Trang

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

THỬ BÌNH MẤY CÂU KIỀU

Thử bình mấy câu Kiều

(Ngày đăng: 30/10/2014 9:12)
     Sau khi đăng bài “ Thử bình chọn năm mươi câu Kiều hay nhất”, tôi nhận được nhiều điện thoại, tin nhắn và email của bạn đọc gửi về tỏ ý đồng cảm, đồng thời có người bảo rằng tôi “mới chọn mà chưa có bình”. Sự thật để chọn đựơc những câu Kiều điển hình ấy, trước hết tôi dựa vào cảm giác của mình, đồng thời cũng “bình nhẩm trong đầu” khi các câu thơ ấy xuất hiện. Thế nhưng có bạn đọc lại muốn tôi bình ra thành bài cho mọi người cùng thưởng thức. Nguy quá! Công việc này là sở trường của các nhà lý luận phê bình và là sở đoản của tôi. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà mình thoái thác yêu cầu chính đáng của bạn đoc? Thôi thì, hay dở chờ người đánh giá, tôi xin thử bình mấy câu Kiều đã chọn để trình quý vị.


 THỬ BÌNH MẤY CÂU KIỀU
 
1 - Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Đây là lời Thuý Kiều thốt lên sau khi nghe Vương Quan kể chuyện bi thảm của Đạm Tiên bên ngôi mộ “sè sè nấm đất”, “dàu dàu ngọn cỏ”, lạnh lẽo trong tiết thanh minh. Đạm Tiên trước, Thuý Kiều sau; ca nhi ngàn xưa và “ca ve” ngày nay có chung một đặc điểm: đấy là những người con gái tạo hoá ban cho một chút nhan sắc nhưng lại giáng xuống bản thân hoặc gia đình họ những tại hoạ, buộc họ phải gánh chịu, đưa đẩy họ vào chốn lầu xanh, mất quyền làm người, trở thành một món hàng . Vì có chút nhan sắc nên lắm chàng tìm đến; bởi đã trở thành món hàng nên mình không có quyền chọn lựa mà để người ta cư xử với mình như với một món hàng đã bỏ tiền mua. Câu thành ngữ mới “ trả tiền bóc bánh” phần nào nói được thái độ cư xử thô bạo, không chút tình cảm của khách làng chơi đối với các cô gái lầu xanh.Đời một kiếp ca nhi chung chạ với bao người đàn ông, biết mặt không biết tên, “mặc người gió Sở mưa Tần”, xong cuộc, họ bỏ đi không để lại dấu vết, chứ có mấy ai được như chàng Thúc “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”! Những đôi lứa yêu nhau chân thành, vì nguyên do nào đó không lấy được nhau, khi chết đi họ còn mang theo cả khối tình xuống chốn tuyền đài. Tình yêu là thế, còn tình dục chỉ là sự thoả mãn xác thịt nhất thời, kiếp này chẳng yêu thương, nói chi đến kiếp sau. Cặp lục bát này về hình thức, là sự đối lập giữa lúc sống và sau khi chết. Nhưng sự đối lập ấy chỉ là hình thức, còn thực chất đó là quan hệ nhân quả: khi sống thế thì sau khi chết phải thế!
Trong toán học cao cấp có khái niệm “trù mật khắp nơi” và “không đâu trù mật” để nói về hai cực đối lập của sự phân bố các phần tử của tập hợp. Ở đây, hình như Đại thi hào vô hình trung đã sử dụng khái niệm ấy để nói về “sự phân bố chồng” của kiếp ca nhi ở cõi dương và ở cõi âm: khi sống thì ở đâu cũng có chồng, bất cứ người đàn ông nào cũng có thể là chồng, còn chết rồi thì ngược lại: không có một ai. Nói “làm ma không chồng” là dự đoán sự cô quạnh khi mình ở cõi âm từ thực tế của kiếp này. Sự thật nghịch lý và bi kịch của kiếp ca nhi chẳng cần đợi đến khi đã “thành ma”, chẳng cần đợi kiếp sau, mà ngay ở kiếp này: Khi mình còn nhan sắc thì “xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh”, đến khi đau yếu, bệnh tật thì không kẻ đoái hoài, chết một mình một góc, đâu phải chỉ một Đạm Tiên? “Sống làm vợ khắp người ta” đã nhục, đã khổ lắm rồi, người ca nhi nào cũng chung ý nghĩ “cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”, cho hết thời trẻ trung, cho hết cuộc đời, tưởng khi mình chết đi thì mới được thanh thản. Nhưng không, sự sỉ nhục của kiếp phong trần không chỉ dừng lại trần thế mà còn theo về cõi âm với một biến tướng mới, về hình thức tưởng như ngược lại những gì ca nhi đã trải, nhưng không hề mang lại niềm vui mà chỉ chuốc lấy nỗi bất hạnh mới thật tệ hại: làm ma không chồng! “Sống làm vợ khắp người ta”!Chữ “khắp” mới thật tài tình, hàm chứa sự xô bồ, không hề có sự chọn lựa.Thông thường chữ khắp thường đặt trước một danh từ chỉ nơi chốn: khắp chợ, khắp đồng, khắp làng, khắp nước… Ở đây Nguyễn Du đã thay đổi cách sử dụng quen thuộc đó, mạnh dạn đặt sau chữ khắp hai chữ “người ta” thật mới mẻ và bất ngờ. Khắp người ta: không loại trừ một loại người nào. Có soạn giả Truyện Kiều không tán thành khái niệm vợ, chồng đối với các cô gái lầu xanh vì vợ chồng thì phải có hôn thú (!) nên muốn đề nghị đổi chữ khắp thành chữ “chắp”: “vợ chắp người ta”! với lý luận rằng cô gái lầu xanh chỉ là “vợ chắp”, chứ không thể là vợ của khách làng chơi được!Về luật pháp thì phần nào soạn giả này có lý, nhưng đối với việc thẩm định Truyện Kiều nói riêng và thưởng thức thi ca nói chung thì, ý kiến ấy xem ra quá cứng nhắc, khó thuyết phục được ai. Nguyễn Du không đợi giấy hôn thú để chỉ khái niệm vợ chồng ở chốn thanh lâu, mà sử dụng đặc trưng lớn nhất của vợ chồng là chuyện chăn gối. Đó là chưa kể ở chốn thanh lâu người ta vẫn quen xưng “chàng chàng, thiếp thiếp” ( Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được / Bố bố con con chẳng nhận ra - Nguyễn Bính) ngày xưa và “vợ vợ, chồng chồng” ngày nay, mà ai cũng hiểu rằng “chàng, thiếp”, “vợ, chồng” ở đây khác xa khái niệm vợ chồng truyền thống. Phải chăng cặp lục bát này đã phơi bày bi kịch lớn nhất của kiếp ca nhi?
 
 
2 - Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
Một mình, đêm khuya, kinh hãi về viễn cảnh là hoàn cảnh, thời gian và trạng thái của nhân vật mà cặp lục bát này chuyển tới người đọc. Đây là hoàn cảnh “một mình” đầu tiên, đêm thứ nhất của Thúy Kiều được mô tả. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều có 12 hoàn cảnh ở một mình, thì có 11 lần là cô đơn, buồn tủi chỉ duy nhất một lần một mình mà vui vẻ, đó ngày “sinh nhật ngoại gia”, cả nhà đi vắng, nàng ở nhà một mình, chuẩn bị sang chơi nhà Kim Trọng.
Định mệnh là tư tưởng quán xuyến trong Truyện Kiều. Có người dẫn câu “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” để kết luận Nguyễn Du chống lại tư tưởng định mệnh, quên rằng câu trích kia không phải là lời tác giả Truyện Kiều, mà là lời của chàng Kim nói lại, khi thấy Thuý Kiều quá tin vào tướng, số. Còn cụ Nguyễn Du thì sao? “ Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần…” là kết luận Truyện Kiều cũng là nhận thức của tác giả. Trong Truyện Kiều, người tin vào tiền định, vào định mệnh mà bạn đọc dễ nhận biết nhất chính là Thuý Kiều và đây không phải là lần đầu tiên tư tưởng định mệnh đó được bộc lộ. Ngày đi chơi thanh minh gặp mộ Đạm Tiên, sau khi nghe Vương Quan kể về bi kịch của cô ca kỹ này, Thuý Kiều đã vận vào mình “thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Khi được Đạm Tiên báo mộng, biết mình có tên trong “Sổ đoạn trường”, Thúy Kiều không ngủ được mà “một mình lưỡng lự canh chầy”, nghĩa là phân vân, lo nghĩ tận khuya. Sổ đoạn trường là cuốn sổ ghi tên những người trong Hội Đoạn trường, hội của những người đàn bà có số phận buồn đứt ruột (đoạn trường) mà Đạm Tiên chỉ là một trường hợp. Phân vân ở đây không phải là khó chọn lựa giữa tin hay không tin vào định mệnh, mà lo nghĩ không biết đời mình sẽ buồn thảm như thế nào, nghĩa là nàng cố hình dung “nỗi sau này” của mình. Dù diễn biến cụ thể như thế nào thì chưa rõ, nhưng Thúy kiều đã khẳng định: “Phận con thôi chẳng ra gì mai sau”. Đó là “nỗi sau này” của nàng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng hơn 60 lần chữ nỗi, ngoài những kết hợp quen thuộc như nỗi lòng, nỗi riêng, nỗi niềm, nỗi quê …còn có những kết hợp hết sức mới mẻ như nỗi đêm, nỗi ngày ( nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung), đặc biệt ý nghĩa chữ nỗi được mở rộng ra với “nỗi dọc đường” (Kể chi những nỗi dọc đường), và ở đây là “nỗi sau này”. Trong cái đêm “trằn trọc canh khuya”, “lưỡng lự canh chầy” ấy, “nỗi sau này” của Thuý Kiều chưa hề cụ thể, mà chỉ từ cuộc đời của Đạm Tiên mà suy ra cho thân phận của mình. “Nỗi sau này” là nói về điều kinh hãi đang bày sẵn ở phía tương lai, và khi trở thành hiện thực thì đó là: “Hết nạn nọ, đến nạn kia / Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần / Trong vòng giáo dựng gươm trần / Kề răng hùm sói gửi thân tôi đòi…” như lời sư Tam Hợp đã tổng kết lại. Ở đây sự kinh sợ “nỗi sau này” của Thuý Kiều được tác giả đồng cảm, và diễn biến của phần lớn Truyện Kiều như cốt để chững minh cho “nỗi sau này” đó đáng kinh hãi đến dường nào!
 
 
3- Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
Với Thuý Kiều, đêm trong Truyện Kiều thường có trăng(*). Đó là “gương nga chênh chếch nhòm song” đêm Đạm Tiện hiện về báo mộng; “nhặt thưa gương giọi đầu cành” và “vầng trăng vằng vặc giữa trời” đêm tự tình và thề bồi cùng Kim Trọng; “ gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương” đêm lẻn trốn cùng Sở Khanh; “một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời” đêm ở Lâm Tri nhớ Thúc Sinh; “lần đường theo ánh trăng tà về tây” đêm trốn ra khỏi Quan Âm các; “mảnh trăng đã gác non đoài” đêm nàng nhảy xuống sông Tiền Đường…Còn vầng trăng xuất hiện trong cặp lục bát trên kia là trong đêm trên đường nàng theo xe cùng Mã Giám Sinh đi từ quê Bắc Kinh về tận Lâm Tri. Thấy vầng trăng ấy, Thuý Kiều đã liên tưởng đến vầng trăng nào mà thẹn? Tất nhiên nàng không thể nghĩ về những vầng trăng về sau, vì khi đó nàng chưa từng được chứng kiến. Nàng cũng không nghĩ về vầng trăng đã dẫn Đạm Tiên về báo mộng cho mình, mà chắc chắn nàng nghĩ về vầng trăng có liên quan đến kỷ niệm, đến mối tình với chàng Kim, đấy là “vầng trăng vằng vặc giữa trời” của đêm thề bồi, hẹn ước “đinh ninh đôi mặt một lời song song”. “Lời non sông” là lời gì vậy? Cũng như “lời vàng đá”, “lời non sông” là lời thề bồi tình yêu của các cặp tình nhân ngày xưa, vì khi thề thốt họ thường mượn những vật thể to lớn như núi sông, quý giá và chắc chắn như vàng đá để nói tình yêu của mình. Ta điểm lại xem “những lời non sông” của Kim Kiều như thế nào? Dưới vầng trăng vằng vặc đêm ấy, hai mặt một lời, họ đã thề: “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, hứa “chạm xương khắc cốt” tình cảm của nhau, “chữ đồng là nói tắt chữ đồng tâm, nghĩa là cùng một lòng yêu nhau” như học giả Đào Duy Anh giải thích. Chàng Kim đã thề với Thuý Kiều:
“Ví dù giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân”
nghĩa là đã yêu nhau rồi, đính hôn rồi ,vì lẽ gì đó mà trời xanh bắt chia lìa thì xin chết với nhau bởi coi lời thề như vàng đá.
Khi chia tay Thuý Kiều để về hộ tang chú, chàng Kim cũng từng nhắc đến vầng trăng thề bồi ấy:
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”
Khi đó, chính Thuý Kiều đã hứa:
“Đã nguyền đôi chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”…
Thế mà giời đây, không giữ được lời thề, nàng đã thành vợ người khác rồi, thì không hổ thẹn sao được?
Từ Bắc Kinh, Thuý Kiều phải đi xe suốt một tháng ròng mới đến Lâm Tri. Trên đường đi, đêm khuya bất chợt nàng thấy vầng trăng mà thẹn cho những lời mình từng thề thốt mà không sao giữ được. “Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi”. Trước hết, ta hãy dừng lại hai chữ dặm khuya. Nguyễn Du là thi sĩ bậc thầy trong việc nén chữ trong thơ lục bát, nghĩa là dùng ít chữ mà nói được nhiều ý. “Dặm khuya” không chỉ nói về thời gian là khuya, mà còn nói về không gian là trên đường đi, hàm ý cái cảnh đêm khuya Thuý Kiều chứng kiến là trên đường đi. Các nhà thơ ngày nay chỉ có thể viết được đêm khuya, canh khuya…giỏi lắm cũng chỉ đường khuya là cùng, chứ khó nghĩ ra được hai chữ dặm khuya như tác giả Truyện Kiều trên hai trăm năm trước. Học giả Đào Duy Anh cho in là “ngắt tạnh mù khơi” và giải thích: “ chỉ tình trạng lặng ngắt, vắng tanh”. Tôi không đồng tình với cách giải thích này. Tôi nghiêng về “ngất tạnh, mù khơi” như một số bản Kiều khác, và coi đây là một tiểu đối, nên ta hiều được chức năng ngữ pháp và ý nghĩa của các từ. Danh từ mù giúp ta hiểu được chữ ngất cũng là một danh từ, có ý nghĩa là một thứ gì đó thường che khuất tầm mắt người nhìn như mù, như mây, như hơi sương... “Ngất tạnh” cũng giống như mưa tạnh, không còn ngất nữa, “mù khơi” là mù loãng ra, khai thông tầm nhìn. Vì “ngất tạnh, mù khơi” nên nàng Kiều mới nhìn thấy trăng. Nguyễn Du đặc biệt chú ý đến logic trong thơ, không chỉ trong một câu, mà từ câu này tiếp nối với câu khác. Ở phần Đòan viên, Nguyễn Du đã tả cảnh:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Như nhiều bạn đọc đã chú ý về logic trong đoạn thơ này: tan sương đầu ngõ để thấy hoa, vén mây giữa trời để thấy trăng. Và, “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” cũng có ý nghĩa tương tự như “ ngất tạnh, mù khơi” để có thể nhìn thấy trăng. Nhưng cả câu lục “Dặm khuya ngất tạnh mù khơi” chỉ là sự gợi mở về không gian và thời gian, trọng lượng câu thơ tập trung ở câu bát “Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”, làm người đọc thấy được từ sâu thẳm nỗi lòng của Thuý Kiều, sự đau đớn, mối ân hận tiếc nuối, thẹn với vầng trăng thề bồi bởi chính mình vì hoàn cảnh mà thành người phụ bạc tình yêu.

_______
(*): Trong Truyện Kiều, chỉ có ba đêm không có trăng (xem lại bài “Vầng trăng với Thúy Kiều”)
 
 
 
4 – Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Cặp lục bát này có hai dị bản. Dị bản 1 (DB 1) chỉ khác một chữ; thay chữ “xin” bằng chữ “cũng” : “Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa”. Dị bản 2 ( DB2) câu bát khác khá nhiều” “ Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ”. Trong bài “Từ dị bản Truyện Kiều” tôi đã nêu nhận xét: nguyên nhân lớn nhất đưa đến dị bản trong Truyện Kiều là sự tự sửa chữa bản thảo của chính tác giả Nguyễn Du. Sau một lần sửa chữa lại có thêm một dị bản, còn các nguyên nhân như kỵ húy, thợ in không biết chữ Nôm, người hiệu đính sửa chữa hay “tam sao thất bản” chỉ là thứ yếu. Với cặp lục bát, tôi tin tác giả đã đi từ DB2 sang DB1 và cuối cùng dừng lại ở cặp lục bát trên kia. Kể ra DB2 cũng là một câu thơ hay:
Thân lươn bao quan lấm đầu
Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ.
Con lươn chui rúc chốn bùn tanh thì không lo chuyện lấm đầu, người con gái phải sa vào chốn thanh lâu cũng vậy, không còn gì để giữ gìn nữa, xưng xót cho lòng trinh bạch của mình bao lâu nâng niu, quý trọng. Với một nhà thơ bình thường, viết được như vậy thì tự tâm đắc lắm rồi, nhưng Nguyễn Du thì chưa, nên đã sửa thành DB2. Hai chữ “ cũng chừa” ý nói mình phải theo hoàn cảnh mới bẩn thỉu như thân lươn trong bùn tanh mà chừa long trinh bạch. Tác giả vẫn chưa hài lòng, cuối cùng đã thay chữ “cũng” thành chữ “xin”:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
Đây là lời hứa của Thuý Kiều khi bị Tú bà đánh đập vì tội lẻn trốn đi cùng Sở Khanh. Thông thường, khi con cái hoặc thuộc hạ mắc tội bị bố mẹ hoặc người có quyền đánh đập, thì người có tội thường hứa từ nay về sau xin chừa, không bao giờ dám phạm vào tội ấy nữa. Lòng trinh bạch là gì, phải chăng đấy cũng là một loại tội lội mà Thuý Kiều hứa “từ sau xin chừa”? Lòng trinh bạch là lòng trong trắng của Thuý Kiều. Nhưng sao không phải là tấm lòng trinh bạch mà lại là chút lòng trinh bạch? Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã 47 lần sử dụng chữ chút, để chỉ một ít, một vật nhỏ mọn với lối nói khiêm nhường như chút dạ, chút lòng, chút phận, chút thân, chút riêng, chút ước… Nhưng ở câu thơ này, “chút lòng trinh bạch” còn hàm chứa một nội dung khác: lòng trinh bạch của Thuý Kiều đã bị Mã Giám Sinh cướp đi phần lớn trong đêm ở nhà trọ trước ngày theo xe để về Lâm Tri. “ Tiếc thay một đoá trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Cái quý nhất của người con gái đã không còn nữa, nàng toan tự tử nhưng sợ liên luỵ đến bố mẹ, đành ngậm tủi nuốt hờn. Nhưng dù sao khi ấy nàng vẫn nghĩ Mã Giám Sinh mua mình về làm vợ, nên y có quyền làm điều đó. Khi về đến Lâm Tri, mới hay được sự tình và nàng quyết giữ lấy “chút lòng trinh bạch” ít ỏi còn lại. Ở đây “lòng trinh bạch” còn hàm chứa thêm ý nghĩa là nếp con nhà lành.Nàng đã làm những gì với mục đích giữ lấy nó? Lần đầu khi biết mình bị đẩy vào lầu xanh,sẽ bị tiếp khách làng chơi (chứ Tú Bà chưa kịp đánh vì tội mất trinh bởi lão Mã), Thuý Kiều đã toan tự tử “ một dao oan nghiệp đứt dây phong trần”, để cho mụ Tú phải “ cắt người coi sóc rước thầy thuốc men” nàng mới tỉnh lại được. Khi tỉnh ra, nàng không tự tử tiếp, một mặt vì lời hứa hẹn giả dối của mụ Tú “tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà”, nhưng cái chính là nàng tin lời Đạm Tiên báo mộng: “Số còn nặng kiếp má đào / Người dù muốn quyết trời nào đã cho”. Như vậy, nàng không thể dùng cái chết để giữ chút lòng trinh bạch ở chốn lầu xanh. Thế thì trốn theo Sở Khanh, một việc làm nàng không tin ở thành công mà phó thác cho số phận : “ Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nhưng tránh đâu cho khỏi trời, nàng bị bắt về đánh đập “Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa”, làm cho nàng nhận ra một chân lý cay đắng: ở chốn này, lòng trinh bạch là tội lỗi. Hay nói một cách khác, Tú Bà đã biết cách làm cho Thuý Kiều phải từ bỏ “chút lòng trinh bạch” của nàng.
Thì ra ở đời, con người phải đổi thay theo hoàn cảnh. Lòng trinh bạch là của quý, ai chẳng muốn giữ gìn, nâng niu, nhưng khi đã bước vào vũng bùn lầu xanh, đành từ bỏ thôi, mình đã thành con lươn chui rúc rồi thì làm sao giữ cho đầu khỏi lấm? Còn gì đáng thương hơn sự đầu hàng số phận đau đớn của Thuý Kiều?
Có nhà nghiên cứu Truyện Kiều lại chọn DB2, chê hai câu trích dẫn trên kia vì bốn chữ “từ sau xin chừa”, cho là “tối nghĩa”, sao lại “từ sau”, phải là “từ nay” chữ? Tôi nghĩ rằng, nhà nghiên cứu ấy chưa chú ý đến thủ pháp “lược từ trong câu” của Đại thi hào khi sáng tác Truyện Kiều. Hai chữ “từ sau” ấy có được sau việc lược 2 từ “nay” và “về” của tập hợp “từ nay về sau”, cũng giống như câu “Thôi thì sự ấy sau này đã em”, thì “đã em” là do tinh lược chữ ‘có” trong “đã có em”. Nói chung thơ có lối ngữ pháp riêng khác với văn xuôi, với Truyện Kiều càng cần lưu ý điều này.
 

Tác giả bài viết: Vương Trọng

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

BẾN TÌNH

BẾN TÌNH

Thân tặng  NGƯỜI ĐẤT TỔ

Vũ Giang

Bạn về Phú Thọ cùng tôi

Thăm quan lễ hội vui chơi chốn này

Mời dùng đặc sản chiều nay

Cá lăng cá thính ở ngay Việt Trì

Món ngon vị lạ thếu gì

Hồng Gia Thanh ngọt, Cẩm khê mận nhiều

Đoan Hùng vườn bưởi tôi yêu

Trám đen, trám trắng vườn nhiều mận mơ

Thăm đền Quốc Mẫu Âu Cơ

Hạ Hoà nơi ấy đã thờ nhiều năm

Ao Châu Đầm - Vịnh Hạ Long*

Thịt chua nhắm rượu, ấm lòng người xa

Lâm Thao Xáo Chuối mặn mà

Có nghề đan lưới quê nhà nổi danh

Hỡi cô yếm thắm bao xanh

Có về Vĩnh Lại với anh thì về

Vĩnh Lại có nghiệp có lề

Có Sông tắm mát, có nghề thêu rua..**

Đặc sản bạn đã dùng chưa ?

Bánh nẳng Xuân Lũng, có cua làng Lời

Bản Mường lợn lửng ăn chơi

Bánh đúc Vũ Ẻn bao người nghe tin 

Cơm nắm lá cọ Phù Ninh

Chọi trâu có ở hội đình mời thăm

Có làng nói dóc (nói phét) quanh năm

Ai nghe rồi cũng phải lăn ra cười….

Hát Xoan, hát Ghẹo quê tôi

Có ngày hội Phết ở nơi làng Hiền***

Ai mà cướp được Phết duyên

Vận may có bạc có tiền quanh năm

Thanh Thuỷ suối khoáng ta dằm

Dê núi gà đồng có cá Thao Giang

Con gái Phú Thọ đảm đang

Mấy cô làng Ẻn lại càng khéo hơn

Bánh gai, bánh tẻ, phồng tôm

Chè lam, mận cộng, kẹo hồng, su sê

Bỏng phồng, bánh nẳng tôi mê

Chưa ăn bánh đúc, chưa về được đâu ?

Đầu năm xin gửi đôi câu

Về thăm Đất Tổ gặp nhau tâm tình

Tháng ba giỗ tổ nước mình

Thắm đượm nghĩa tình con cháu Hùng Vương….!

Vũ Giang

* Đầm lớn như vịnh Hạ Long thu nhỏ

** Cao dao vùng quê Phú Thọ

*** Trò chơi dân gian vùng quê Phú Thọ. 


Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

THƠ DỊCH: ANH NGƯỜI DUY NHẤT EM YÊU

ANH NGƯỜI DUY NHẤT EM YÊU

23:56 - 09/10/2014  dizikimi434 Chưa có chủ đề

I-u-li-a Đru-nhi-na sinh ngày 10.05.1924 tại Moscow, trong một gia đình tri thức, bố bà là Vladimir Đrunin – Giáo viên dạy lịch sử, mẹ là Machilđa Borisovna, làm việc trong thư viện và dạy nhạc. Bà được được tiếp cận văn minh từ rất sớm. Từ nhỏ bà đã đọc sách rất nhiều, đặc biệt là văn học cổ điển. Vì quá đau khổ sau cái chết của người chồng thứ 2 của bà – đạo diễn nổi tiếng A.Kaplera và sự sụp đổ lý tưởng xã hội, Iulia Đrunina đã tự tử và chết rất thê thảm vào ngày 21.11.1991. Giải thưởng: - Giải thưởng M. Gorky năm 1975 cho tác phẩm “Không có tình yêu nào bất hạnh” xuất bản năm 1973 - Huân chương hạng nhất trong chiến tranh vì tổ quốc năm 1985 - Huân chương lao động Cờ Đỏ - Huân chương Sao Đỏ - Huy chương “Lòng Can Đảm” năm 1944 - Huy chương “Chiến thắng Đức trong chiến tranh về quốc năm 1941-1945” - Huy chương bạc mang tên AA Fadeev năm 1973 Trân trọng giới thiệu một trong những bài thơ được yêu thích của bà "ANH NGƯỜI DUY NHẤT EM YÊU"

IULIA ĐRUNHINA (1924-1991)
Ты - рядом, и все прекрасно
                              Друнина Юля
Ты - рядом, и все прекрасно
И дождь, и холодный ветер.
Спасибо тебе, мой ясный,
За то, что ты есть на свете.
Спасибо за эти губы,
Спасибо за руки эти.
Спасибо тебе, мой любый,
За то, что ты есть на свете.
Ты - рядом, а ведь могли бы
Друг друга совсем не встретить.
Единственный мой, спасибо
За то, что ты есть на свете!

ANH NGƯỜI DUY NHẤT EM YÊU
I-u-li-a Đru-nhi-na
Bên anh mọi thứ tuyệt vời
Dù cho gió rét hay trời đổ mưa
Tình anh trong sáng em ưa
Cảm ơn anh mấy cho vừa anh ơi

Cảm ơn dịu ngọt  làn môi
Cảm ơn hơi ấm của đôi tay mềm
Ơi anh yêu giấu của em
Trên đời em đã có thêm anh rồi

Rồi đây dẫu có xa rời
Em không gặp lại anh người em yêu
Xin anh hãy nhớ một điều
Anh người duy nhất em yêu trên đời
DIZIKIMI

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

CÒN NHẬN RA NHAU ?

CÒN NHẬN RA NHAU ?
Sắp đến lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954 10-10-2014 Tôi đăng bài này thân tặng các bạn đồng khóa, đồng môn của tôi và các bạn cùng thời có những năm tháng học Đại học ở những nơi sơ tán trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ nay đã về hưu sống ở Hà Nội hay các miền quê khác.Rất mong gặp lại các bạn mỗi dịp về Hà Nội- trái tim của Tổ quốc.
CÒN NHẬN RA NHAU?
Mỗi khi tôi về Hà Nội
Tôi chưa vội 
đến chỗ người nhà
Tôi tìm đến chỗ bạn bè
Để lắng nghe
những gì xảy ra ngay tại chỗ
những gì diễn ra trong thành phố
Trong khó khăn gian khổ 
qua bạn bè tôi tôi vẫn thấy :
rất quý 
rất giàu
Ấy là CÁI NHẬN RA NHAU 
qua bao lần xa cách
Thời chống Mỹ trong những ngày chiến tranh gay gắt
sống giữa một làng quê nghèo đói miền xuôi (1)
Vẫn nhớ không nguôi
Mùa đông
Mưa dầm
Đường lầy lội
Buổi họp lớp đầu tiên ra về quên mất lối ( 2)
quẩn quanh tìm mãi mới thấy nhà
Những gì đến với ta
trong những năm đại học:
"Sân tiếng Nga"* (3)
những tối kịch
những ngày thực tập (4)
và nhất là những giờ trên lớp
Buổi học đầu tiên trong một ngôi chùa
Phật Bà nhắm mắt nghiền nghe giảng say sưa
Đức Ông trợn mắt ngay râu vì nghe tiếng Nga không hiểu
Trong chiến tranh cái gì cũng thiếu
Chỉ có niềm vui vẫn thấy đủ đầy
Những gì đến với ta ở đây 
đều có thể ghi thành từng thiên truyện
Vì đó là những mảng đời
những dòng kỷ niệm 
ghi sâu trong ký ức không phai
Tháng năm qua ta đã đi suốt chặng đường dài
theo hướng tương lai
theo những con đường rộng mở
Bởi trong ta niềm tin sẵn có
Trái tim nuôi niềm tin nên vẫn đỏ niềm tin
Từ bấy đến nay tôi vẫn đinh ninh
vẫn tâm niệm với niềm tin cuộc sống
Hà Nội hôm nay
với chiều sâu
chiều dài 
chiều rộng
Với bộn bề 
xáo động
gắt gay
Tự đáy lòng bạn hãy nói cho tôi hay
Nên như thế nào cho phải?
Để từ này và còn mãi mãi
Nhìn thấy nhau còn nhận ra nhau?
Chú thích:
1) Nơi sơ tán trong thời kỳ chến tranh chống Mỹ khi học Đại học
2) Ngày đầu tiên ở nhà trọ trong dân khi đi họp lớp vào buổi tối lúc về không nhớ nhà trọ lại chưa biết tên chủ nhà nên tìm mãi mới thấy nhà trọ.
3) Sân Tiếng Nga : Mộit hình thức để luyện nói tiếng Nga.
Sau bữa chiêucả lớp tập chung ở sân rộng ở một nhà trọ nào đó cùng nhau giao lưu với nhau nhưng chỉ được dùng tiếng Nga để giao tiếp.
4) Thực tập sư phạm ở các trường phổ thông









Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

CÂY CAO BÓNG CẢ

CÂY CAO BÓNG CẢ

LỄ KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
LẦN THỨ 23 (1-10-1991--1-10-2014)
CỤ BÀ THAM GIA VĂN NGHỆ
CỤ BÀ ĐƠN CA
CỤ BÀ NGÂM THƠ
ĐẠI BIỂU THAM GIA VĂN NGHỆ
DIZIKIMI ĐỌC THƠ
ĐỌC THƠ
ĐÁP LỄ CÁC TIẾT MỤC CHÀO MỪNG
DIỄN VĂN KHAI MẠC

CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI CAO TUỔI  TỔNG KẾT THÀNH 

TICH NĂM QUA VÀ ĐỀ RA PHƯƠNG MỚI

CÁC ĐẠI BIỂU UBND Xà
CÁC ĐẠI BIÊU ĐẾN DỰ
ĐẠI BIÊU UBND XÃ CHÀO MỪNG 
PHÓ CHỦ TỊCH XÃ PHÁT BIẾU Ý KIẾN 
ĐẠI BIỂU Y TẾ XÃ PHÁT BIẾU Ý KIẾN
PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐÁP LỄ CÁC ĐẠI BIỂU
TRƯỚC CỬA UBND XÃ VŨ YỂN
DIZIKIMI & CÁN BỘ XÃ VŨ YỂN
BÍ THƯ XÃ PHÁT BIÊU Ý KIẾN
CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI CAO TUỔI ĐỌC DIÊN VĂN 

CÁC ĐẠI BIỂU ĐẾN DỰ


NHÂN DỊP NÀY MỜI CÁC BẠN HỌA BÀI:

VIẾT ĐẸP BÀI CA
 Mời họa
Tuổi cao đâu đã phải là già
Hưu trí yên vui  ngày tháng qua
Anh , Pháp từng đi, thăm cả Mỹ
Lào, Miên cũng đến học bên Nga
Năm Châu mong nối vòng tay lớn
Bốn biển ước sao để nhập hòa
Sống khỏe, sống vui còn có ích
Cuộc đời ta viết đẹp bài ca
DIZIKIMI
CÁC BÀI HỌA
 BÀI CA TUỔI GIÀ 
Họa bài " Viết đẹp bài ca "
 Tặng thi hữu DIZIKIMI
Chỉ là cao tuổi chứ chưa già
Huynh đệ gần xa vẫn lại qua
Trà , rượu nhâm nhi thường đối ẩm
Văn thơ xướng họa  thích ngâm nga
Quê hương sâu nặng luôn thương nhớ
Đất nước hùng cường mãi ngợi ca
Hưu trí thảnh thơi tăng tuổi thọ
Tinh thần , vật chất thật  hài hòa
Ký Gàn

CHÚC MỪNG SINH NHẬT
 Thây kệ mặc ai họ bảo già
 Chỉ vì thời thế đã đi qua 
Đông Dương cách mạng xa rời Pháp
Phong kiến dẹp xong tiếp cận Nga
Đất nước hai miền huynh đệ chống
 Quê hương thống nhất anh em hòa
Bao phen thay đổi thân còn vững
 Sống khỏe vui mừng góp tiếng ca
 Sĩ Quý

 Viết Đẹp Bài Ca
Hạnh Phúc vui thay sống trẻ già
Bên nhau chia sẻ tháng ngày qua
Được như Uy Viễn ươm Đào Nữ
Cũng tựa Vân Tiên kết Nguyệt Nga
Non nọn cùng chàng duy ái kính
Lão lao với thiếp dĩ vi hòa
Mỗi năm lại mỗi lần sinh nhật
Tay nắm tay cùng cất tiếng ca

Tăng Hoành Lão

TIẾNG VIẾT
Tiếng Việt, mình ơi, tiếng mẹ cha
Tiếng sông, tiếng núi, tiếng quê nhà
Tiếng đồng lúa chín thơm hương mới
Tiếng biển ngàn xưa vọng thiết tha

Tiếng Việt hiền như tiếng trúc tre
Êm êm khúc sáo giữa trưa hè
Tự trong ký ức nào xa ngái
Tiếng Việt, mình ơi, hãy lắng nghe…

Tiếng Việt miền Nam ngọt quít cam
Miền Trung giọng Huế để thương thầm
Tiếng Việt ân tình xuôi đất Bắc
Quan họ ngân lên nhịp bổng trầm

Tiếng Việt reo vui dưới nắng hồng
Trầm buồn như tiếng sáo thu không
Mỗi khi nghe tiếng hò sông Hậu
Tiếng Việt, mình ơi, đủ rối lòng

Tiếng Việt sâu trong mạch nước ngầm
Rì rầm tiếng đất tự ngàn năm
Tiếng Việt chảy hoài trong máu Việt
Mây trắng trời xanh hạt nảy mầm

Tiếng Việt từng qua lửa chiến tranh
Bao nhiêu xương trắng đã xây thành
Mình ơi tiếng Việt hiền nhu thế
Mà vẫn kiêu hùng với sử xanh.

Giờ đã truyền ra vạn dặm khơi
Hòa trong tiếng nói bốn phương trời
Mình ơi, tin nhé, rằng tiếng Việt
Mãi mãi ngàn sau vẫn rạng ngời.

VƯỜN CỦA ĐẠT(Blogger)