Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

NÀNG TÔ THỊ



Sau khi NÀNG TÔ THỊ một thắng cảnh của Lạng Sơn bị đổ vỡ nhiều tin đồn cho rằng có kẻ vô văn hóa đã đập Nàng để lấy đá nung vôi. Tin đồn khắp nước thậm chí còn đồn ra cả nước ngoài.Một làn sóng công phẫn trên các thông tin đại chúng. Nhiều báo chí lên án mạnh mẽ.Một lần lên Lạng Sơn tôi leo lên tận chân tượng Nàng Tô Thị ( được đắp bằng xi măng) để chụp ảnh mà cảm thấy xót xa.Nàng hóa đá đã đành vì chờ chồng mòn mỏi .Nhưng đứa con có tội tình gì đâu mà cũng phải hóa đá. Trong tâm trạng bức xúc vừa giận kẻ đã đập phá Nàng Tô Thị vừa thương đứa bé con Nàng Tô Thị tôi viết như sau:

MUỐN ĐÓN CON NÀNG TÔ THỊ


Muốn lên đây đón con Nàng

Nghe đồn Nàng bị chúng phang mất rồi

Đập ra lấy đá nung vôi

Thân Nàng vỡ vụn , rụng rơi tan tành

Để đền cái tội tầy đình

Chúng đem xây lại khối hình xi măng

Trông xa nhang nhác giống nàng

Lại gần trông thật phũ phàng, đớn đau

Thôi đành vậy biết làm sao

Từ xa tưởng tượng trên cao bóng Nàng

Thành nhà Mạc gió mang mang

Bỗng nghe văng vẳng mơ màng thơ xưa

" Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh "

Thân Tô Thị đã tan tành

Hồn Nàng còn mãi quẩn quanh nơi này

Cho dù có đứng mãi đây

Chờ chồng chàng cũng chẳng quay về nào

Con Nàng, nàng tính làm sao

Bên Nàng nó chịu biết bao ưu phiền

Muốn con mình được bình yên

Thả con ra để tôi lên đón về .

DIZIKIMI

Kỳ 1: Vụ án tày đình
Tượng nàng Tô Thị ở quần thể di tích – thắng cảnh Tam Thanh, thành phố biên ải Lạng Sơn là một trong những chủ đề cho nhiều ca khúc, bài thơ, cảm xúc sáng tác của người Việt Nam qua bao thế hệ, trong đó có trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ.

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”


Núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.

Ông Quyết ngày ngày ngồi dưới chân nàng Tô Thị để tự minh oan cho mình. Ảnh: Đoàn Đạt
Kẻ tội đồ
17g chiều ngày cuối tuần 27.7.1991, trong khi mọi người dân sống dưới chân núi đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì một cơn mưa tầm tả, một cơn mưa mà ông Đồng Văn Hàm, một cư dân ở ngay phía dưới chân núi Tô Thị, bảo là mưa như “trút hết cả nước từ trời xuống” rồi một tiếng nổ rất lớn chấn động quanh vùng. Và chuyện “động trời” đã xảy ra: nàng Tô Thị đã đổ sụp hoàn toàn!
Tin lan nhanh khắp cả nước, chính quyền địa phương, công an nhanh chóng vào cuộc, dư luận báo chí lập tức lên tiếng phẫn nộ đòi tìm ra bằng được thủ phạm phá đổ tượng nàng Tô Thị.
Ba ngày sau, công an đã nhanh chóng tìm ra “thủ phạm”. Đó là ông Đoàn Văn Quyết, một người hành nghề bán quán trước cổng trường Việt Thắng. Công an vào tận nhà đọc lệnh bắt, lúc đó ông Quyết đang nấu cơm chiều, vợ ông đang ốm rất nặng. Đứa con gái đầu lòng mới gần ba tuổi của ông thấy người lạ vào khám xét nhà rất đông nên khóc thét… Ông Quyết khi ấy rất bất ngờ vì lệnh bắt này, nhưng cũng cố bình tĩnh xin các anh công an cho thu xếp đưa vợ đi viện, đưa con đi gởi và sẽ ra trình diện sau. Nhưng do cho đây là “vụ án” lớn nên công an đã kiên quyết bắt khẩn cấp và đưa ông Quyết ra công an thị xã Lạng Sơn, lập tức tống ông vào nhà tạm giam. Sau đó người ta còng tay ông dẫn giải về núi Tô Thị cho nhiều phóng viên, nhà báo quay phim, chụp ảnh. Và rất nhanh chóng tên tuổi của “kẻ tội đồ” được tung lên hầu hết các báo, đài trung ương và địa phương với những lời kết tội hùng hồn. Bỗng chốc, ông như là một kẻ “sát nhân” đã “giết chết” nàng Tô Thị khi báo chí đưa tin bằng những cái tít “Đã bắt được kẻ nung vôi nàng Tô Thị”, “Phá đá, nung vôi nàng Tô Thị…”. Dư luận bùng lên cả một làn sóng phẫn nộ đòi kết tội thật nặng kẻ đã cả gan đặt mìn giật cho đổ nàng Tô Thị đưa vào lò nung vôi…
Tượng nàng Tô Thị nguyên bản (ảnh chụp năm 1990, một năm trước khi tượng bị sụp đổ). Ảnh: Trương Hoàng Phương
Tượng nàng Tô Thị sau khi được phục chế. Ảnh: Trương Hoàng Phương
Nỗi đau người lính
Bà Phương, vợ ông Quyết khi ấy đã vào nhập viện sau khi nhờ người gởi đứa con gái về tận Bắc Ninh. Sau đó bà Phương trốn viện lên công an thị xã nằm vật ra đòi thả chồng bà khỏi chốn địa ngục giam cầm…
Dư luận báo chí ngày ấy cực kỳ phẫn nộ, nhưng ít ai biết nhân thân “kẻ tội đồ” Đoàn Văn Quyết là ai? Ông Quyết tên thật là Đoàn Văn Thường, sinh năm 1956 tại Thị Cầu, Bắc Ninh, tình nguyện nhập ngũ tháng 1.1975 và có mặt trong lực lượng bộ binh chiến đấu tiền phương của sư đoàn 320 quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, có mặt trong cánh quân tiền phương tiến chiếm bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngày 30.4.1975.
Năm 1977 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và tháng 1.1979 tham gia quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch giải phóng thủ đô Phnôm Pênh của nước bạn Campuchia và bị thương rất nặng trong cuộc chiến này. Tháng 7.1979 đơn vị ông Quyết lại được điều động ra chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc biên giới phía Bắc. Do bị thương rất nặng nên năm 1981, thượng sĩ Đoàn Văn Quyết được phục viên với tấm giấy chứng nhận thương binh nặng, loại 4/4. Năm 1985 lấy vợ là một cô công nhân nhà máy sợi Hà Nội, năm 1989 hai vợ chồng xin nghỉ chế độ, về quê vợ ở phường Tam Thanh, dưới chân núi Tô Thị để mưu sinh…
Tháng 10.2009, mười tám năm sau “vụ án tày đình”, chúng tôi tìm đến Lạng Sơn, nàng Tô Thị vẫn đứng đó, nhưng là tượng phục dựng ngay sau khi xảy ra “vụ án nung vôi” năm xưa, người nàng giờ trông như một cái xác cắt rời từng mảng chỉ được chắp vá lại một cách vụng về, loang lỗ. Dưới chân núi Tô Thị có một cái quán bán nước nhỏ do một người đàn ông tóc điểm bạc với vẻ mặt đầy nhẫn nhịn, cam chịu, đứng trông hàng. Khi được hỏi về câu chuyện “vụ án nung vôi nàng Tô Thị” năm xưa, người đàn ông không ngần ngại giới thiệu với chúng tôi: “Vâng, tôi chính là Quyết, kẻ tội đồ của vụ án nàng Tô Thị năm xưa đây…”.
Ông Quyết kể, sau cái ngày vợ ông trốn viện chạy lên công an thị xã kêu cứu chồng, hai ngày sau ông được đưa ra khỏi phòng giam và công an cho ông làm tạp dịch trong khuôn viên công an thị xã. Có lần một công an viên cho ông biết: “Tội ông rất nặng, có tờ báo còn đề nghị kết án tử hình ông vì tội dám nổ mìn nung vôi một trong những di tích hàng đầu đất nước kìa!”. Thế nhưng trong thực tế thì không hề có cuộc lấy cung nào cho dù ông một mực kêu oan. Sau hơn một tháng bị giam, ông Quyết được trả tự do mà không hề có một tờ giấy tạm tha hay lời buộc tội nào!
Ông Quyết kêu oan khắp nơi, nhưng chẳng ai quan tâm. Sau vụ án oan, ông vất vả lê la đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Và như một định mệnh, ông cũng thôi không bán quán hàng ăn cho học sinh ở trước cổng trường Việt Thắng nữa, mà tìm đến ngay nơi nàng Tô Thị sụp đổ dưới chân núi để mở bán hàng nước.
Mở quán bán nước mưu sinh dưới chân núi Tô Thị, ông Quyết đã nghe không biết bao nhiêu lời lên án, miệt thị, nguyền rủa của những du khách. Có người kể tội ông, có người còn đi xa hơn, chửi quàng cả dân Lạng Sơn. Thậm chí có người thì khẳng định như đinh đóng cột rằng kẻ nung vôi nàng Tô Thị đã bị kết án tử hình, người thì nói bị tù chung thân. Không giận dữ, phẫn nộ, ông chỉ mời những người khách chén trà, rồi ôn tồn bảo: “Cái thằng mà bà con bảo là bị tù chung thân hay tử hình, chính là tôi đây…”. Rồi ông từ tốn giải thích mọi chuyện cho những vị khách phương xa…
Ông Quyết không phải là kẻ nung vôi nàng Tô Thị, vậy thì ai là người đã làm nên chuyện tày đình kia ?...

Kỳ cuối: Câu chuyện của một “thầy địa lý”

SGTT - Năm này qua năm nọ, ông Quyết cứ ngồi dưới chân núi Tô Thị tự minh oan cho mình, nhưng ông đâu có biết có một người ở cách xa ông hàng ngàn cây số cũng âm thầm làm việc đó…

Ông Quyết đang kể câu chuyện nàng Tô Thị với đoàn cán bộ sinh viên khoa địa lý trường đại học Sư phạm TP.HCM do thạc sĩ Trương Hoàng Phương hướng dẫn vào tháng 7.2009. Ảnh: Trương Hoàng Phương
Những ngày này đang là mùa vắng khách vãng cảnh nàng Tô Thị, suốt cả buổi chiều không một bóng người lên núi. Ngồi phe phẩy chiếc quạt mo trong cái quán cóc vắng như chùa Bà Đanh của mình, ông Quyết trầm ngâm: “Tôi ngồi đây như một định mệnh gắn chặt với nàng Tô Thị. Ban đầu tôi cắn răng im lặng. Vụ án này ồn ào cả nước, nên mười người lên thăm nàng Tô Thị thì hết chín người buông lời trách cứ, lên án. Tính cách người lính đã từng vào sinh ra tử như tôi khá nóng nảy, muốn phản ứng mạnh. Nhưng dần dần tôi trở nên trầm tĩnh, cố tìm cách kể câu chuyện oan khuất của mình, và đa phần du khách nghe xong đều chia sẻ với hoàn cảnh của tôi. Nhưng bia miệng có vạn, mà miệng tôi chỉ có một nên có mấy ai hiểu cho mình?”.
Tự minh oan dưới chân nàng Tô Thị

Lý do công an bắt ông để trấn an dư luận, có lẽ “chứng cứ” duy nhất có được vì những năm tháng đó không riêng gì ông, gia đình nào cũng đói kém, cứ rảnh việc là ông cũng cùng cư dân lối xóm đi quanh chân núi đục đá mang bán cho các lò nung vôi.
Ông Quyết kể: “Những năm chiến tranh biên giới xảy ra, tôi đã chứng kiến pháo Trung Quốc từ bên kia biên giới bắn sang núi Tô Thị, nay vẫn còn nhiều vết đạn. Khi ấy tôi đã rất căm giận quân xâm lược vì cố tình bắn phá một di tích tuyệt đẹp của quê hương, không lẽ tôi lại đi làm cái việc phá đá nung vôi nàng Tô Thị?”.
Ở khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, nhiều người dân vẫn còn nhớ vụ án “nàng Tô Thị bị nung vôi” và nỗi oan của ông Quyết. Ông Đồng Văn Hàm, người dân tộc Tày, nguyên cán bộ khu gang thép Thái Nguyên, ngụ tại nhà số 31 ngay dưới chân núi Tô Thị, cho biết: “Thỉnh thoảng đá cũng rơi từ trên núi xuống, có lúc rơi cả tảng lớn sập cả chuồng heo nhà tôi mà. Cả xóm ai cũng bất ngờ khi chú Quyết bị kết tội nổ mìn làm đổ tượng nàng Tô Thị mang đi nung vôi. Bà con ai cũng tin chú ấy vô tội bởi chú ấy là người hiền lành, sống chan hoà với lối xóm và rất có ý thức bảo vệ di tích thắng cảnh nơi này. Đó là một nỗi oan mà chú ấy đã gánh chịu trong 18 năm qua”.
Ông Quyết có ngờ đâu, trong đoàn người viếng nàng Tô Thị sau khi phục chế, có một người từ Sài Gòn xa xôi năm nào cũng tìm đến và âm thầm minh oan cho ông…

Thầy địa lý đi tìm thủ phạm

Hòn Gà Chọi – vịnh Hạ Long có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào do hiện tượng karst gặm nhấm trong tự nhiên như tượng nàng Tô Thị năm xưa. Ảnh: Trương Hoàng Phương
Ngay sau khi tượng nàng Tô Thị sụp đổ, khi ông Quyết còn nằm trong tù, có một thầy giáo trẻ tìm đến khảo sát nguyên nhân sự cố. Đó là Trương Hoàng Phương, giảng viên khoa địa lý trường đại học sư phạm TP.HCM. Khi ấy anh Phương đang học thạc sĩ chuyên ngành địa lý tại Hà Nội, ý định lên Lạng Sơn ban đầu cũng vì bức xúc qua thông tin của báo chí “người ta đã nổ mìn phá đá nung vôi nàng Tô Thị”.
Ban đầu, cùng với dư luận chung, Trương Hoàng Phương cũng đã viết báo lên án ông Quyết, nhưng qua khảo sát, anh Phương thấy rằng, tượng nằm chơi vơi ngoài mép núi, vết trượt của tượng là một vết cắt 45 độ, không thấy có dấu vết của sự phá hoại. Và từ ngày đó bắt đầu hành trình âm thầm minh oan cho một con người mà ông “thầy địa lý” này còn chưa hề biết mặt.
Năm 1998, lần đầu tiên ông “thầy địa lý” Trương Hoàng Phương gặp được ông Đoàn Văn Quyết dưới chân núi Tô Thị. Biết được tấm lòng của thầy giáo Phương, ông Quyết rất xúc động. Và cũng kể từ đó, quán nước nhỏ xíu của ông Quyết đã trở thành nơi thầy Phương tổ chức các buổi thuyết trình địa lý cho sinh viên và cả du khách, đặc biệt là nguyên nhân làm sụp đổ bức tượng, và đây cũng là cơ hội để ông Quyết giãi bày nỗi oan của mình.
Theo thạc sĩ Trương Hoàng Phương, đá vôi tại Lạng Sơn hình thành cách nay từ 245 – 362,5 triệu năm, là một loại đá vôi rất tinh khiết với thành phần CaCO3 thuần nhất. Đá bị hoà tan mạnh do tác dụng của dòng nước tạo ra các dạng của địa hình karst từ đá tai mèo đến giếng, máng, thung, cánh đồng karst và hệ thống hang động theo phương nằm ngang. Khối đá vôi tại Lạng Sơn bị quá trình karst phá huỷ mãnh liệt tạo địa hình cánh đồng karst. Chúng ta dễ dàng thấy được điều này qua hình ảnh các khối đá vôi đơn độc nằm ngay trên lớp đá phi karst (như khối núi Vọng Phu) và hệ thống sông suối khá phát triển tại đây (như sông Kỳ Cùng, suối Ngọc Tuyền trong hang Nhị Thanh).
Tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nàng Tô Thị trượt từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27.7.1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp.
Hiện tượng karst chính là nguyên nhân đẩy tượng nàng Tô Thị trượt xuống vách núi, mà theo ghi nhận của thạc sĩ Trương Hoàng Phương đó cũng chính là nguyên nhân xô ngã bức tượng người cha trong hòn Phụ Tử tại Kiên Giang rạng sáng ngày 9.8.2006 xuống biển. Hiện tượng karst đang gặm dần chân của các núi vôi trong nhiều di tích thắng cảnh ở Việt Nam, trong đó có hòn Gà Chọi trên vịnh Hạ Long. Có thể trong một ngày không xa, chỉ sau một cơn mưa chiều, biểu tượng không chính thức của du lịch Việt Nam chỉ còn một chú gà trơ trọi trên vịnh Hạ Long nếu chúng ta không có giải pháp bảo vệ, gia cố, trùng tu một cách khoa học.
Cám cảnh ông Quyết, thạc sĩ Phương bộc bạch: “Ngày xưa tôi cũng bức xúc, cũng viết báo lên án kẻ nổ mìn phá đá, nung vôi nàng Tô Thị, nhưng cuối cùng không phải vậy, tôi rất ân hận và quyết phải làm điều gì đó để minh oan cho ông. Cho đến bây giờ ngay trên mạng internet vẫn còn những thông tin đó, chưa hề có một lời minh oan cho ông Quyết. Báo chí cũng nên tạo ra sự công bằng với con người trước dư luận, cho dù đó chỉ là một phận người nhỏ bé nào đó trên cuộc đời này…”.
Binh Nguyên – Đoàn Đạt
NGƯỜI LÍNH GIÀ CHỊU VÌ “NỖI OAN TÔ THỊ”

(Cảm tác văn vần của NĐTHS - TNT có sự tham gia, chỉnh sửa của nhà giáo-nhà thơ Đinh Duy Đang)

Người lính già đã bị oan vì Nàng Tô Thị,

Nhiều năm nay chưa lấp được miệng đời.

Tô Thị chơi vơi trên sườn núi giữa trời

Bỗng đổ nhào sau một cơn mưa lũ!

Mẹ bồng con nâng niu ấp ủ

Chờ chồng đi dằng dặc viễn chinh.

Đã bao đời in đậm bóng hình,

Trong chuyện kể hay như cổ tích.

Trong thơ ca mọi người đều yêu thích

Đều ngợi ca lòng chung thủy nặng sâu.

Du khách mọi miền đều kể cho nhau,

Sau những chuyến thăm danh lam xứ Lạng.

Bỗng một hôm giật mình nghe mang máng:

Vì Nàng , có kẻ bị “tử hình”

Nghi phạm bị bắt ngay và thật khó thanh minh

Vì mắc tội đập nát Nàng Tô Thị

Rồi kẻ đó như là người mất trí

Nung thành những cục vôi bạc bẽo vô tình !

Mười tám năm đằng đẵng lặng thinh.

Thật đáng thương người lính già vô tội,

Nhưng không thể nào tự mình cãi nổi.

Dư luận xôn xao lên án “kẻ tội đồ”.

Pháp luật vô tình đã từng bắt bỏ tù

Một nghi phạm bị cho là: “giết nàng Tô Thị”.

Không đủ căn nguyên, người lính già bình dị,

Được tạm tha chờ truy xét hiện trường.

Lại trở về chân núi đá tang thương

Tiếp tục sống nghèo, với nỗi lo oan trái.

Rồi thật may hồn thiêng Nàng hiện lại

Vào tận trong Nam đưa ra được một người:

“Thày Địa lý” hiền tài đến khảo sát tận nơi.

Bằng khoa học đã chứng minh sáng tỏ:

Những trận mưa rừng đá nhào, đất lở,

Là chuyện xưa nay nào có lạ gì.

Nếu kịp thời phát hiện những khả nghi

Lên phương án dự phòng, gia cố

Thì “mẹ con nàng” cùng nhiều di tích cổ

Không phải “chết oan”vì mưa lũ gây ra

Người lính kia đâu phải chịu oan gia

Oằn mình trong nghi ngờ liên lụy...?

Chuyện đã qua lâu, xin bàn thêm một tí:

Chiến tranh liên miên bao người lính không về

Mỏm đá dáng chờ chồng thường gọi “Vọng Phu”.

Giờ sạch bóng quân thù”vọng phu” đâu cần nữa?

Nên vừa rồi vụ “Trời long đất lở”

Lật đổ nhào tượng Tô Thị bao đời.

Linh hồn thiêng Nàng chắc đã về nơi

Miền cực lạc đã có chồng đón đợi

Chấm dứt cảnh bồng con chới với

Đứng giữa trời trong sương gió mênh mông

Tô Thị ơi ! Nàng có biết không

Con của Nàng đã có người đến đón

Sự đợi chờ của Nàng đến bây giờ đã trọn

Người muốn đón con Nàng mong Nàng sẽ về thăm.

NGÔ TOÀN THẮNG

.............................................................................................
ĐÔI LỜI GỬI LẠI NÀNG TÔ THỊ

Có người muốn đón con Nàng

Nhưng chưa đón được nên càng buồn thay

Vừa qua đọc báo mới hay

Tin đồn dữ bấy lâu nay sai rồi!

Thì ra Nàng đã về Trời

Mà người lính chịu bao lời thị phi

Chiến tranh giờ đã qua đi

Không còn chờ, đợi cần gì “vọng phu”

Để hình Nàng đẹp thiên thu

Trong lòng lữ khách lãng du nơi này

Để ôn một thưở đắng cay

Nên xây pho tượng nơi đây để thờ

Tượng Nàng phải đậm chất thơ

Phải thanh cao, phải mộng mơ tuyệt vời

Dáng thon thả, tóc buông lơi

Dắt con như thể dạo chơi bên hồ

Như đang đứng giữa Thủ đô

Thăng Long ngàn tuổi rợp cờ tung bay

Để Nàng sẽ thấy tương lai

Không ai hóa đá, không ai phải buồn

Tượng Nàng khách tới thăm luôn

Đặt hoa tươi chốn gió vờn, mây bay

Dù cho sự thế đổi thay

Thơ về Nàng vẫn ngất ngây tình đời

Chiến tranh,trận mạc qua rồi

"Vọng phu" đã hết "vọng người lên thăm"

ĐINH DUY ĐANG

*
 NÀNG TÔ THỊ THIÊN TẠO

NÀNG TÔI THỊ NHÂN TẠO
(làm bằng đá và xi măng cốt thép

Ông Đoàn Văn Quyết người bi nghi oan đập phá Nàng Tô Thị.



.Cám cảnh ông Quyết, thạc sĩ Phương bộc bạch: “Ngày xưa tôi cũng bức xúc, cũng viết báo lên án kẻ nổ mìn phá đá, nung vôi nàng Tô Thị, nhưng cuối cùng không phải vậy, tôi rất ân hận và quyết phải làm điều gì đó để minh oan cho ông. Cho đến bây giờ ngay trên mạng internet vẫn còn những thông tin đó, chưa hề có một lời minh oan cho ông Quyết. Báo chí cũng nên tạo ra sự công bằng với con người trước dư luận, cho dù đó chỉ là một phận người nhỏ bé nào đó trên cuộc đời này…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]