Trang

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

BỨC THƯ VIẾT CÁC ĐÂY 7 NĂM

BỨC THƯ NGỎ VIẾT CÁC ĐÂY 7 NĂM CHO MỘT CÔ GIÁO DẠY VĂN GIỎI CHỈ MUỐN ONLINE NHƯNG TUYỆT ĐỐI KHÔNG MUỐN OFFLINE VÀ KHÔNG THÍCH BÀN ĐẾN VĂN HỌC.
31/05/10 lúc 9:53 PM
T. H quý mến!
Để có thêm tư liệu về nhà thơ Hoàng Cầm tôi gửi thêm cho em một bài viết của một người mến ,mộ Hoàng Cầm để ta cùng trao đổi nhé. 
Thi sĩ Hoàng Cầm: 75 tuổi còn đi tìm lá...
Lý Nguyên Anh
Tôi quen biết Hoàng Cầm khoảng đầu những năm 80, nhân một lần thi sĩ Phùng Quán rủ tôi đến nhà ông uống rượu. Bấy giờ, vì sinh kế, thi sĩ mở lén một quán rượu trong nhà, cho bạn bè văn nghệ sĩ tới đàm đạo văn chương. Thi sĩ Hoàng Cầm bán rượu một cách chậm rãi và hờ hững, nhiều lúc đầu óc ông cứ để đi đâu đâu, khách gọi thêm rượu, thêm đồ mồi hai, ba lần ông mới như sực tỉnh, vớ chai rót tràn cung mây. Sau này, tôi mới biết, đó là những khoảng thời gian ông đang thai nghén tập thơ kỳ diệu nhất của mình - tập "Về Kinh Bắc" - mà sau này khiến ông gặp bao hoạn nạn. Tôi may mắn được đọc bản thảo tập thơ ngay từ những ngày ấy và nhiều bài như "Cây tam cúc", "Quả vườn ổi", "Lá diêu bông"... đọng trong trí nhớ của tôi tự bấy đến giờ. 
Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 tại Bắc Ninh. Bút hiệu Hoàng Cầm ông tự đặt cho mình vào năm 1937, khi đang viết kịch thơ "Hận Nam quan". Như vậy, Hoàng Cầm viết kịch thơ từ khi chưa đầy 16 tuổi. Những lúc vui vẻ, ông thường nói đùa: "Cái tên Hoàng Cầm không phải là cây đàn vàng đâu, mà là vị thuốc đắng nhất đấy!". 
Ông thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu năm 1946, khi ông cùng bạn bè góp tiền dựng kịch "Kiều Loan" và chỉ công diễn được một lần trên sân khấu Nhà hát lớn. Bù lại, ông có được mối tình với bà Tuyết Khanh - nghệ sĩ đóng vai chính và cô con gái mang tên Kiều Loan là kết quả của mối tình lãng mạn ấy. Hiện giờ, Kiều Loan đang sống với mẹ ở Mỹ. Vở kịch này đã được đem đi lưu diễn khắp nơi, nghe nói, được bà con Việt Kiều hoan nghênh lắm. 
Hoàng Cầm làm thơ và biết yêu từ rất sớm. Nỗi khao khát yêu đời, yêu người dường như lúc nào cũng cháy bỏng trong ông và hiện hình thành những vần thơ da diết và luống cuống. Bây giờ, đã tròn 75 tuổi mà lúc nào Hoàng Cầm cũng "dọa" sắp cưới vợ. Anh em nghe ông nói thì cho là ông đùa, còn ông lại tin là thật. Một niềm tin rất đỗi "thơ ngây" mà chỉ một thi sĩ đích thực mới có được, bởi vì, như ông nói, thi sĩ còn trẻ mãi. 
Trong 60 năm cầm bút, Hoàng Cầm đã viết rất nhiều, viết hàng ngày và nhờ vậy, số lượng tác phẩm của ông khá lớn (trên 10 tập). Có thể nói, với khối lượng thơ đồ sộ ấy, Hoàng Cầm đã bước thẳng vào văn đàn Việt Nam bằng những bước chân đĩnh đạc. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ ghi nhận ông bên cạnh những tên tuổi thi sĩ hạng nhất của nước nhà. 
Bây giờ, tuy sức khỏe đã sút kém, nhưng Hoàng Cầm vẫn viết đều. Ông dự định cho in một tập "Văn xuôi Hoàng Cầm" và tập "Hoàng Cầm hồi ký". Chiều chiều, bên quán nước ở vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ông vẫn thường đọc thơ cho chúng tôi nghe. Giọng ông vẫn sang sảng và thơ ông vẫn tràn ngập tình yêu. 
THƯ TRẢ LỜI 
Từ: T.H <luongha14775@yahoo.com.vn>
Đến: dizikimi@yahoo.com
Gửi ngày: 0:01:43, Chủ nhật, 30 tháng 5 2010 
    Em chào thầy!
    Em định viết cho thầy từ tối qua, nhưng không thể thầy ạ, vì em còn bao nhiêu việc bắt buộc phải hoàn thành, chủ yếu là hồ sơ thi đua cuối năm. Hôm nay thì mọi việc đã tạm xong, nên em mới lại có thời gian để viết cho thầy.
Mấy tuần nay tâm trạng em không được tốt thầy ạ. Không phải vì chuyện riêng, mà hoàn toàn chỉ là vì công việc. Cứ mỗi dịp cuối năm như thế này, em thấy "sợ" quá! Vừa "sợ", vừa chán, lại vừa buồn. "Sợ", chán và buồn cho cái cơ chế của ngành giáo dục! Làm khổ giáo viên bằng những quy định, những luật lệ vô cùng hình thức. Nói ngay cái việc thi đua cuối năm mà em vừa làm xong đây, nó nhiêu khê vô cùng; nó làm chúng em khó chịu và thấy "ớn", chứ không hề cảm thấy được động viên khích lệ, không hề thấy có chút gì gọi là "phấn khởi".  Em vốn là người giỏi chịu đựng, bền bỉ được, nhẫn nại được, vậy mà có lúc em đã có cảm giác như đầu sắp nổ tung, muốn "tung hê" tất cả, huống hồ là các giáo viên trẻ. Nhìn các em trẻ tuổi, mới bước vào nghề, phải chịu áp lực công việc và muôn ngàn thứ "dở khóc dở cười" mà em thấy thương quá thầy ạ! Cho đến tận bây giờ em vẫn không ân hận khi chọn nghề giáo viên. Nhưng quả thật là em buồn! Ở đời này người ta thường mong được trẻ lâu, mong tuổi già chầm chậm hãy tới, nhưng đối với em thì đã có lúc em mong tuổi già nhanh tới với mình, để được nghỉ ngơi, như thầy bây giờ chẳng hạn: ngày nào cũng là chủ nhật, muốn đi đâu, muốn làm gì, hoặc muốn gặp ai..., đều tùy ý mình...; như vậy chẳng phải là hạnh phúc hay sao? Tất nhiên, trước đây em không bao giờ nghĩ thế. Những suy nghĩ này chỉ mới nảy sinh trong thời gian gần đây thôi thầy ạ. Vì thầy cũng trong nghề, lại là người đi trước nên em mới nói với thầy về điều này. Thầy đã đi trọn cuộc đời dạy học, chắc hẳn thầy thấy rất thấm thía những điều em vừa nói; còn em mới đi được nửa chặng đường, nhưng cũng đã thấy "thấm" lắm rồi thầy ạ!
    Thôi, về chuyện này em chỉ xin nói với thầy đôi chút như vậy, cho nhẹ lòng hơn thôi ạ!
    Bây giờ có lẽ thầy trò mình sẽ nói chuyện khác, thầy nhé! Hôm qua, nhận được thư của thầy, em rất mừng.Và cũng có một điều thú vị nữa thầy ạ. Thầy trách em là sao không gọi điện hoặc nhắn tin cho thầy, để phải dằn vặt. Thực ra thì không đến nỗi dằn vặt đâu ạ, chỉ là một chút băn khoăn thôi mà thầy.Nhưng em không gọi điện cho thầy là vì vừa gửi bức thư ấy đi hôm trước thì hôm sau em nhìn lịch và chợt nhớ ra là đến ngày hội Gióng ( Em cũng nhớ ngày hội này). Vậy là em đoán ngay thầy đi hội. (Thế mà đúng thầy nhỉ?) Chính vì vậy em không dùng điện thoại để liên lạc với thầy.
    Thưa thầy! Em đã nói rằng em rất trân trọng khi thầy tự nguyện cho em số điện thoại của thầy. Và em đã lưu nó lại. Nhưng thưa thầy, em đã hai lần nói với thầy rằng, nếu không phải là những tình huống "vạn bất đắc dĩ " thì em sẽ không sử dụng phương tiện này. Nói chuyện qua điện thoại thì cũng gần như là nói chuyện trực tiếp. Em thấy không được thoải mái lắm. Vả lại ,có điều này em tin chắc rằng em nghĩ đúng, đó là, nói chuyện bằng ngôn ngữ viết vẫn là dễ nhất trong tất cả các hình thức giao tiếp. Thầy có công nhận với em rằng có những điều người ta rất khó có thể nói trực tiếp, mà phải nhờ đến ngôn ngữ viết không, thưa thầy? Thầy trò mình đang giao tiếp bằng ngôn ngữ viết đây, vậy thì sao lại cứ phải nhờ đến chiếc điện thoại, thưa thầy?! Thực sự có cần thiết không ạ? Thầy nói rằng: "đến giờ này em vẫn không dùng điện thoại với tôi, thì kể cũng lạ". Em thì em lại thấy không lạ, thưa thầy. Đơn giản là vì em muốn trò chuyện với thầy chỉ bằng cái tâm của mình, thầy ạ. Em không quan niệm rằng muốn trò chuyện được với nhau thì người ta dứt khoát phải nhìn thấy nhau hoặc phải nghe giọng nói. Chắc chắn một điều rằng, khi gọi điện, em không thể nói với thầy như em đang viết đây.
    Và cũng liên quan đến điều này, em xin bày tỏ ý kiến của em về điều thầy hỏi. Sắp tới thầy muốn sang thăm gia đình thầy Mai, nhân thể thăm gia đình em. Em rất cảm ơn nhã ý của thầy. Nhưng có lẽ em phải từ chối cuộc gặp này thầy ạ. Em xin lỗi thầy, vô cùng xin lỗi, khi phải nói ra điều này, nghe thì có vẻ bất nhã, bất kính với thầy, nhưng em không thể nói dối! Em không cho phép mình nói khác đi với quan điểm, với cái tâm của mình, chỉ để làm người khác hài lòng. Nếu thầy có buồn, có không hài lòng, có trách em, thì em xin chịu! Nhưng xin thầy hãy nghe em nói về chuyện này một chút, để thầy hiểu rõ quan điểm của em, kẻo trong những chuyện như thế này em thấy thầy trò mình chưa có được tiếng nói chung. Thưa thầy, thực ra em không ngại gì cả. Em cũng không khó tính; em cũng không trẻ con, không ngờ nghệch, ngớ ngẩn, lẩn thẩn đến mức phải "cảnh giác" cao độ như vậy đâu ạ. Thực ra, nếu em gặp thầy thì cuộc gặp này cũng sẽ như bao cuộc gặp khác, sẽ chẳng có ai làm gì em cả, sẽ chẳng có chuyện gì "động trời" cả. Em nói vậy để thầy biết rằng em đang nghĩ rất nghiêm túc và nói với thầy rất thật, hoàn toàn không phải là những lời lấp liếm, đẩy đưa, hời hợt, xã giao. Vậy thì vì sao em không muốn thầy trò mình gặp nhau ngoài đời? Thưa thầy, em thấy rõ một điều rằng khi người ta gặp nhau rồi, được tận mắt nhìn thấy nhau rồi, thì nhiều chuyện sẽ khác đi đấy ạ... Vừa rồi, em có đọc được tâm sự của một bạn trên mạng, rằng bạn ấy muốn có một người trong "thế giới ảo" này, hoàn toàn ảo, không biết bạn ấy là ai, bạn ấy cũng không biết người ấy là ai, chỉ cần hiểu nhau và có sự đồng cảm trong suy nghĩ, như vậy thì bạn ấy mới có thể dốc bầu tâm sự, và đặc biệt mới có thể nói ra những điều mà đối với những người đã biết mình thì lại không thể nói...; vì đối với những người quen biết ngoài đời, bạn ấy vẫn phải e dè, sợ bị đánh giá, sợ những ánh nhìn... Thầy biết không, suy nghĩ của bạn ấy cũng chính là suy nghĩ của em đấy. Và trong chuyện này em tin rằng mình có lý. Thời gian qua, em đã nói chuyện với thầy rất chân tình, thoải mái. Nhưng bây giờ, nếu có cuộc gặp này, khi thầy đã biết em, em đã biết thầy, thì em e rằng về phía bản thân em sẽ không còn có được sự thoải mái trong trò chuyện với thầy đâu thầy ạ. Xin thầy đừng cho rằng em tự ty, cũng xin thầy đừng cho rằng như vậy là đối với những người đang sống xung quanh em, em luôn giả dối, không bao giờ thật lòng. Hoàn toàn không phải vậy thầy ạ. Thầy có công nhận với em rằng, có những điều riêng tư nhất, sâu kín nhất thì người ta lại chẳng thể nói hết với những người đang ở xung quanh mình, những người biết mình, nhưng người ta lại có thể nói với người bạn không hề biết mặt, chỉ đơn giản là vì: bạn không biết tôi là ai, tôi cũng không biết bạn là ai... Đó là lý do khiến em không muốn gặp trong đời thực bất cứ một người bạn nào quen trên mạng.    
    Đấy, em đã nói hết những suy nghĩ và quan điểm của em. Em biết rằng thầy sẽ không vui. Nhưng em nghĩ thầy trò mình đã là bạn thì nên hiểu nhau. Tình bạn nếu muốn bền thì phải dựa trên cơ sở THẤU HIỂU và TÔN TRỌNG ( ở đây em muốn nói là tôn trọng cá tính riêng, ý muốn riêng... của nhau). Em mong rằng ý muốn và quan điểm rất riêng này của bản thân em sẽ được thầy tôn trọng. Được thế thì niềm vui của em sẽ rất lớn đấy thầy ạ, vì khi ấy em cảm nhận được rằng lời nói của mình, quan điểm của mình được người khác lắng nghe, thấu hiểu. Đối với em đó mới là điều có ý nghĩa nhất. Vậy một lần nữa em xin từ chối cuộc gặp này, và vì vậy, mong thầy đừng tìm gặp em! Thầy trò mình hãy cứ là thầy trò, là bạn như thế này thầy ạ! Không gặp thầy nhưng không có nghĩa là em không thật lòng! Một lần nữa rất mong thầy hiểu cho em. Mà em tin thầy là người từng trải, thầy sẽ hiểu hết những điều em vừa nói. Em cũng tin là những suy nghĩ của em không sai, chỉ có điều, thầy có thật sự hiểu và đồng cảm không thôi ạ!
    Vừa rồi thầy có cuộc gặp với chú CUA ĐỒNG, đúng không ạ? Nhưng thầy và chú ấy gặp nhau khác hoàn toàn việc em và thầy gặp nhau. Còn khác như thế nào, em không cần nói chắc chắn thầy cũng hiểu rõ.
    Thư này em chỉ nói chuyện cuộc sống với thầy. Hẹn thư sau em sẽ tiếp tục nói chuyện văn thơ với thầy. Em xin dừng đây ạ, vì thư cũng đã dài quá rồi!
Em chào thầy và hẹn gặp lại thầy!
T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]