Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

LỄ GIÁNG SINH VÀ ÔNG GIÀ NOEL

LỄ GIÁNG SINH VÀ ÔNG GIÀ NOEL






































Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra đời, theo phần lớn các tín hữu Kitô giáo. Họ tin là Giêsu được sinh tại Bethlehem (Bêlem) thuộc xứ Judea (Giuđêa) nước Do Thái (ngày nay là 1 thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã, khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2. Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng" và thường thu hút nhiều người tham dự hơn. Nhiều giáo hội Chính Thống giáo Đông phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Noel, từ tiếng Pháp Noël, dạng cổ hơn là Naël, có gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs) có nghĩa là "(ngày) sinh". Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Noel xuất phát từ tước hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", như được chép trong sách Phúc âm Matthêu. Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Chữ Christ (phiên âm Việt là "Ki-tô" hay "Cơ-đốc", có nghĩa là Đấng được xức dầu) là tước hiệu của Chúa Giêsu; còn chữ Mass nghĩa là thánh lễ. Do đó Christmas theo nghĩa chiết tự là "(Ngày) lễ của Đức Kitô". Chữ Christ bắt nguồn và được viết trong tiếng Hy Lạp là "Χριστός" (Khrīstos), mở đầu bằng chữ cái "Χ" nên Christmas còn được viết tắt là Xmas.

Thời kỳ Kitô giáo sơ khai (khoảng 2 đến 3 thế kỷ đầu công nguyên), lễ này được mừng chung với Lễ Hiển Linh. Ngay từ năm 200, thánh Clementê thành Alexandria (150-215) đã đề cập đến lễ hết sức đặc biệt này được cử hành vào ngày 20 tháng 5. Nhưng Giáo hội Latinh thì mừng lễ này vào ngày 25 tháng 12.
Theo một nguồn khác thì các Kitô hữu sơ khai không ăn mừng lễ sinh nhật, vì họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là làm theo thói quen của dân ngoại đạo thờ thần tượng. Bởi lẽ đó họ không ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Giêsu trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ thứ 4, người Kitô hữu mới bắt đầu muốn ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Giêsu mỗi năm một lần, nhưng lại sợ bị chính quyền Đế quốc La Mã phát hiện và bắt bớ, bởi vì thời điểm đó Kitô giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp.

Những người La Mã hàng năm ăn mừng "Thần Mặt trời" (Feast of The SolInvictus) đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25 tháng 12. Các Kitô hữu đã nhân cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Chúa Giêsu giáng sinh, đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại (Gioan 8:12) trùng một ngày với ngày lễ "Thần Mặt trời" của người La Mã. Vì vậy, chính quyền La Mã đã không phát hiện rằng thực sự là các Kitô hữu tổ chức ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Giêsu. Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine I đã bỏ đa thần giáo và theo Kitô giáo. Ông đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng "Thần Mặt trời" và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Đến năm 354, Giáo hoàng Libêrô công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu.

Trong nhiều thế kỷ, những sử gia Kitô giáo chấp nhận ngày lễ giáng sinh là ngày Chúa Giêsu được sinh ra. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, các học giả bắt đầu đề xuất một cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng ngày giáng sinh đã được lựa chọn để tương ứng với ngày đông chí ở bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25 tháng 12. Năm 1743, Paul Ernst Jablonski người Đức lập luận ngày giáng sinh được xác định ngày 25 tháng 12 để khớp với ngày Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ. Ngoài ra trước Kitô giáo, nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác cũng ăn mừng ngày lễ của họ vào cuối tháng 12.
Theo một tài liệu khác thì câu truyện về ngày sinh của Chúa Jesus có tên bằng tiếng Anh là Nativity. Chúa Jesus do Đức Mẹ Đồng Trinh tự nhiên mang thai mà sinh ra. Sự thụ-thai này do quyền lực thần-diệu của Thượng Đế tạo ra trong khi bà Mary còn đồng-trinh. Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ vì lúc đó trong nhà trọ không còn một phòng trống nào. Sau đó, Chúa Jesus được Đức Mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi nấng tại Nazareth, một thành phố ở phía bắc Israel. Khi được 12 tuổi, Chúa Jesus đến giáo đường ở Jerusalem và đã làm kinh ngạc các giáo sư về môn Mosaic Law với sự hiểu biết của ngài. Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người Tông-Đồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palistine để giảng đạo, chữa bệnh, và thực hiện các phép lạ. Một trong những phép lạ đó là phép Loaves and Fishes (những ổ bánh mì và những con cá). Chuyện phép lạ này được người ta truyền lại là khi Chúa Jesus thuyết giảng ở một đám đông trong lúc họ rất đói, người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá. Thế mà nhờ Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mì và 2 con cá này rồi ra lệnh cho các đệ tử của ngài phân phát đồ ăn cho tất cả mọi người. Sau khi mọi người được phát đầy đủ đồ ăn và ăn một cách no nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy. Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng Đế, ngài đã có rất nhiều tín đồ và đồng thời cũng có nhiều kẻ thù. Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariot phản bội, bị Pontius Pilate người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ kết án, và bị chính quyền La Mã đóng đinh trên thập tự giá. Những người Thiên Chúa giáo tin là ngài đã cải tử hoàn sinh và sự phục sinh này đã cứu vớt được bao linh hồn.
Theo những tài liệu liên quan tới ngày sinh nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm, tức là cách đây (2012) là 2015 năm. Tây lịch được tính theo năm đầu tiên sau khi Chúa sinh ra đời. Theo niên giám La Mã, Lễ Giáng Sinh đầu tiên được tổ chức ở La Mã vào năm 336 Tây Lịch Kỷ Nguyên. Tuy nhiên, ở miền đông đế quốc La Mã, một buổi lễ được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ niệm chung cho ngày sinh nhật và ngày rửa của Chúa Jesus. Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do Thái (Israel) người ta chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa mà thôi. Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu hết các nhà thờ ở miền đông đế quốc La Mã mới chấp nhận tổ chức sinh nhật Chúa Jesus Christ vào ngày 25 tháng 12. Trong lúc ấy ở Jerusalem, người ta vẫn chống đối việc tổ chức Lễ Giáng Sinh. Nhưng về sau này, Lễ Giáng Sinh lại được chấp nhận ở Jerusalem. Các nhà thờ ở nước Armenia, một nước ở Tây Á, đã không chấp nhận Lễ Giáng Sinh. Họ tổ chức ngày sinh nhật của Chúa vào 6 tháng giêng. Sau khi Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, được thiết lập ở miền đông đế quốc La Mã, ngày kỷ niệm lễ rửa tội của Chúa được tổ chức vào 6 tháng giêng, ngày mà ba vị thông thái từ miền đông đế quốc La Mã đến Bethlehem để chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Những tục lệ cổ truyền về Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ sự trùng hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ niệm về nông tang và mặt trời vào mùa đông của những người không theo đạo Thiên Chúa. Ở La Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ niệm thần Saturn. Đây là thời gian ăn chơi tưng bừng nhất và là dịp để mọi người trao đổi quà kỷ niệm. Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh nhật của Thần Mithra, Thần Toàn Chân Thái Dương, thuộc xứ Ba Tư. Năm mới của người La Mã là ngày 1 tháng giêng dương lịch. Vào những dịp này người ta trang hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng.
Lửa, đèn, và nến là vật tượng trưng của sự ấm cúng và sự sống, nó luôn luôn liên hệ với các lễ lạc vào mùa đông của cả những người theo đạo Thiên Chúa và các đạo khác. Từ thời trung cổ, cây thông, một loại cây vạn niên thanh, là biểu hiệu cho sự sống và luôn luôn liên hệ với Lễ Giáng Sinh. Sự tích về tục này bắt nguồn từ một lần thánh Nicholas đến Ai Cập. Ông ở nhà một người đàn ông nghèo khó đến mức họ không thể nào có được một chút tiền làm đám cưới cho ba cô con gái. Tuy nghèo vậy nhưng gia đình họ vẫn tiếp đãi thánh Nicholas rất chu đáo. Trước hôm đi, thấy ba người con gái ngủ, để những chiếc tất của mình bên lò sưởi cho khô, thánh Nicholas mới để lại ba túi quà vào những chiếc tất đó. Và tập tục trẻ em treo tất ở chân giường chờ những món quà từ ông già Noel - đại diện của thánh Nicholas bắt nguồn từ đó.
Vòng lá mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí - dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Lutheran ở Đức vào năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ và 4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng sinh được đốt thêm một cây nến. Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday). Hoặc 4 cây nến đỏ, cứ mỗi tuần mùa Vọng đốt 1 cây nến.
Thường vào mùa Giáng sinh, một máng cỏ được đặt trong hang đá (hay gỗ) được dựng lên trong nhà hay ngoài trời, với các hình tượng Chúa Giê-su, Mẹ Maria, thánh cả Giuse (Joseph), xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ.
Cây Giáng sinh là cây xanh (thường là cây thông) được trang hoàng để trình bày trong dịp lễ Giáng Sinh theo phong tục của người Ki tô giáo. Vào thế kỷ VII, nhà tu người Đức, Thánh Bonifacedax thuyết phục các tu sĩ của mình tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là 1 loài cây thiêng liêng. Ông đốn 1 cây sồi lớn, khi cây đổ, nó đè tan hết tất cả các cây cối xung quanh, trừ 1 cây sapin trẻ và tuyên bố sẽ gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Jesus. Từ đó người ta trồng cây thông nhỏ để làm lễ Giáng sinh. Cây đó được gọi là Cây Noel lần đầu tại Alsace vào năm 1521. Năm 1560, những người theo đạo Tin Lành đã phát triển truyền thống này. Đến thế kỷ XIX, cây phát triển rất thịnh hành và đến nay, cây Noel là thứ không thể thiếu của mỗi dịp Giáng sinh. Một tài liệu khác cho biết cây Nô-en hiện đại ngày nay có được là do phong tục của Đức. Cái khung cảnh chính của vở kịch nổi tiếng hồi trung cổ về sự tích ông Adam và bà Eve là một cây thông có treo những quả táo gọi là Cây Thiên Đàng tượng trưng cho Vườn Địa Đàng . Người Đức dựng cây Thiên Đàng trong nhà vào ngày 24 tháng 12, ngày hội tôn giáo, để kỷ niệm ông Adam và bà Eve. Người ta treo những miếng bánh bít-qui gọi là wafers trên cây Thiên Đàng tượng trưng cho dấu hiệu của Chúa Jesus đứng ra chuộc tội cho nhân loại. Sau này người ta thay thế bánh Wafers bằng bánh cúc-ki (cookie) có đủ hình dáng khác nhau. Cả những cây đèn cầy hay nến cũng được dùng làm biểu tượng của Chúa đứng ra chuộc tội cho nhân loại.Trong cùng một phòng có trưng bày cây Nô-en vào mùa Giáng sinh, người ta còn dựng một Kim Tự Tháp Giáng Sinh (Christmas Pyramid). Đây là một cấu trúc bằng gỗ hình tam giác với các kệ để đồ (shelves). Bên trên các kệ này có bày các pho tượng nhỏ và trang trí bằng cây vạn niên thanh, đèn cầy, và một ngôi sao. Vào khoảng thế kỷ thứ 16 thì Christmas Pyramid và Paradise Tree được kết hợp lại thành cây Nô-en (Chistmas Tree). Phong tục này đã được thịnh hành trong giáo phái Tân-Giáo của Luther ở Đức vào thế kỷ thứ 18. Nhưng mãi tới một thế kỷ sau đó, cây Nô-en mới ăn rễ sâu vào truyền-thống của người Đức. Cây Nô-en được du nhập vào đất Anh từ đầu thế kỷ thứ 19 và rất được thịnh hành vào giữa thế-kỷ đó. Sở-dĩ được như vậy là nhờ công của Hoàng-Tử Albert, chồng Nữ hoàng Victoria. Ở Anh, vào thời đó, người ta gọi cây Nô -en là Victorian Tree. Cây này được trang-trí bằng đèn cầy, kẹo, cùng các thứ bánh đặc biệt treo ở cành cây bằng dây băng hay dây giấy đủ màu.Phong tục trưng bầy cây Nô-en vào dịp Giáng sinh đã được những người di dân gốc Đức mang vào Bắc Mỹ từ đầu thế kỷ thứ 17. Sau đó cây Nô-en được thịnh hành nhất vào thế kỷ thứ 19. Cây Nô-en còn thịnh hành ở Áo, Thụy Sĩ, Ba Lan và Hà Lan trong giai-đoạn này. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam, phong tục trưng bày cây Nô-en là do các nhà truyền-giáo mang vào từ thế kỷ thứ 19 và 20.
Thiếp mừng Giáng sinh bắt nguồn từ năm 1843 khi ông Henry Cole (1808 - 1882), một thương gia giàu có nước Anh, đã nhờ John Callcott Horsley (1817 - 1903), một họa sĩ ở Luân Đôn, thiết kế một tấm thiếp thật đẹp để tặng bạn bè. Vào Noel năm đó, Horsley trình làng tấm thiếp đầu tiên trên thế giới và sau đó nó đã in ra 1000 bản. Thiếp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Chính phủ Anh thông qua đạo luật năm 1846 cho phép bất kỳ người dân nào gửi thư đến bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.
Khi Chúa Giê-su cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba nhà thông thái (hay nhà chiêm tinh, theo truyền thống cũng là ba vị vua) từ phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng có ý nói Chúa Giêsu là vua, nhũ hương để tuyên xưng Giêsu là Thiên Chúa và mộc dược tiên báo cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại. Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Giêsu hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.
Ông già Noel (Ông già Nô-en hay còn gọi lầ Ông già Tuyết, Ông già Giáng sinh) là nhân vật đóng vai trò như là một nhân tố gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông Noel vậy. Tiếng Pháp gọi là Le Père Noel (nghĩa là Ông cha Noel) vì liên hệ nhiều đến lễ Noel. Người ta (đặc biệt là trẻ em) cho rằng Ông già Noel sống và làm việc ở Bắc Cực, nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood như The Polar Express lại càng củng cố niềm tin thơ ngây này. Các quốc gia ở Bắc Âu như: Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland đều tự nhận rằng, xưởng chế tạo đồ chơi của ông già Noel nằm ở quốc gia họ. Tuy nhiên, Phần Lan lại một mực cho rằng nhà ở thực sự của ông già Noel là tại Greenland nhưng cũng nhận ông già Noel về phần mình. Một tài liệu khác cho biết từ thủa bắt đầu, ông già Nô-en có tên là “Saint Nicholas.” Theo truyền thuyết thì Ông Già Nô-en Nicholas có lẽ là một vị Giám mục người Hy Lạp ở vào thế kỷ thứ 4. Nicholas được nổi tiếng về lòng tốt của ông. Tuy nhiên các nhà sử học không thể xác nhận những chuyện này. Truyện thần thoại về ông già Nô-en kể rằng Santa Claus tặng quà một cách bí mật cho những người gặp cảnh khó khăn. Theo tục truyền, ông già Nô-en được sinh ra ở hải cảng cổ Lycia của thành phố Patara (thuộc Asia Minor). Khi còn trẻ, ông già Nô-en đi du-lịch đến Palestin và Ai Cập. Ông trở thành Giám mục của thành phố Myra, Lycia. Ông bị tù trong vụ hành hạ những người Thiên chúa giáo thuộc triều đại Hoàng đế La Mã Diocletian. Sau đó, ông được thả ra vào triều đại vua Constantine Đại-Đế (Thế kỷ thứ 4) và tham dự Hội đồng lần thứ nhất của Nicaea, vào năm 325 . Nicaea là một thành phố của Bithynia (thuộc Asia Minor). Hội đồng này có mục đích xác nhận lòng tin vào Thiên Chúa và kết tội chủ thuyết Arianism, một chủ thuyết chối bỏ Chúa Jesus.Ngày nay, người ta chấp nhận thông tin: ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas ở thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ (280 - 343). Nhiều sử gia cho rằng, hình ảnh đầu tiên về Ông già Noel xuất hiện trong một bài thơ có tên: A visit from Saint Nicholas (Chuyến thăm của Thánh Nicholas) được xuất bản năm 1823. Hình ảnh một ông già phúc hậu, với một bộ râu trắng dài trong bộ đồ màu đỏ có viền trắng thì xuất hiện đầu tiên trên báo vào năm 1860 qua nét bút tưởng tượng của nghệ sỹ Thomas Nast. Còn trong tiếng Việt, do không hiểu rõ nguồn gốc, thấy hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện vào Noel thì gọi là Ông già Noel cho tiện. Từ xa xưa người Hà Lan gọi Thánh Nicholas là Sinter Klass, sau này đọc thành Santa Claus .Trong tiếng Anh, Ông già Noel được gọi là Santa Claus (Thánh Nicolas), xuất phát từ truyền thuyết về một nhân vật có thật, sống ở thế kỷ thứ 4 tên là Nicolas. Ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc tất. Hình ảnh tiêu biểu của ông già Noel là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc nón đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô", tồn tại trong nhiều văn hoá, đặc biệt ở các nước phương Tây. Truyền thuyết cho rằng ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi tám con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các thiếu nhi. Nhiều sử gia cho rằng hình ảnh đầu tiên về Ông già Noel xuất hiện trong một bài thơ có tên: A visit from Saint Nicholas (Chuyến thăm của Thánh Nicholas) được xuất bản năm 1823. Còn hình ảnh một ông già phúc hậu, với một bộ râu trắng dài trong bộ đồ màu đỏ có viền trắng thì xuất hiện đầu tiên trên báo vào năm 1860 qua nét bút tưởng tượng của nghệ sỹ Thomas Nast. Tại phương Tây, ngày lễ Thánh Nicholas là vào ngày 6 tháng 12. Năm 1809, nhà văn Washington Irving tả Thánh Nicolas đi trên không trung để phân phát quà . 
Sự ra đời của Ông Già Noeel có lẽ được đánh dấu vào năm 1822 dưới ngòi bút của mục sư Clement Clarke Moore ( ông đã tưởng tượng ra trong một bài thơ tặng cho các con ông. )
Năm 1821, CC Moore viết một truyện thần thoại về Noël tên là Đêm trước Noël (The night before Christmas, La nuit d’avant Noël ) trong đó Ông Già Noël xuất hiện trong chiếc xe trượt tuyết được hươu kéo.Tác giả Moore cũng viết một bài báo đăng trong tờ nhật báo Sentinel tại New York ngày 23/12/1823 có tên Cuộc viếng thăm của Thánh Nicolas (A Visit From St Nicholas, La visite de St Nicolas). Bài viết này nói về những lutins (những con yêu bé tí hon) đem quà phát cho trẻ con bằng xe được 8 con hươu kéo (các con hươu có tên Blitzen, Dasher, Dancer, Comet, Cupid, Donder, Prancer và Vixen). Con hươu thứ 9 Rudolf được thêm vô năm 1839 có nhiệm vụ soi sáng đường đi nhờ chiếc mũi đỏ và sáng.
Truyện này được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Năm 1863, Harper’s Illustrated weekly, một tờ báo New York đăng hình vẽ Santa Claus mặc áo lông thú màu trắng và thắt nịt đen, họa sĩ Thomas Nast là tác giả.
Trong gần 30 năm, Thomas Nast vẽ cho tờ báo này hình ảnh Santa Claus bụng to, râu bạc dài và có hươu đi kèm. Năm 1885, tờ báo này vẽ đường đi của Santa Claus , đi từ Bắc cực đến Hoa Kỳ. Vậy là lần đầu tiên nhà của Santa Claus đã được xác định chính thức. Và có lẽ, chỉ dưới những nét bút của họa sĩ Thomas Nast , hình ảnh ông già Noel mới được mọi người biết đến nhanh chóng và sâu rộng hơn..
Một năm sau, nhà văn Georges P. Webster nói rõ thêm là xưởng chế tạo đồ chơi và nhà của Cha Noël “được giấu dưới tuyết tại Bắc cực. Họa sĩ Nast lại xác nhận nơi cư ngụ của Cha Noël bằng hình vẽ.
Vào thế kỷ thứ XVI, nhà thám hiểm Sebastian Cabot đem gà Tây về nước Anh. Mặc dù khí hậu lạnh không thích hợp với loại gia cầm này, nhưng gà Tây quay vẫn trở thành món ăn phổ biến của người Anh mỗi dịp Giáng sinh.
Gà Tây quay nổi tiếng đến nỗi năm 1843, nhà văn Anh Charles Dickens đã đưa nó vào tác phẩm kinh điển A Christmas Carol của mình. Món ăn này lan truyền sang Úc từ năm1788.
Những bữa tiệc đón Giáng sinh về không thể thiếu chiếc bánh pudding thơm lừng, béo ngậy. Tuy nhiên, bánh pudding ngày nay khác xa chiếc bánh ngày xưa. Vào thế kỷ XV, bánh được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành rau, trái cây khô và gia vị. Khoảng thế kỷ thứ XVI, các loại rau và thịt mất dần. Đến thế kỷ thứ XIX thì thành phần và vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Người ta còn cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng người ăn phải phần bánh này, sẽ gặp may mắn cả năm.
Trong lễ hội Yule cổ xưa, người ta phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn, đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời. Người dân tin rằng họ sẽ gặp điềm gở nếu thân cây cháy hết trước lúc kết thúc lễ hội.
Ngày nay, mỗi Giáng sinh, chúng ta lại có một ổ bánh kem chocolate nâu hình khúc gỗ được rắc ít chocolate trắng lên tượng trưng cho tuyết

HAPPY NEW YEAR - CHÚC MỪNG NĂM MỚI

ОЧЕНЬ ВЕСЕЛОЕ И КРАСИВОЕ ПОЗДРАВЛЕНИЕ С НОВЫМ 2017 ГОДОМ

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

TÌNH YÊU KHÔNG PHÂN BIỆT TUỔI TÁC

Chuyện tình lệch tuổi của cụ bà Hạng Thị Sông và người đàn ông trẻ Giàng A Linh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Không ít chuyện tình lệch tuổi khiến nhiều người phải xôn xao, tò mò tìm hiểu.
Mấy năm trước, mối tình của cụ Hạng Thị Sông và người đàn ông trẻ Giàng A Linh gây xôn xao cả nước. PV trở lại vùng đất xinh đẹp này, để gặp lại cụ Hạng Thị Sông...
Ngồi trên chiếc giường cũ kĩ, một cụ bà qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nheo đôi mắt nhìn những vị khách lạ ghé thăm ngôi nhà ở Sử Pán (Sa Pa - Lào Cai). Quấn một chiếc chăn trên người để chống chọi với cái rét đầu đông, cụ già tỏ vẻ mừng rỡ khi nghe những vị khách lạ cất lời chào.
Giống như nhiều người cao tuổi khác, cụ già răng đã móm mém và mái tóc một màu bạc phơ. Cụ bà tên Hạng Thị Sông (100 tuổi). Thế nhưng, dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Sông vẫn khiến cả xứ sở sương mờ không ngừng xôn xao, bàn tán về câu chuyện tình lãng mạn với người đàn ông 40.
"Tình sử lừng lẫy" của cụ bà U100
Nghe chúng tôi hỏi về chuyện tình của mẹ mình với người yêu trẻ, ông Vàng A Đỏa (67 tuổi), con trai cụ Sông vừa cười vừa nói: “Cậu ta tên Giàng A Linh, năm nay 41 tuổi. Hai người quen nhau trong những lần bà đi chợ. Mẹ tôi nghỉ đi chợ hai năm nay rồi. Từ ngày chúng tôi bắt bà bỏ chợ, bà cũng không gặp được tên Linh kia nữa. Cũng kể từ ngày đó, hắn không vào đây thăm mẹ tôi bao giờ…”
Kể về những ngày mẹ còn đi chợ huyện, ông Đỏa trầm ngâm: “Ngày ấy tôi cũng giận bà lắm. Tôi thường bảo mẹ nhiều tuổi rồi, yêu đương gì với người không đáng tuổi con cháu. Nhưng bà không nghe, bà vẫn yêu cậu thanh niên đó”.
Lại nói về cụ Sông, hồi còn đôi mươi, sau khi lấy chồng cụ sinh tất thảy được 6 người con. Năm 1979, cụ ông mất, không còn chỗ dựa cụ Sông bắt đầu đi buôn bán ngoài chợ huyện Sa Pa.
Ngày ấy, mỗi câu chuyện tình của cụ khi đến tai những đứa con khiến họ không mấy vui vẻ. Thời gian gần đây, khi đã quen với quá khứ tình trường lẫy lừng của mẹ mình, các con của cụ Sông mới hiểu và không còn cảm thấy khó chịu nữa.
Cụ bà Hạng Thị Sông. Ảnh Cù Hiền.
Ông Đỏa cười khề khà khi kể về chuyện tình của mẹ: “Trước khi đến với cậu thanh niên tên Linh, bà còn yêu thương một người đàn ông khác tên Páo ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa - Lào Cai). Người đàn ông ấy bằng tuổi tôi nên cũng hơn 60 rồi. Ngày ấy ông ta có vợ con nhưng vẫn đi theo mẹ tôi. Bây giờ thì ông ta mất rồi. Hiện vợ con của ông ta vẫn đang sống ở bản đó”.
Sau khi chia tay với ông Páo không lâu thì gia đình lại nghe tin cụ bà đang hẹn hò yêu đương với Giàng A Linh ở Sa Pả (Sa Pa - Lào Cai). "Khi ấy Linh còn rất trẻ nhưng bị vợ bỏ. Sau khi quen nhau, họ thường hẹn hò ở chợ, nơi mẹ tôi buôn bán", ông Đỏa nói.
Trên con đường vào Sử Pán, khi hỏi chuyện về cụ bà Hạng Thị Sông, chúng tôi còn được nghe người dân kể: "Cụ Sông giàu lắm! Cụ có cả một hũ vàng".
Nhắc đến hũ vàng như lời đồn của dân bản, ông Đỏa cười ha hả: “Có đó, bà có một hũ. Trước đây, bà còn bê cả hũ đổ ra khoe với tôi. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Bà mang cho người ta hết rồi, không cho con cháu được một xu nào đâu. Mỗi lần đi ra chợ huyện là bà lại rúm một ít dắt vào đai thắt lưng ở vành váy mang đi".
Nhắc đến người tình trẻ tên Linh của mẹ, ông Đỏa bảo: "Sau khi đi bộ đội về, tôi làm bên Mặt trận Tổ quốc của xã Sử Pán, thỉnh thoảng vẫn gặp Giàng A Linh đi chăn trâu. Hắn không biết tôi, cũng không biết nhà tôi mà đến tìm bà đâu”.
Chúng tôi hỏi vui: “Nếu anh Linh đến tìm cụ thì ông có cho họ gặp nhau không?”. Ông Đỏa lại cười khanh khách: “Cho chứ sao không? Nhưng thằng đó không biết nhà đâu mà vào”.
Vẫn khao khát gặp lại người yêu
Thấy người lạ vào, cụ Sông bắt đầu ngồi dậy mân mê viền váy. Từ lúc vào đến giờ, thấy con trai kể chuyện mình cụ Sông chỉ lẳng lặng ngồi nghe. Chỉ khi chúng tôi tiến lại gần, cụ mới vồn vã đôi tay và miệng nói cười không ngớt bằng tiếng Mông.
Nhờ ông Đỏa dịch giúp, chúng tôi mới có thể hiểu được cụ đang nói gì. Ông Đỏa nói: "Mắt cụ còn tinh lắm. Con cháu ai đến cụ đều hỏi tên rõ từng người một".

Căn nhà nơi cụ Hạng Thị Sông sinh sống cùng con trai. Ảnh Cù Hiền 
Ngồi trò chuyện, tay cụ liên tục xoa lên má người đồng nghiệp của tôi. Sau khi vuốt vá, cụ Sông lại mân mê đôi tay của cô gái trẻ. Cái cách cụ Sông nhìn cô gái trẻ khiến tôi cảm nhận cụ còn khao khát tuổi thanh xuân thật nhiều.
Khi chúng tôi nhắc đến Giàng A Linh, cụ Sông nói: "Tôi vẫn nhớ Linh lắm!". Nói rồi bàn tay cụ đặt lên ngực như thể hiện khao khát cháy bỏng được gặp lại người tình cũ. Đưa tấm ảnh bà và người yêu chụp trước đây, đôi mắt cụ bỗng sáng rực lên và miệng bắt đầu ngân nga một bài hát bằng tiếng Mông.
Theo ông Đỏa phiên dịch, bài hát này có tên là "Sóng". Sóng là bài hát dành cho các đôi tình nhân đang say đắm yêu nhau.Từ khi bắt đầu trò chuyện, cụ Sông vẫn nắm chặt tay cô nhà báo trẻ và ngân nga nga khúc ca về tình yêu đôi lứa. Khi ấy, bên ngoài trời đã tối đen, gió lạnh thốc qua khe cửa vào trong căn nhà bé tí khiến những người đang cầm tay nhau cũng phải run rẩy, tê buốt.
Chúng tôi xin phép ra về cho kịp chuyến xe lên trung tâm huyện nhưng một đôi bàn tay nhăn nheo, lạnh giá vẫn cố níu lại. Trước khi những vị khách lạ rời đi, cụ Sông tháo vội chiếc vòng nhựa màu cam để tặng cho cô nhà báo trẻ. Xen lẫn những tiếng ho sặc sụa, lời ca ngân nga trong bài "Sóng" vẫn văng vẳng và âm ỉ vào bóng đêm dày đặc nơi núi rừng mờ sương.