rạ” qua “cầu bà Sấm bến cô Mưa”, lên đầu “ngọn sông Thương”, đến tận “vách đá cheo leo” của “ngọn Kì Cùng”. Em si mê bơ vơ mải miết kiếm tìm, đuổi bắt tình yêu trong chập chờn vô định, như “tìm tiếng vang mình” trong những “ngày tháng lụi tìm không thấy”, để rồi“Ù ù gió thổi/ Em vọng ai đâu mà hóa đá”. Mối tình ấy thật cũng hư ảo, vi diệu như chiếc lá Diêu bông!
Đọng lại trong tâm trí nhiều người sau khi đọc “Lá Diêu bông” là hình ảnh một cậu bé con cầm chiếc lá Diêu bông trong tay, mải miết đi theo “Chị” xuyên qua cả thời gian (từ buổi chiều nắng hanh vàng rộm - “hai ngày” - “mùa đông sau” - “ngày cưới chị” - “chị ba con”...) lẫn không gian (từ cánh đồng đã gặt hết chỉ còn trơ cuống rạ đến đám cưới chị và cuối cùng là không gian vô định “đầu non cuối bể”). “Đứa nào tìm được lá Diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng” – lời nói như trêu đùa, như bỡn cợt ấy không lúc nào thôi réo gọi trong tấm lòng cô đơn, trống trải của cậu con trai sớm đã si tình. Yêu mà không được đáp lại đó là những xúc cảm trái chiều giúp sản sinh ra thơ tình muôn thủa. Có nỗi thất tình sinh ra Nguyễn Bính, nỗi khác sinh ra Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Vậy thứ tình nào làm thành ẩn ức thơ Hoàng Cầm? Theo nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn đó là “mối tình nghẹn”, “mối tình thơ non ra quá sớm, lại quá khỏe, quá dai dẳng”[3]. Sự xót xa, nghẹn ngào làm thành những “quãng lặng” đầy dư âm, đầy trăn trở cho mỗi trang thơ Hoàng Cầm: “Hai ngày sau/ Em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu/ Đâu phải lá Diêu bông/…Từ thủa ấy/ Em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông hời…/ …Ới Diêu bông”(Lá Diêu bông), “Năm sau giặc giã/ Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới Chị/ Võng mây trôi/ Em đứng nhìn theo/ Em gọi đôi”(Cây Tam cúc), “Ngày Chị bảo em quên/ con bạc má lại về cành chanh/ Thương em hay giận Em chả biết”(Nước sông Thương),“Lắc đầu hoa tím rụng/ Ngó rừng xanh Em hỏi ngọn nguồn/…Biết rồi/ thôi”(Cỏ Bồng Thi)…
Hoàng Cầm tự nhận mình theo “dòng mẫu hệ”, người ta cũng hay bàn đến “yếu tố nữ tính trong thơ Hoàng Cầm” với những hình ảnh đậm chất phồn thực về những người phụ nữ: người Mẹ, người Chị, người em. Hình ảnh mẹ làm nên phần linh thiêng của thơ Hoàng Cầm, “mẹ là hiện thân trọn vẹn nhất, sinh động nhất của quê hương” (nhận định của Hà Minh Đức), hình ảnh “em” làm nên phần tình tứ, đắm say…Còn Chị? Hình ảnh Chị làm nên phần đáng nhớ nhất của thơ Hoàng Cầm - ẩn ức – một thứ ẩn ức đòi được giải tỏa, và nó đã được giải tỏa, siêu thăng thành những thi phẩm nghệ thuật của ông.
Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã giúp ta gọi tên những ẩn ức ấy khi đưa ra nhận định: “Về Kinh Bắc là một vũ hội hóa trang của các hình ảnh, màu sắc, âm thanh, nhịp điệu, tưởng như hỗn độn, nhưng thực ra được gắn kết với nhau bởi một ẩn ngữ – mặc cảm Ơđíp* – và được viết ra bằng bút pháp của sự ham muốn”[4]. Là một di sản của loài người từ thời tiền sử, “mặc cảm Ơđíp” có trong mỗi người nhưng sự diễn biến và quá trình hóa giải nó thì không ai giống ai. Người bình thường giải tỏa nó trong những giấc mơ, người nghệ sĩ giải tỏa nó trong những sáng tạo nghệ thuật. Ở những người thời thơ ấu có hoàn cảnh đặc biệt gây ra những chấn thương tâm lý, những ám ảnh hoặc những huyễn tưởng cá nhân, thì phức cảm này rất mãnh liệt, và sự giải tỏa nó là vô cùng khó khăn. Hoàng Cầm là một người có tuổi thơ như thế…
Mẹ Hoàng Cầm là một cô gái Quan họ làng Bựu, một làng quan họ nổi tiếng xứ Kinh Băc xưa. Bà cũng là một cô gái có “nhan sắc óng ả, kiều diễm, có đôi mắt “lúng liếng” thật tình tứ, đôi mắt rất quan họ, có dáng đi thanh tao, đài các, uyển chuyển”(Vĩ thanh – Về Kinh Bắc)[5]. Một người đàn bà tài sắc như vậy nhưng đến khi làm vợ, làm mẹ lại phải chịu một cuộc sống hẩm hiu.
Tất cả những điều ấy đã in hằn lên tâm thức tuổi thơ ông, làm thành một nỗi buồn dai dẳng và sớm định hình những cảm xúc trước tuổi. “Không hiểu sao, tôi sớm có cái buồn cô đơn ngay từ những năm lên sáu, lên bảy tuổi. Bẩm sinh chăng? Hay chính nỗi buồn của người con gái tài sắc lấy chồng từ năm mười bảy tuổi mà phải sống cô đơn đến hơn mười năm?”(Vĩ thanh)[6]. Nỗi buồn ấy thực ra là mặc cảm Ơđíp, yêu mẹ ghét bố. “Bố tôi nguyên là một nhà nho, ba lần thi trường Nam Định không đậu nổi cái cấp hạng bét là tam trường, sau đó bất đắc chí, bỏ làng đi dạy học lang thang, rồi làm thầy lang cũng lại lang thang chữa bệnh khắp các huyện trong hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang”(Vĩ thanh)[7]. Không khó để nhận ra trong những lời kể về bố mình Hoàng Cầm đã thêm vào đó chút giễu cợt thậm chí là mỉa mai.
Lí thuyết Phân tâm học của S. Freud cũng thừa nhận sự chuyển di vị trí trong tam giác cha – con – mẹ của mặc cảm Ơđíp (ngôi cha có thể chuyển sang một người đàn ông khác, ngôi mẹ có thể chuyển sang một phụ nữ khác) trên cơ sở những tương đồng nào đó. Ở Hoàng Cầm, tình yêu với mẹ đã được di chuyển sang Chị, trước hết và nổi bật nhất là với chị Vinh hàng xóm, có lẽ bởi cả hai người đều đẹp và hát quan họ hay. Bài thơ tình đầu tiên của Hoàng Cầm là những dòng lục bát chép nắn nót với lời đề tặng: “Em gửi chị Vinh của Em”.
Trong điếu văn đọc tại tang lễ Hoàng Cầm, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: sinh ra ở Bắc Ninh dường như là một "biệt đãi của số phận" dành cho Hoàng Cầm, bởi lẽ "để làm một thi nhân, không còn mong ước gì hơn là được sinh ra, tại một vùng quê phong tình vào bậc nhất của đất Bắc, được bồi đắp cái năng lượng sống tối đa đủ tươi tốt cho cả đời người"[8]. Nhờ sự biệt đãi này văn học nước nhà có được một thi sĩ đa tình vào bậc nhất, và những bài thơ về mối tình chị - em như những viên ngọc sáng lấp lánh, làm nên nét độc đáo hiếm có.
Bùi Hải Yến
Chú thích:
(*) Mặc cảm Ơđíp: Oedipus (phiên âm tiếng Việt là Ơ-đíp hay E-đíp) là một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trong thần thoại Hi Lap, nhưng lại có cuộc sống hôn nhân gia đình đầy bi kịch (xem Thần thoại Hy lạp).
Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã mượn truyền thuyết này để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ mang tên “mặc cảm Oedipus”: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình và như thế, bố mẹ vô hình chung đã trở thành “tình nhân” và “tình địch” đầu tiên của trẻ. Thuật ngữ này sau đó được hiểu rộng hơn trong nghiên cứu văn học nghệ thuật, đó là những mặc cảm của con người (nổi bật nhất ở người nghệ sĩ) khi ấp ủ những khát vọng loạn luân thầm kín, những ham mê tội lỗi, những cảm xúc vượt khỏi quy chuẩn xã hội...
[1] Hoàng Cầm (trả lời phỏng vấn), Trời bắt tội tôi yêu sớm. Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net.
[2] Hoàng Cầm, Tám nhịp tuần du, NXB Văn học, H.1999.
[3] Chu Văn Sơn, Hoàng Cầm – gã phù du Kinh Bắc. Nguồn: www. Talawas.org
[4] Đỗ Lai Thúy, Bút pháp của ham muốn, NXB Tri thức, H.2009.
[5] Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc (tập thơ), NXB Văn học, H. 1999.
[6] Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc,...đd.
[7] Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc,...đd.
[8] Lưu Hà, Chiều “cúi lạy” Hoàng Cầm “về Kinh Bắc”. Nguồn: vietbao.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]